Tại Hội thảo “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức mới đây, đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: “Thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút dòng vốn vào các dự án du lịch, từ hạ tầng giao thông đến đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng và dịch vụ giải trí. Nguồn vốn đầu tư vào du lịch đã đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, cả vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đồng chí Phạm Văn Thủy, việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp phát triển nhanh chóng hạ tầng và mở rộng thị trường du lịch”.
 |
Khu vực Fansipan được đầu tư trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh: LINH GIANG
|
Thông tin từ Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong giai đoạn 2015-2023 vừa qua đã xuất hiện nhiều dự án của một số nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư khá lớn như: Vinpearl Phú Quốc (17.000 tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), Vinpearl Hạ Long (1.200 tỷ đồng), cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa - Fansipan (4.500 tỷ đồng), cáp treo Bãi Cháy (hơn 5.000 tỷ đồng)... Các dự án đầu tư trên góp phần hình thành một số sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch.
Hiện nay, tiếp tục chứng kiến sự sôi động ở phân khúc dịch vụ cao cấp với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các địa phương đã tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào du lịch, tích cực tạo dựng môi trường thông thoáng thu hút đầu tư.
Đến hết năm 2023, cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 780.000 buồng, tăng 3.000 cơ sở so với năm 2022. Có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng (tăng 26 cơ sở với 6.579 buồng) và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng (tăng 28 cơ sở với 5.014 buồng).
Bên cạnh việc đầu tư xây mới các cơ sở lưu trú du lịch có chất lượng cao, các cơ sở lưu trú của Việt Nam cũng đầu tư mạnh mẽ cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch lễ tân, buồng, bàn để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam...
Những điển hình về đầu tư phát triển thương hiệu du lịch thời gian qua như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay do Sun Group đầu tư xây dựng ở Bãi Khem, Phú Quốc đều đã được WTA vinh danh “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới” vào năm 2017.
Hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng do Sun Group đầu tư, trong đó, khách sạn 5 sao quốc tế mới Hotel De La Coupole - MGallery tại Sa Pa được vinh danh “Khách sạn có thiết kế kiến trúc sang trọng nhất thế giới 2019” do World Luxury Hotel Awards (WLHA) trao tặng năm 2019...
Không chỉ phát triển ngành du lịch mà việc các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư tạo nên những sản phẩm mang tính chất động lực, nổi trội, đẳng cấp quốc tế còn tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương): “Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Trước tiên cần tạo điều kiện đầu tư thuận lợi. Trong đó, Chính phủ cần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế và các rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cũng vô cùng quan trọng. Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đầu tư vào ngành du lịch của nước ta. Đặc biệt, Chính phủ cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam”.
HƯNG ĐINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.