Du khách thường chọn mùa xuân để đến với nơi này. Từ cung đường trên cao nương theo sườn núi, sẽ thấy ngọn đồi hình chiếc bát úp giữa thung lũng xanh với từng làn mây trắng đang sà xuống. Cảm giác nắng quyện trong mây khiến mây chầm chậm ấm lên. Đó là xóm Chiến, nơi những ngôi nhà sàn của người Mường nằm rải rác quanh đồi, cam quýt trong vườn đang mùa trổ hoa thơm dịu.

Hỏi người già về bí quyết trường thọ, các cụ nhìn khách xa, móm mém nở nụ cười nhân hậu, kể chuyện rằng đó là nhờ không khí trong lành và sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên. Văn hóa Mường nói chung đề cao sự thích nghi một cách ôn hòa, nhiều bí quyết văn hóa, tập quán tới các bài thuốc quý giúp con người chống chọi với sự đổi thay, khắc nghiệt được truyền tụng. Điểm du lịch cộng đồng của xóm cách trung tâm xã Vân Sơn gần 4km, có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Đây là một trong năm xã vùng cao của huyện Tân Lạc, cộng đồng người Mường định cư lâu đời, sống tập trung quanh các ngọn đồi thấp, bốn phía là núi rừng và ruộng đồng bao la, không khí trong lành, thoáng đãng.

leftcenterrightdel
 Một góc cảnh quan xóm Chiến, xã Vân Sơn.

Xóm Chiến có diện tích 487ha, gồm 74 hộ với 347 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông như trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đặc sản của xóm cũng làm nên nét nổi bật cho Vân Sơn là những mảnh vườn có nhiều gốc quýt cổ, mật ong trong vườn cam quýt. Bên cạnh những nếp nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Mường được bảo tồn gần như nguyên vẹn, vài năm trở lại đây, bà con nhân dân xóm Chiến đã khôi phục và thường xuyên mặc trang phục truyền thống tạo nên nét đặc trưng riêng về bản sắc, thẩm mỹ. Đàn ông mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái; quần ống rộng, thêm khăn thắt ngang bụng, còn gọi là khăn quần; trên đầu quấn khăn trắng. Dịp lễ, tết, trang phục ngày thường được thay bằng lễ phục với áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, bên ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc bên nách và sườn phải. Phụ nữ ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn), loại áo cánh ngắn màu trắng hoặc nâu, ống tay dài, bên trong mặc áo yếm, đầu thường đội khăn trắng, xanh; váy dài màu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của phụ nữ Mường chính là phần hoa văn được thêu, dệt tinh tế nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Đồng bào Mường nơi đây sở hữu kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều thể loại như: Thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ... Ngoài ra, còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Nhạc cụ của đồng bào Mường cũng rất phong phú, gồm: Cồng, nhị, sáo trống, khèn lù... gắn liền với những làn điệu dân ca từ cổ xưa truyền lại.    

Nhờ bề dày văn hóa truyền thống và những tiềm năng về địa lý, con người, từ năm 2019, địa phương được Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương hỗ trợ kinh phí triển khai dự án “Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng”. Từ nguồn lực cho vay của dự án, có 3 hộ dân triển khai mô hình lưu trú cho khách du lịch (homestay). Ông Hà Văn Thạn, chủ homestay Hải Thạn cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, nhà ông đón khoảng 100 khách. Trước đó, gia đình ông cùng hai hộ khác đầu tư sửa sang nhà cửa, công trình phụ vừa bảo đảm giữ gìn nét truyền thống, vừa đủ tiện nghi phục vụ du khách trong nước và nước ngoài. Điểm mạnh của xóm Chiến là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, có khoảng 61/74 hộ trong xóm cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong đó, 15 hộ tham gia nhóm văn nghệ, 16 hộ tham gia đón tiếp khách và hướng dẫn viên, 17 hộ tham gia nhóm dịch vụ bán hàng, 15 hộ tham gia nhóm cho thuê phương tiện, 17 hộ tham gia nhóm ẩm thực... Từ khi làm du lịch cộng đồng, bà con nhân dân càng chú trọng chăm sóc cảnh quan môi trường, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nâng cấp đường làng, ngõ xóm...

Theo đánh giá của các chuyên gia dự án du lịch, từ khi triển khai du lịch cộng đồng, địa phương luôn nỗ lực, có những cá nhân tích cực như ông Hà Văn Thạn vừa chủ động trong vận hành du lịch, vừa linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình đón tiếp khách; bà Hà Thị Biêu, chủ homestay Xuân Trường tuy đã lớn tuổi nhưng rất tích cực đăng bài quảng bá du lịch, tương tác và giữ mối liên hệ chặt chẽ với du khách trên mạng xã hội. Những bài viết của bà tạo ấn tượng bởi sự chân thành, mộc mạc, hiếu khách. Nhiều câu chuyện, kỷ niệm nhỏ khi được chính người dân địa phương kể cho du khách lại trở thành điểm thu hút, như chuyện các cụ già xóm Chiến kể về 3 cây vải hàng trăm năm tuổi, sự tích những nhũ đá có hình thù kỳ lạ ở động Nam Sơn. Tuy triển khai du lịch cộng đồng muộn hơn so với các điểm khác ở tỉnh Hòa Bình nhưng mô hình ở xóm Chiến đã nhanh chóng thành công. Hiện tại, xóm Chiến có nhiều cụ già chơi thạo các nhạc cụ truyền thống, thuộc lòng điệu hát cổ xưa, giữ công thức độc đáo về bài thuốc, ẩm thực...

Sau giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hiện nay, một trong những điểm khó khăn nhất của xóm Chiến là giao thông chưa thuận tiện. Đường liên xã đã xuống cấp, đường bê tông liên xóm nhỏ hẹp khiến xe ô tô lớn không vào được. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn ít, chưa khôi phục và phát triển được nghề truyền thống là dệt, đan lát; chưa đa dạng hóa được loại hình trải nghiệm cho du khách... Ngoài ra, vấn đề giới thiệu, quảng bá du lịch còn hạn chế khiến thông tin về địa điểm vẫn thưa vắng. Hy vọng trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực, bứt phá để trở thành điểm nhấn thu hút du khách khi đến với tỉnh Hòa Bình.

Bài và ảnh: MAI LỮ