Đây là một điểm đến văn hóa, lịch sử và du lịch nổi bật, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1997 nhờ vào giá trị kiến trúc độc đáo, lịch sử phong phú và tầm quan trọng văn hóa.
Thành cổ Lệ Giang nằm ở độ cao khoảng 2.400m so với mực nước biển. Thành phố này được bao quanh bởi núi non trùng điệp và nằm gần dòng sông Kim Sa, một nhánh quan trọng của sông Dương Tử. Điều kiện tự nhiên này không chỉ mang lại vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa và giao thương của khu vực.
Thành cổ Lệ Giang nổi tiếng với hệ thống đường phố lát đá cuội uốn lượn, kết hợp với các dòng kênh nhỏ chảy len lỏi qua các khu phố. Hệ thống kênh rạch trong thành cổ là một trong những điểm nhấn đặc sắc nhất. Hệ thống này không chỉ phục vụ cho mục đích sinh hoạt mà còn tạo nên cảnh quan thơ mộng, đồng thời phản ánh trình độ kỹ thuật thủy lợi tiên tiến của người xưa.
 |
Hệ thống kênh rạch tạo nên cảnh quan thơ mộng trong thành cổ Lệ Giang.
|
Điểm đặc sắc nữa của Lệ Giang là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của người Nạp Tây (Naxi) và các ảnh hưởng từ văn hóa của dân tộc Hán, Tạng và Bạch. Các ngôi nhà trong thành cổ chủ yếu được xây dựng từ gỗ, với mái ngói cong đặc trưng. Đặc biệt trên mái nhà có đặt một chú “mèo gốm” - một thần thú trông nhà giữ cửa mang đặc sắc Vân Nam, với cái miệng há rất to.
Trung tâm của thành cổ là Quảng trường Tứ Phương, nơi từng là trung tâm thương mại nhộn nhịp trên Con đường Trà Mã cổ xưa, tuyến giao thương quan trọng nối liền Trung Quốc và Nam Á. Thành cổ Lệ Giang là trung tâm văn hóa của người Nạp Tây, một dân tộc thiểu số độc đáo với ngôn ngữ, chữ viết và phong tục riêng biệt. Đặc biệt, chữ Đông Ba của người Nạp Tây được xem là một trong những hệ chữ viết biểu ý còn tồn tại trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ các tư liệu lịch sử.
 |
Thành cổ Lệ Giang là một điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. |
Ngày nay, Thành cổ Lệ Giang là một điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Các hoạt động du lịch bao gồm tham quan các di tích như Công viên Hắc Long Đàm, Mộc Phủ – nơi ở của các Thổ ti họ Mộc và núi tuyết Ngọc Long...
Mộc Phủ có thể coi là trái tim của thành cổ Lệ Giang. Mộc Phủ, được ví như “Cố cung phương Nam” (Bắc hữu Cố cung, Nam hữu Mộc phủ), nơi hội tụ vẻ đẹp kiến trúc và văn hóa đặc sắc. Bước qua cây cầu nhỏ bắc trên dòng nước trong xanh, một cổng chào bằng gỗ nổi bật giữa những mái nhà truyền thống hiện ra, dẫn vào thế giới lộng lẫy của Mộc Phủ. Cánh cổng đỏ rực mở ra một không gian bao la, nơi cung điện nguy nga hiện diện trên nền đá cẩm thạch trắng muốt, với khí thế khiến người ta tưởng như đang lạc bước vào hoàng cung. Nếu phố cổ Lệ Giang là hình ảnh đời sống thường nhật, thì Mộc Phủ kể lại câu chuyện huy hoàng và suy tàn của một dòng họ thổ ti vĩ đại từng thống trị vùng Tây Nam.
 |
Tác giả trong chuyến thăm Mộc Phủ năm 2024. |
Tọa lạc tại góc Tây Nam cổ thành Lệ Giang, Mộc Phủ từng là biểu tượng cho quyền lực và sự phồn hoa thời Minh. Tuy nhiên, chiến loạn cuối đời Thanh và Cách mạng Văn hóa đã khiến phần lớn công trình bị hủy hoại. Sau trận động đất năm 1996, Ngân hàng Thế giới đã nhìn ra giá trị độc đáo của di sản này, cấp vốn lớn để phục dựng Mộc Phủ. Qua 3 năm nỗ lực, những bàn tay tài hoa của thợ thủ công Lệ Giang đã tái tạo lại Mộc Phủ như một “phượng hoàng tái sinh từ tro tàn”. Với diện tích 46 mẫu, trục chính dài 369m, Mộc Phủ có thiết kế độc đáo “tọa Tây hướng Đông”. Các công trình tại đây không chỉ thể hiện đỉnh cao kiến trúc thời Minh mà còn chứa đựng tinh thần của văn hóa Nạp Tây.
Trong suốt thời kỳ phong kiến, Tây Nam Trung Quốc là khu vực giao thoa của nhiều tộc người, nơi các bộ tộc cạnh tranh và mở rộng lãnh thổ. Nhờ biết vận dụng chiến lược linh hoạt, người Nạp Tây, dưới sự lãnh đạo của dòng họ Mộc, đã tồn tại và phát triển thịnh vượng.
Thủ lĩnh họ Mộc quyết định không xây tường thành bao quanh đô thị vì lý do mang tính biểu tượng. Ông cho rằng chữ "mộc" (木) nếu được đóng khung sẽ trở thành chữ "khốn" (困), mang nghĩa bị giam hãm, trói buộc. Vì vậy, không xây tường thành thể hiện khát vọng tự do và không muốn ràng buộc. Do đó, đây là cổ thành duy nhất trong các thành phố lịch sử văn hóa của Trung Quốc không có tường thành.
 |
Thành cổ Lệ Giang nhìn từ Mộc Phủ. |
Có thể nói, đến Lệ Giang mà không ghé Mộc Phủ thì cũng như chưa thực sự đến nơi đây. Mộc Phủ không chỉ là một công trình kiến trúc; còn là linh hồn của Lệ Giang - nơi ghi dấu bước chân của lịch sử và truyền cảm hứng cho bao thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: SƠN NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.