Cuối năm 1965, Mỹ-ngụy đổ về Đông Hà xây dựng công sự, đồn, bốt, trong đó có một trung đoàn thủy quân lục chiến nhằm mục đích nâng cấp cảng Đông Hà thành cảng quân sự, phục vụ trung chuyển quân, vũ khí theo đường biển. Đỉnh điểm là chương trình nạo vét lòng sông Hiếu từ Cửa Việt đến Đông Hà vào năm 1967. Cảng quân sự Đông Hà chính thức hiện diện trên bản đồ quân sự của Mỹ-ngụy.
 |
Chính phủ đã có đề án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà (Quảng Trị).
|
Trong hồi ức của ba mẹ tôi vào thời điểm đó, các vùng dân cư hai bên bờ sông Hiếu hứng chịu vô vàn cuộc pháo kích của hải quân Mỹ. Gia đình nào cũng có hầm hào trú ẩn, nuôi giấu cán bộ cách mạng, “đêm ngủ hầm, cơm vắt, ngày vác cuốc ra đồng”. Chiến tranh dần lùi vào dĩ vãng, không ít công trình giao thông đường thủy xuất hiện, nhưng với nhiều thế hệ người dân phía hạ nguồn sông Hiếu thì cảng Đông Hà dẫu nép mình khiêm tốn nhưng gắn bó máu thịt trong cuộc mưu sinh-khi đường xuyên Á nối Lao Bảo và Cửa Việt chưa ra đời.
Trong tuổi thơ tôi, những chuyến đò dọc từ làng Mai Xá Chánh (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) chở rau, quả, cá, tôm... cập cảng Đông Hà kết nối giao thương và nhiều hơn thế là những ước mơ xây đời tươi sáng. Từ trên cầu Đông Hà trông xuống, phía tả ngạn sông Hiếu nhìn sang, những gì còn sót lại của cảng quân sự Đông Hà-cho dù yếm thế trước sức mạnh vĩnh cửu của thời gian nhưng không hề tuyệt diệt-đó như một pho sử hào hùng không được phép lãng quên!
Nhiều hội thảo khoa học về du lịch Quảng Trị gần đây đã nghe thấy tiếng nói tâm huyết từ doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia, nhà quản lý, rằng: Địa phương đang thiếu sản phẩm du lịch và cách khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng đang tồn tại hạn chế về tư duy, tầm nhìn cũng như phương pháp.
Quảng Trị đang làm du lịch với tư duy cũ, “quảng canh”, dù có khá nhiều địa điểm nổi tiếng nhưng thiếu kết nối, liên hoàn. Phải xác định hướng đi chính, du lịch hoài niệm hay hiện đại? Hoặc kết hợp cả hai? Cảng quân sự Đông Hà có thể nằm trong chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, khi từ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đến Thành cổ Quảng Trị, từ bãi biển Cửa Việt ra Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ... dễ dàng tạo thành tour du lịch kết nối với quần thể di tích cố đô Huế, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Tour du lịch đường bộ kết nối đến Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thành cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, di tích Cồn Tiên-Dốc Miếu...
Nhìn vào tài nguyên du lịch, Quảng Trị không hề thua kém bất cứ địa phương nào, đó là: Tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng; tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh; tài nguyên du lịch biển, đảo; tài nguyên du lịch sinh thái-sông suối và cảnh quan. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà sẽ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, đồng thời khơi dậy hệ giá trị quý giá mà lịch sử để lại cho hậu thế, trở thành điểm giới thiệu và giáo dục về lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Bài và ảnh: TRƯƠNG KHẮC TRÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.