Đoàn đã khảo sát các điểm tham quan, di tích tại phố cổ Hà Nội và khu vực Hồ Hoàn Kiếm; khảo sát, xây dựng các tuyến điểm du lịch tại Thị Xã Sơn Tây. Các điểm đến gồm: Đình Đồng Lạc, Trung tâm văn hóa nghệ thuật - Hội Quán Quảng Đông, Đình Kim Ngân, Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội, Đền Quan Đế, Ngôi nhà Di sản (Hoàn Kiếm); Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

Hầu như đây đều là các điểm đến quen thuộc với người dân, du khách. Nhiều điểm đến trong đó từng thu hút đông đảo du khách trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên cũng như tình trạng chung của du lịch cả nước, các điểm đến của du lịch Hà Nội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượt khách tham quan sụt giảm mạnh. Thậm chí, hiện nay, một số di tích tại phố cổ Hà Nội còn chưa được mở cửa do yêu cầu phòng, chống dịch.

Đoàn khảo sát tham quan Đình Đồng Lạc. 

Tuy nhiên, cùng với cả nước, Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội phối hợp cùng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm về công tác phối hợp xây dựng sản phẩm, tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch, quảng bá du lịch…

Trong chương trình khảo sát ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội đặt mục tiêu và hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng bằng được các sản phẩm du lịch mới. Đó là các sản phẩm du lịch phải mang tính xâu chuỗi; ứng dụng công nghệ; có thể là những sản phẩm khép kín bảo đảm chất lượng chuyến đi, an toàn phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: “Hà Nội với phố cổ và hồ Hoàn Kiếm vốn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, đặc biệt du khách quốc tế. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động du lịch ở khu vực này đều bị đứt gãy. Thời gian qua, để tìm cách thích ứng, chúng tôi đã lên kế hoạch kết hợp giáo dục di sản online cho các trường học, sắp tới sẽ được triển khai”.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm trong ngành du lịch và cũng rất yêu Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel nêu ý tưởng về sản phẩm du lịch được thổi hồn bằng văn hóa, bằng các hoạt động trình diễn sinh động, kết nối thành câu chuyện hình thành phát triển của Hà Nội. Để có những sản phẩm du lịch như vậy, vai trò của thuyết minh viên vô cùng quan trọng, Hà Nội cần chú ý đào tạo những hướng dẫn viên chuyên tuyến.

“Chúng ta cũng có thể biến Hà Nội thành trung tâm giới thiệu làng nghề hay có những tour ẩm thực. AZA Travel đang lên ý tưởng về sản phẩm tour kết nối dùng công nghệ mà ngay cả trong thời kỳ dịch bùng phát vẫn thực hiện được. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, kể cả trong vấn đề bảo vệ bản quyền ý tưởng, để sớm triển khai sản phẩm này”, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất.

Bài và ảnh: QUANG SƠN