Làng Quảng Phú Cầu giữa mùa thu ngập tràn sắc hương. Chân hương bó thành từng bó, xòe ra như những bông hoa rực rỡ khoe sắc. Để hút khách, nhiều gia đình tỉ mỉ xếp những bó chân hương thành hình bông hoa, cờ đỏ sao vàng, bản đồ Việt Nam... Mùi hương thoang thoảng bay. Người người tươi cười hớn hở. Du khách đến Quảng Phú Cầu có thể thuê thêm áo dài, quạt, nón lá, thang xếp, ghế... để sáng tạo ra muôn vàn kiểu ảnh thả dáng. Du khách cũng có thể tự tay xe, cuốn hương truyền thống theo hướng dẫn của nghệ nhân và tìm hiểu về hương, về cuộc sống người Việt, về quy trình sản xuất hương sạch truyền thống...

leftcenterrightdel

 Du khách trải nghiệm làm hương ở Quảng Phú Cầu.

Làng nghề trăm năm, những người dân làng vốn quen với việc làm hương, giờ cũng đã thích ứng để trở thành những hướng dẫn viên du lịch. Với tấm lòng mộc mạc, chân chất, đón tiếp nồng hậu, người dân làng Quảng Phú Cầu đã giúp du khách không chỉ hiểu hơn về nghề làm hương mà còn thêm yêu vốn văn hóa truyền thống của người Việt. Bà Lê Thị Tuyến, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa chia sẻ: “Người dân Quảng Phú Cầu luôn trọn tình với nghề thủ công cha ông truyền dạy. Giờ đây, làng còn mang trên mình sứ mệnh kết nối. Tính đến ngày cuối tháng 3-2024, có khoảng 15.600.000 lượt tìm kiếm trên mạng xã hội, nhiều báo trong nước và quốc tế cũng đã viết bài về làng. Sự kết nối văn hóa người Việt với quốc tế ngày càng gần hơn khi du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm không gian làng nghề truyền thống mà còn hiểu rõ hơn đời sống văn hóa, tinh thần và sự hăng say, cần cù lao động của mỗi người dân Việt Nam”.

leftcenterrightdel
 Đông đảo du khách đến thăm làng Quảng Phú Cầu vào mùa thu 2024.

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km, Quảng Phú Cầu là làng nghề chuyên làm tăm hương duy nhất ở Hà Nội. Tại Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương, nghệ nhân làng nghề Nguyễn Thu Phương cho biết: “Để làm ra một que hương hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn, từ chọn nguyên liệu, làm chân hương, nhuộm chân hương cho đến công đoạn xay bột thảo mộc rồi chuyển đến nơi xe bột để làm nên thành phẩm cuối cùng. Tất cả đều phải thật tỉ mỉ, đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, kiên trì. Nguyên liệu dùng làm bột hương là hỗn hợp bột quế, trấu và mùn cưa, nay còn sử dụng thêm cả trám, nụ trầm, bồ kết để đem lại những mùi hương mới lạ cho sản phẩm. Chân của hương Quảng Phú Cầu hầu như lấy từ vầu của các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Ở công đoạn xe hương, hương phải được phơi dưới ánh nắng để hương thơm tự nhiên chứ không sấy nếu không muốn hương mất đi mùi thơm đặc trưng”.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, thăm làng hương Quảng Phú Cầu, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng dư địa phát triển du lịch của làng hương khá lớn. Để phát huy được các tiềm năng ấy, Quảng Phú Cầu cần tìm ra nét độc đáo của làng mình. “Không phải riêng Hà Nội có hương, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh... đều có làng sản xuất hương. Ở Huế có làng hương đã nổi tiếng vài trăm năm. Họ còn lưu giữ ở làng cả những giá trị vật thể và phi vật thể với những nghệ nhân làng nghề truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, Quảng Phú Cầu cần đưa thêm văn hóa bản địa vào sản phẩm du lịch của làng mình. Làng cũng cần những người trẻ nối nghề, có thể hướng dẫn và truyền cho du khách tình yêu với nghề làm hương”, ông Vũ Văn Tuyên gợi ý.
Bài và ảnh: PHÚ HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan