Theo con đường Hạnh Phúc từ huyện Đồng Văn nối sang huyện Mèo Vạc, vượt qua đèo Mã Pì Lèng - một trong “Tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng nhất Việt Nam với cung quanh co và cao ngút ngang tầm mây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của dòng Nho Quế trong xanh uốn mình qua hẻm Tu Sản. Giữa những dãy núi đá tai mèo trùng điệp, sông Nho Quế vẫn nổi bật dưới vực sâu hun hút bởi màu xanh ngọc rất đặc biệt. Dòng sông được ví như dải lụa mềm mại vắt qua, khiến cả miền cao nguyên sừng sững, đá tai mèo hiểm trở bỗng chốc trở nên dịu dàng, nên thơ.

Đứng trên Đèo Mã Pì Lèng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dãy núi đá tai mèo trùng điệp; ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp của dòng Nho Quế trong xanh uốn mình qua hẻm Tu Sản. 

Để có thể di chuyển xuống khu vực lòng hồ, chạm tay vào dòng nước xanh mát ấy, sau khi đi qua đèo Mã Pì Lèng đến ngã 3 xã Pả Vi (đường rẽ đi các xã biên giới: Xín Cái, Thượng Phùng và Sơn Vĩ); đi khoảng 10km, du khách sẽ đến cầu Tràng Hương, đây cũng là khu vực bãi đỗ xe của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1. Tại đây du khách sẽ nghe tư vấn dịch vụ và mua vé để đi thuyền khám phá lòng hồ. Sau khi mua vé, du khách sẽ đến bến thuyền và nhận vị trí ghế ngồi trên thuyền.

 Khu vực bãi đỗ xe và mua vé để du khách đi thuyền khám phá lòng hồ. 

Khi thuyền di chuyển khoảng 20 phút, du khách sẽ đến hẻm Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Hai bên hẻm là hai vách đá dựng đứng, đây là một kiệt tác của tự nhiên, cho thấy sự kỳ diệu của địa chất qua hàng triệu năm. Phía dưới cả ngàn mét là dòng sông Nho Quế xanh ngắt, uốn lượn đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Sắc xanh của nước, màu xám trầm của đá, ánh nắng vàng rực và mây trắng lững lờ trên bầu trời tạo nên cảnh sắc mỹ lệ, hoang sơ mà quyến rũ khiến bất kỳ ai cũng muốn check-in để lưu lại khoảnh khắc “mê hồn” này.

Thuyền di chuyển khoảng 20 phút, du khách sẽ đến hẻm Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.

Đến sông Nho Quế vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách cũng có thể ngắm trọn vẻ đẹp thiên nhiên vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ nơi đây. Thời điểm này, đi thuyền trên lòng hồ, du khách phóng tầm mắt trải rộng ra bốn phía, sẽ cảm nhận màu xanh non mơn mởn của những nương ngô phủ lên trên gam màu xám của đá núi. Hằng năm, cứ vào độ cuối tháng 4, tháng 5 là thời điểm đồng bào Mông tiến hành vun ngô; dưới cái nắng cháy cả da thịt nhưng bà con vẫn miệt mài, cặm cụi nhổ cỏ, chăm sóc những nương ngô... Nơi đây còn được mệnh danh là điểm canh tác “hiểm địa” nhất thế giới.

Hẻm Tu Sản khiến bất kỳ ai cũng muốn được check-in. 

Chị Nguyễn Ngọc Hương, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu về các điểm du lịch ở Hà Giang trước khi đến đây, nhất là đi thuyền trên dòng sông Nho Quế, nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi vẫn bị ngỡ ngàng bởi sự hùng vĩ này. Không chỉ thiên nhiên, ẩm thực khiến tôi thích thú, tôi còn rất ấn tượng với sự kiên cường khuất phục thiên nhiên của người đồng bào nơi đây”.

Quả thực, khi nhìn những mầm xanh vươn lên mơn mởn ở 2 bên sườn hẻm, phía dưới là vực sâu hun hút, hùng vĩ nhưng vô cùng nguy hiểm, mới thấy sức sống mãnh liệt được thắp lên từ bản lĩnh cũng như sự cần cù, chịu thương, chịu khó của bao thế hệ đồng bào nơi đây. Giữa những vách đá tai mèo cheo leo, dựng đứng, hun hút ấy, những người dân vẫn quanh năm cần mẫn bám vực, bám đá để bắt đá nảy mầm xanh.

Thời điểm này, 2 bên sườn núi là màu xanh non mơn mởn của những nương ngô phủ lên trên gam màu xám của đá núi. 

Sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), chảy vào Việt Nam. Tại Hà Giang dòng sông biên giới qua một số xã của huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc rồi tiếp tục theo hướng Đông Nam đến tỉnh Cao Bằng và hòa vào dòng chảy sông Gâm. Ðoạn sông chảy trên đất Việt Nam chỉ gần 50km, băng qua những khu vực địa hình đặc biệt, tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Trước kia, nước sông chủ yếu có giá trị thủy lợi, thủy sản đối với cư dân sinh sống hai bên bờ, rất khó tham quan du lịch bởi dòng chảy mạnh, nhiều ghềnh thác.

Khung cảnh thơ mộng bên bờ lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1. 

Năm 2019, khi hoàn thành xây dựng thủy điện Nho Quế 1, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch Tu Sản phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy điện Nho Quế 1 tiến hành khai thác dịch vụ thuyền chở khách trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1; qua đó, tiềm năng du lịch nơi đây được đánh thức. Hiện nay, có hơn 50 thuyền phục vụ du khách tham quan hẻm Tu Sản; bình quân hơn 1.000 lượt người/ngày; vào ngày lễ, Tết khoảng 6.000 lượt khách...

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.