Đến tham quan đền Trần dịp đầu xuân Quý Mão, chúng tôi cảm nhận sự nô nức của nhân dân Nam Định và du khách thập phương đến trẩy hội, tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân nhà Trần đã có công đánh giặc, giữ nước, đặc biệt là 3 lần chiến thắng quân xâm lược Mông Nguyên lẫy lừng trong lịch sử. Sau gần 3 năm tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, Lễ khai ấn đền Trần diễn ra trang nghiêm, quy củ, không còn tình trạng chen lấy, xô đẩy như trước đây. Để có những đổi thay tích cực trên, Ban tổ chức lễ hội đã thắt chặt công tác an ninh, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần - Chùa Tháp cho biết: “Lễ khai ấn đền Trần năm 2023 đã khắc phục những tồn tại của lễ hội trước đây như không gian sạch sẽ, không có tình trạng ùn tắc giao thông hay xô đẩy, mất cắp… Điểm mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức đã khôi phục lại một số nghi thức, tập tục truyền thống như: Rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước-tế cá, nghi lễ khai ấn theo truyền thống”.
 |
Cổng chính đền Trần tại Nam Định.
|
Vượt quãng đường gần 100km từ huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Quân kiên nhẫn chờ đợi xuyên đêm để xin lộc ấn đền Trần. Anh Quân cho biết, hằng năm anh thường đi lễ đền Trần và xin lộc ấn với mong muốn cầu sức khỏe và bình an cho gia đình. Cũng giống như anh Quân, hàng nghìn du khách đã trắng đêm dâng hương tưởng nhớ đến các vị tiền nhân và xin lộc ấn đền Trần.
Ngoài Lễ khai ấn đền Trần vào tháng Giêng, hằng năm nơi đây còn có Hội đền Trần vào tháng Tám (Âm lịch) thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đền Trần tại Nam Định gồm 3 công trình lớn, gồm: Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Cả ba ngôi đền có kiểu dáng và quy mô gần giống nhau.
 |
Lễ rước kiệu trong Lễ khai ấn đền Trần năm 2023.
|
Đền Thiên Trường còn được gọi là Đền Thượng, có vị trí trung tâm ở khu di tích đền Trần được xây trên nền nhà thờ gia tộc họ Trần. Đền Thiên Trường gồm 9 tòa và 31 gian, có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương… Trong đó, trung đường là nơi đặt bài vị của các hoàng đế nhà Trần. Đền Cố Trạch còn được gọi là đền Hạ. Theo văn bia ghi lại, vào năm 21 đời vua Tự Đức (1868), người dân đào được một mảnh bia vỡ ở phía Đông có ghi dòng chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch”. Do đó, vào năm 1895, đền được xây dựng xong và đặt tên là Cố Trạch Từ. Cái tên này mang ý nghĩa là đền nhà cũ, được dùng làm nơi thờ tự Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Đền Trùng Hoa nằm ở bên trái đền Thiên Trường, được xây dựng năm 2000, đặt trên nền cung Trùng Hoa. Thời xưa, đây là nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái thượng hoàng.
Khẳng định những giá trị to lớn của khu di tích lịch sử đền Trần, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) bày tỏ: “Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tiếp nối truyền thống nhân văn quý báu trên, Lễ khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của quê hương”.
Bài và ảnh: KHÁNH LINH