Quần thể di tích lịch sử đền Trần tọa lạc trên một không gian bằng phẳng, rộng lớn thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Bước chân vào không gian di tích, du khách như hòa mình vào cõi tâm linh vừa cổ kính, linh thiêng, vừa thanh tĩnh, trầm mặc. Những sắc màu đó hiện hữu trên những nét kiến trúc đền vô cùng độc đáo với hoa văn, đường nét tinh xảo, qua nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng thờ ở trong những ngôi đền của quần thể di tích, qua cây cối, hồ nước và không khí tâm linh. Từ lâu, đền Trần nổi tiếng cả nước, là nơi du khách thập phương về chiêm bái, du xuân đông vào bậc nhất ở miền Bắc.

Cổng tam quan đền Trần. 

Không gian hồ nước trong xanh hòa vào sắc màu cổ kính của đền Trần. 

Đền Trần hay thường gọi là Trần Miếu được xây dựng cách đây hơn 300 năm, được xây dựng trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần, là nơi thờ các vị vua Trần, triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nơi đây còn thờ phụng các vị tướng có công lớn đối với thời nhà Trần như danh tướng Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngộ... Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, đền Trần được nhân dân trùng tu, sửa chữa và ngày nay là một quần thể di tích khang trang, mang đậm dấu ấn thời đại nhà Trần.

Cổng tam quan của đền Trần tạo ấn tượng cho du khách khi về chiêm bái với kiểu kiến trúc độc đáo của đền miếu Việt Nam. Những hoa văn, đường nét hòa vào dấu ấn thời gian đã gợi lên nét cổ kính cho ngôi đền. Bước qua cổng tam quan là  một không gian thanh tịnh, trầm mặc và nên thơ. Phía trước những ngôi đền là hồ nước có diện tích khoảng 1000m2 trong xanh soi bóng những mái đền cong vút in hình trên nền trời. Xung quanh hồ là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo cho không gian vẻ hữu tình. Đứng trên bờ hồ mà ngắm nhìn cây cỏ, chiêm ngưỡng những mái đền cổ, thoang thoảng hương trầm, con người như chìm đắm vào cõi bình yên, xua tan bao bụi bặm, ưu phiền, như được ngược dòng lịch sử của một thời oanh liệt, vàng son thời đại nhà Trần.

Đền Trần là địa chỉ tâm linh của du khách thập phương. 
 Nét kiến trúc độc đáo và tinh xảo của đền Trần.

Du xuân chiêm bái đền Trần, du khách sẽ lần lượt tham quan các ngôi đền ở vị trí gần nhau như đền Thiên Trường được xây trên chính nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần. Nơi đây, ở tiền đường, trung đường, chính tẩm đều là nơi hương hỏa, thờ phụng các vị vua nhà Trần và các vị tướng giỏi thời Trần. Tiếp đến là đền Cố Trạch, ngôi đền nằm ở phía Đông đền Thiên Trường, được xây dựng vào năm 1894. Nơi đây thờ Trần Hưng Đạo cùng các vị tướng như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu... Đền Trùng Hoa được xây dựng trên nền của cung Trùng Hoa xưa. Tại không gian đền có đặt thờ 14 pho tượng của 14 vị vua nhà Trần.

Điểm chung của các công trình trong quần thể di tích đền Trần là đều mang đậm sắc màu cổ kính, mang dấu ấn triều đại nhà Trần. Đặc biệt, khi đến đến Trần, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng nghệ thuật tạc tượng đồng rất độc đáo. Từ những pho tượng vua Trần bằng đồng đến bát hương, lư hương đều thể hiện nghệ thuật tạc tượng đồng vừa độc đáo, vừa tài hoa của các nghệ nhân xưa. Vào ngày 27-9-2012, quần thể đền Trần được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

 Cây cổ thụ tỏa bóng xuống hồ nước trong khuôn viên đền Trần.
 Lư hương bằng đồng trong sân đền Trần.

Hành hương về du xuân đền Trần, du khách thập phương có cơ hội được hòa mình vào không khí tâm linh của lễ hội đền Trần được tổ chức vào 15 tháng Giêng hằng năm. Đặc biệt, lễ khai ấn đền Trần là dịp để muôn dân đến xin ấn, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu mong một năm mới bình yên, may mắn. Lễ khai ấn bắt nguồn từ thời nhà Trần, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1239, vua Trần mở tiệc phong chức cho các quan tại phủ Thiên Trường. Lễ phong chức được thực hiện bằng nghi lễ khai ấn, đóng vào các sắc phong. Đến nơi đây, mỗi người như được ngược dòng lịch sử, sống trong khí thế hào hùng của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, như cảm nhận được chí khí của các danh tướng nhà trần và như được tiếp thêm sức mạnh để dựng xây cuộc sống, đất nước hôm nay.

Trong hành trình du xuân đền Trần, bạn có thể thăm các danh lam, thắng cảnh khác của vùng đất Nam Định như chợ Viềng, tháp Phổ Minh, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ... Những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này sẽ làm nức lòng du khách bốn phương như chuối ngự chợ Rồng, bánh gai bà Thi, phở bò, nem nắm Giao Thủy, gạo tám Hải Hậu, kẹo sìu châu, kẹo dồi...

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.