Những bước tiến quan trọng

DSTL là những ký ức giá trị mà con người tạo ra và ghi chép lại trên tất cả các loại vật liệu, từ đá, gỗ, giấy, vải, da, bản ghi âm, hình ảnh... Đây là những bằng chứng lịch sử có giá trị nổi bật, chứa đựng những thông tin về quá khứ với nội dung đa dạng và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Từ khi tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO năm 2006 đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị DSTL; được bầu giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2018.

Đánh giá về giá trị DSTL tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định: "Việc bảo vệ và chia sẻ DSTL đa dạng theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và bảo vệ những thông tin, tri thức đa dạng mà con người đã tạo ra, nhằm hiểu biết về quá khứ, sử dụng những tri thức đó để nhận diện đầy đủ hơn hiện tại và có bề dày dữ liệu thông tin phục vụ cho việc dự báo tương lai. Việt Nam có 9 DSTL được UNESCO ghi danh. Đây là bằng chứng khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam và cam kết mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị”.

leftcenterrightdel

 Du khách tham quan bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Bên cạnh 9 DSTL được UNESCO ghi danh, Việt Nam hiện có 2 hồ sơ DSTL nộp đề cử vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương chu kỳ 2022-2023 là “Cửu đỉnh-Hoàng cung Huế” và “Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân”. Để một hồ sơ được đưa vào danh mục Ký ức thế giới đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, từ xây dựng cho đến bảo vệ hồ sơ. Vấn đề quan trọng hơn sau đó là làm thế nào để bảo vệ và phát huy các giá trị của mỗi danh hiệu đem lại. TS Phạm Thị Thanh Bình, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam khẳng định: "Cũng như các chương trình khác của UNESCO, Chương trình Ký ức thế giới khuyến khích bảo quản an toàn và nguyên vẹn các DSTL dưới nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi, lâu dài, vĩnh viễn của DSTL, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của DSTL trong đời sống. Những mục tiêu này ngày càng cấp thiết hơn trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, đòi hỏi nhiều công sức, vật lực và trên hết là sự nhiệt tâm của xã hội”.

Để hồn phách dân tộc “kể chuyện”

“Châu bản triều Nguyễn”-DSTL thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh-hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ). “Châu bản triều Nguyễn” là một di sản quý, song không dễ để công chúng tiếp cận được bản gốc. Ngay cả khi được tiếp cận bản gốc, những tài liệu này chỉ mang giá trị thông tin phù hợp với đối tượng nghiên cứu nên không nhiều công chúng có thể hiểu và yêu thích. Nhằm đưa những tài liệu lưu trữ đến gần và thu hút công chúng, những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức nhiều triển lãm về tư liệu có ứng dụng khoa học-công nghệ, như: “Khoa cử Việt Nam xưa trong DSTL thế giới”; các triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại” và “Ký ức chợ xưa”...

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dịch tài liệu tiêu biểu, đưa di sản đến với học đường; đồng thời cử các đoàn công tác đi học tập mô hình, kinh nghiệm bảo tồn và lan tỏa giá trị DSTL tại các nước phát triển. “Muốn thu hút công chúng, các DSTL cần được lan tỏa qua những bài viết, trưng bày, triển lãm, sách báo, mô hình học tập... Quá trình này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa những người làm công tác lưu trữ với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và chuyên gia công nghệ”, bà Trần Thị Mai Hương nói.

leftcenterrightdel
Học sinh Trường THCS Hà Châu (xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) tham quan bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). 

Nhằm lan tỏa giá trị của 82 bia tiến sĩ ra thế giới, những năm qua, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã dịch sang tiếng Anh và xuất bản sách bằng tiếng Anh về nội dung của văn bia; tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề về bia tiến sĩ, quảng bá về văn bia trên các phương tiện thông tin đại chúng... Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, do 82 bia tiến sĩ nằm trong di tích quốc gia đặc biệt nên mọi hoạt động bảo tồn, tu bổ, phát huy cần phải xin ý kiến các cấp, dẫn đến các hoạt động mất thời gian dài để chuẩn bị.

Trên thực tế, không phải đơn vị quản lý nào cũng có cách thức lan tỏa giá trị DSTL đến công chúng, bởi quá trình này đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và tốn kém chi phí. Hầu hết các DSTL của Việt Nam vẫn trong tình trạng “cất kín trong tủ”, không dễ để công chúng tiếp cận. Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới đã có nhiều nỗ lực hướng tới hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý nhà nước về DSTL như xây dựng các quy định, dự thảo kiểm kê, đề xuất các nội dung quản lý... Tuy nhiên, để có một chiến lược sưu tầm, lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ký ức vẫn cần nhiều thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Hiện luật pháp Việt Nam mới chỉ quy định về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; còn một mảng rất lớn là DSTL thì chưa được đề cập tới. Chỉ khi luật được hoàn thiện thì chúng ta mới có cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị DSTL”.

Việt Nam hiện có 9 DSTL được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 DSTL thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội); 6 DSTL khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh).

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG