Sau những ki-lô-mét chạy dọc đường tàu trên con đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ, tôi đã đến đường phố mang tên nhà văn Thạch Lam dẫn vào trung tâm thị trấn Cẩm Giang (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Dẫu tên mới là Cẩm Giang song nhiều người vẫn quen gọi nơi đây là thị trấn Cẩm Giàng. Biển chợ cũng vẫn mang tên Cẩm Giàng, ga tàu cũng vậy.
Có một điều khá thú vị ở thị trấn này là tên gọi của những con đường: Chiến Thắng, Vinh Quang, Độc Lập... Đã có một số cách lý giải khác nhau về những tên gọi này, riêng tôi thấy những tên đường vừa logic, vừa gợi lên những chiến công, khát vọng, mang đến niềm hân hoan khó tả.
 |
Con đường mang tên nhà văn Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giang. Ảnh: HOÀNG HÀ
|
Độc Lập là trục phố chính và cũng là con phố sầm uất nhất ở thị trấn này với nhiều ngôi nhà 3 tầng, cửa hàng, cửa hiệu đa dạng, từ bán vàng, bạc, đồ trang sức, thời trang đến nước giải khát, hàng tạp hóa. Ngắm nhìn cảnh vật trên con phố này, bất chợt tôi nhớ đến cái phố huyện Cẩm Giàng nghèo ngày nào trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam-nơi thứ quà từ gánh phở của bác Siêu luôn là đồ xa xỉ, đắt tiền, hai chị em Liên và An không bao giờ mua được...
Nếu từ cuối đường Thạch Lam, đường sắt dần chạy mất hút sau lưng đường Độc Lập thì chẳng mấy chốc lại hiện ra, song hành một bên con phố chính này để rồi trườn trên cầu sắt, băng ngang Quốc lộ 38 đi Hà Nội. Cây cầu sắt bắc qua sông Cẩm Giàng có thiết kế độc đáo, đậm màu thời gian, được thực dân Pháp xây dựng khi mở tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng trong những năm 1901-1902. Cầu được thiết kế cho tàu hỏa chạy một bên và bên còn lại dành cho xe đạp, xe máy, ô tô đến 7 chỗ ngồi lưu thông cả hai chiều. Vì cầu hẹp nên nếu ô tô từ phố huyện sang phía Quốc lộ 38 thì chiều bên kia phải chờ và ngược lại. Phía dưới mặt sông mùa này lục bình giăng kín, lác đác vươn lên những ngồng hoa tím...
Khác hẳn sự đông đúc, nhộn nhịp của đường Độc Lập, đường Chiến Thắng mang dáng vẻ bình yên và có phần tĩnh lặng. Có điểm đầu giao cắt với đường Độc Lập, đường Chiến Thắng phẳng phiu, sạch sẽ. Trên con đường này có một ngôi biệt thự lớn với mái vòm, mang kiến trúc phương Tây; kế bên là quần thể công trình xây bằng đá ong. Tất cả vừa mang nét sang trọng, vừa tạo nên cái lạ lẫm ở khu phố huyện nhỏ bé này. Đi hết Chiến Thắng là đến Vinh Quang. Càng ngẫm ngợi càng thấy việc đặt tên phố ý nghĩa biết bao! Từ đây, nếu rẽ phải thì cuối cùng sẽ đến nơi giao cắt với đường Độc Lập, Thạch Lam; còn nếu rẽ trái sẽ ra Quốc lộ 38 và gặp phố Sen của huyện Lương Tài (Bắc Ninh).
Phố Ga rất ngắn. Sáng sớm, đầu phố và cũng là ngã tư giao cắt với đường Độc Lập, đối diện bên kia là đường Thanh Niên, có nhiều quán cà phê như Mộc, Phương Anh, Tú Anh, Quang Phú... với khá đông người thưởng thức. Gần đó, mấy người đàn ông tuổi chừng ngoại lục tuần thư thái bên khay trà đặt trên hè phố. Một không khí gợi lên cảm giác thật bình yên. Từ đầu phố Ga, chạy tiếp khoảng hơn chục mét, qua một đoạn đường thắt với chiều rộng chỉ vừa vặn cho hai chiếc xe ô tô 5 chỗ tránh nhau, ga Cẩm Giàng hiện ra, nhỏ nhắn và sạch sẽ. Đi dạo dọc đường ke dành cho hành khách đi lại khi lên xuống tàu, đập vào mắt tôi là cái lô cốt nửa chìm nửa nổi. Kỷ niệm tuổi thơ như thước phim đen trắng tự động bật lên, chầm chậm quay, ngày càng rõ nét...
Đầu thập niên 1980, khi còn là công nhân thông tin, tín hiệu của ngành đường sắt ở nhà ga này, cha tôi đã cho tôi-một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi-theo ông đến đây chơi một thời gian. Tôi đã từng leo lên rồi chạy nhảy tung tăng trên nóc cái lô cốt này, hào hứng ngóng trông những đoàn tàu dài hút tầm mắt, với cột khói trắng khùng khục phun ra từ đầu máy hơi nước đen trùi trũi, cùng tiếng còi hơi kéo vang chói tai và guồng trục như cánh tay người khổng lồ kéo những bánh xe của đầu máy khiến cả con tàu hùng dũng lao đi.
Rồi những đêm tôi bước thấp bước cao lẽo đẽo theo cha đi dọc đường ray khắc phục hỏng hóc phát sinh liên quan đến hệ thống thông tin, tín hiệu để bảo đảm cho những chuyến tàu thông suốt, an toàn. Ngày ấy, phố huyện này còn chưa có điện. Tối đến, cả sân ga chìm trong màn đêm. Đèn tín hiệu phục vụ chạy tàu là đèn dầu được đặt trong những hộp kính với những mặt có màu.
“Tuy không xây mới nhưng trong những năm qua, nhà ga đã được sửa sang, cải tạo nhiều hạng mục. Gần đây nhất là hệ thống mái che kiên cố trên đường ke đã được xây dựng, giúp hành khách không còn bị nắng, mưa khi chờ tàu”, anh Nguyễn Văn Ân, Cung trưởng Cung Thông tin tín hiệu Cẩm Giàng, chia sẻ với tôi như vậy.
Về Cẩm Giàng lần này, tôi mang theo ý định đến tham quan Nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Khi tôi chia sẻ điều đó, anh Ân nói ngay: “Không phải lúc nào nhà lưu niệm cũng mở cửa. Anh về UBND thị trấn đề nghị, chắc chắn các anh bên đó sẽ tạo điều kiện cho anh”. Rồi anh chỉ tôi hướng đi về UBND thị trấn.
Thật lạ là phải quay lại đường Độc Lập, rẽ vào đường Thạch Lam, băng qua đường tàu rồi chạy giữa mênh mông cánh đồng một đoạn mới tới UBND thị trấn Cẩm Giang. Thì ra, đó là câu chuyện dài liên quan đến lịch sử của thị trấn này. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cẩm Giàng đã là phố. Đến năm 1958, thị trấn Cẩm Giàng được thành lập trên cơ sở một phần thôn Kim Quan tách ra từ xã Kim Giang. Năm 2019, xã Kim Giang sáp nhập với thị trấn Cẩm Giàng thành thị trấn Cẩm Giang. Đến năm 2024, xã Thạch Lỗi nhập vào thị trấn Cẩm Giang. Nơi đặt trụ sở UBND thị trấn hiện nay chính là xã Kim Giang trước đây.
Trước đề nghị của tôi, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang vui vẻ đồng ý và giao nhiệm vụ cho anh Phạm Văn Dinh, công chức văn hóa-xã hội của UBND dẫn tôi đến tham quan Nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Anh Dũng cũng tâm sự rằng, trước đây có nghe nói sẽ triển khai dự án xây dựng công viên Tự Lực Văn Đoàn, nhưng lâu rồi không thấy động tĩnh gì.
Thì ra, khu nhà lưu niệm nằm ngay cạnh phía cuối đường ke của ga Cẩm Giàng, cách điểm cuối đường Thạch Lam chỉ chừng vài chục mét. Trên trụ cổng nhà lưu niệm mốc thếch, bong tróc vữa có tấm biển sơn xanh cũ kỹ mang dòng chữ “Nơi lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942)”, có những chữ đã bay hết màu sơn trắng, chỉ có thể luận ra nhờ dấu vết lờ mờ. Khu đất này là nơi gia đình nhà văn Thạch Lam từng sinh sống, cũng là nơi ông đón tiếp bạn văn, thơ. Trong ngôi nhà mái lợp tôn gần như hoang phế, chính giữa là ban thờ, phía trên có khung ảnh chân dung các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nơi đây còn trưng bày một số hình ảnh, tư liệu của nhóm văn nhân từng tạo tiếng vang lớn trên văn đàn nước nhà một thời, nay đã ố màu, phủ bụi thời gian, như bản in một số trang Báo Ngày nay và những tác phẩm như: “Bướm trắng”, “Đời mưa gió”...
Trong khuôn viên nhà lưu niệm có nhiều gốc nhãn cổ thụ to lớn, xù xì, tỏa bóng rợp cả khu đất rộng lớn, thâm u. Lá nhãn vương đầy mặt đất, khô cong, lách tách vỡ dưới mỗi bước chân. Phía trước ngôi nhà là khu vườn văn chương một thuở, nay cây lá um tùm. Bậc lên xuống ao rêu mốc vì lâu năm vắng chân người.
Vừa lau bụi bám trên bộ bàn ghế kê ở gian chính giữa, anh Phạm Văn Dinh vừa tâm sự, kể từ khi đảm nhiệm công chức phụ trách văn hóa-xã hội (tháng 12-2024) đến nay, anh đã đón vài đoàn về tham quan nhà lưu niệm, chủ yếu là các văn nghệ sĩ và nhà báo. Tự hào vì đây là nơi nhà văn Thạch Lam từng sinh sống, cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn nổi tiếng, để từ đó có những tác phẩm mình được học từ thời phổ thông, nhưng anh Dinh cũng trăn trở vì thực trạng hoang lạnh của khu lưu niệm hiện nay.
Mười giờ rưỡi, có tiếng còi tàu vọng lại từ xa. Chẳng mấy chốc, hai đoàn tàu chạy chiều Hà Nội-Hải Phòng và ngược lại đã ngang qua nhau ngay trước cổng khu nhà lưu niệm. Tôi chợt bâng khuâng nhớ đến sự háo hức ngóng chờ chuyến tàu đêm của chị em Liên, An trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”. Dường như đang có sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại ngay trong cái không gian vừa chân thật, vừa đầy huyền bí và mênh mang này...
“Anh có đi xe ôm không?”, câu hỏi vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Thì ra bác chạy xe ôm nghĩ tôi là khách xuống tàu. Người đàn ông ấy tên Hậu, năm nay 66 tuổi, nhà ở khu 2 của thị trấn. Ông bộc bạch rằng, hôm nào gặp may thì được 2-3 “cuốc” xe, nhưng cũng có hôm không có khách đi. Tuy nhiên, đã thành thói quen, cứ đến giờ tàu là ông lại ra ga. Có lẽ, như bao người dân sinh sống quanh cái ga nhỏ bé, khiêm nhường này, tiếng máy tàu, còi tàu lâu nay đã trở thành một phần cuộc sống.
Tôi hòa vào dòng người vừa xuống sân ga... Thoáng chốc, nhìn qua gương chiếu hậu, thị trấn đã không còn trong tầm mắt. Lòng chợt trào dâng nỗi bâng khuâng, tôi tự hò hẹn với chính mình, vào một ngày không xa, cũng tại phố huyện này khi màn đêm đã xuống, lặng lẽ bên ly cà phê cạnh đường tàu để ngóng chờ chuyến tàu cuối qua ga...
Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.