Từ cuối tháng 9-2021 đến nay, dù du lịch Hòa Bình đã được phép mở cửa trở lại, nhưng những người làm du lịch Hòa Bình đang đau đầu với câu hỏi khó: Làm gì để hàng triệu du khách trở lại đất Mường?

Hòa Bình mùa vắng khách

Chiều nhập nhoạng, chúng tôi theo đường thủy cập bản Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc. Đón chúng tôi là những cô, những thím người Mường Ạu Tá xởi lởi, hiếu khách, nụ cười thân thiện. Mái nhà sàn thấp thoáng khói lam chiều và ngụm trà từ lá cây rừng dường như xua đi tất cả mọi mỏi mệt.

Homestay Đinh Thu nằm ngay bên hồ Hòa Bình là của gia đình ông Bùi Văn Thói. Không quá khó để nhận ra những bậc cầu thang thiếu hơi người, những luống hoa không được cắt tỉa thường xuyên, bình nước nóng lạnh vừa tháo ra đi sửa... Ông Bùi Văn Thói, chủ homestay, lắc đầu bảo: “Nhà lâu không đón khách nên cũng vắng lặng, khác hẳn những ngày chưa dịch. Homestay nhà tôi từng là một trong những điểm đến được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn bởi sự gần gũi với thiên nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc và gia chủ hiếu khách. Nhiều khách thích thú khi ngồi bên cửa nhà sàn, ngắm phong cảnh hồ Hòa Bình, cánh đồng và những dãy núi đồi liên tiếp lúc bình minh”.

Bà Đinh Thị Yệu ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (thứ ba, từ phải sang) giới thiệu với khách về bản làng mình. 

Dịch Covid-19 khiến khách không đến được. Anh Đinh Văn Thu, con trai chủ nhà và cũng là người được tham gia các khóa học bài bản về du lịch cộng đồng phải tạm thời đi làm công nhân. Ông Bùi Văn Thói cùng vợ ở nhà chăm cháu, nuôi cá, chặt luồng... như trước khi du lịch “chạm” vào nhà họ. Được biết, khi xây dựng nhà sàn năm 2014, gia đình được vay 125 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả hết. “Mỗi tháng, gia đình phải trả 1 triệu đồng. Không có du khách, chúng tôi chẳng biết làm thế nào ra tiền”, ông Bùi Văn Thói buồn rầu nói.

Chủ homestay Lakeview cùng ở bản Ðá Bia, bà Đinh Thị Yệu, cho biết: “Mất một thời gian dài vắng khách, xóm làng cũng đìu hiu. Nếu không vì dịch bệnh, cuối tuần bản Đá Bia đón khách tấp nập. Ban ngày, khách đi quanh xóm, đi ngắm sông, chèo thuyền, đi bộ đường rừng... Buổi tối, họ quây quần bên bếp lửa, cùng nhún nhảy theo những lời ca, điệu múa do phụ nữ bản Ðá Bia tự dàn dựng biểu diễn”.

Khấm khá hơn những bản làng du lịch cộng đồng, Khu du lịch Ba Khan Village Resort (xã Ba Khan, huyện Mai Châu) vẫn được giữ gìn sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng vì là đón khách chủ yếu từ các tỉnh, thành phố phía Bắc đi tranh thủ ngày nghỉ nên hầu như khu du lịch chỉ đông vui vào dịp cuối tuần. Những ngày khác khách cũng thưa thớt hơn. Tình trạng của khu du lịch này cũng giống với các khu nghỉ dưỡng “hot” của tỉnh như Serena Resort (huyện Kim Bôi), Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Villas (huyện Mai Châu)...

Chung tay tìm cách phục hồi

Trước khi có dịch, ngành du lịch Hòa Bình phát triển khá mạnh, tốc độ tăng trưởng 15-20%. Năm 2019 tỉnh đón 3,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Đà tăng trưởng này giúp Hòa Bình có nhiều hy vọng cho những năm tiếp theo. Nhưng khi xảy ra đại dịch, năm 2020, các hoạt động của du lịch Hòa Bình phải tạm ngừng hoạt động. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ tư buộc Hòa Bình phải đóng cửa gần như tất cả cơ sở lưu trú trong vòng gần 5 tháng. Cuối tháng 9, Hòa Bình mới mở cửa trở lại.

Thời gian đóng cửa cũng là giai đoạn những người làm du lịch thấm thía nỗi buồn vắng khách. Khi được phép mở cửa, họ đều muốn sớm trở lại “guồng khách” như xưa. Anh Đinh Công Lình, Trưởng xóm Khan Hạ, xã Ba Khan, cho biết: “Đến nay, người dân trong xóm đều mong muốn sớm mở lại các hoạt động du lịch vì ngoài tạo công ăn việc làm, chúng tôi cũng có điều kiện hơn để giữ gìn phong tục tập quán của cha ông, khôi phục các nhạc cụ như chiêng, sáo nhị và các điệu múa dân gian...”. Về phía doanh nghiệp, ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Wondertour chia sẻ: “Chúng tôi đã khảo sát để chuẩn bị cho các hoạt động phục hồi du lịch Hòa Bình. Địa phương này có nhiều tiềm năng và lợi thế. Đặc biệt, giai đoạn này, vị trí địa lý là một trong những điểm cộng để chúng tôi khai thác các tour ngắn ngày. Các công ty du lịch thường thiết kế tour với tiêu chí an toàn, độc đáo, phục vụ nhóm nhỏ... dành cho du khách”.

Chia sẻ về giải pháp phòng, chống dịch và phát triển du lịch ở giai đoạn này, ông Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thời gian vừa qua, nhiều khu du lịch cộng đồng địa phương gặp khó khăn về nhân lực, chuỗi cung ứng dịch vụ bị đứt gãy, khách phân tán... Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi đã xây dựng những đề án “Cơ cấu lại sản phẩm du lịch” và “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn”... Dự kiến trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch với quy mô lớn như: Lễ hội Đất Mường, liên hoan văn hóa Mo Mường, lễ hội khai hạ Mường Bi, tổ chức chương trình quảng bá văn hóa-du lịch Hòa Bình tại Hà Nội, cuộc thi Đại sứ du lịch Hòa Bình và chương trình quảng bá văn hóa-du lịch Hòa Bình... Những sự kiện này sẽ là dịp để tỉnh Hòa Bình thu hút du khách, đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quảng bá”.

Bài và ảnh: TOÀN LINH