Hỏi hướng dẫn viên mới biết, đó là hoa của cây bông mộc, một trong những loài đặc hữu quý hiếm đã được nhân giống thành công, tô điểm thêm cho cảnh quan du lịch nơi đây.

Cây bông mộc là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố trên rất ít vùng núi đá vôi trong cả nước, trong đó có vịnh Hạ Long. Đây là loài thực vật nằm trong Sách đỏ IUCN (năm 2007). Cây đã được nhân giống và trồng với số lượng lớn thành công trên vịnh gần chục năm. Giữa mênh mông sóng nước, đá núi của Hạ Long, trong quá trình tham quan Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO, du khách có thể tìm được bông mộc ở ven chân hòn Núi Lướt, khu vực Thiên Cung, Đầu Gỗ, đảo Ti Tốp, động Sửng Sốt, động Mê Cung... Đặc biệt, tại hòn Núi Lướt, cây bông mộc được trồng tập trung với diện tích lớn lên tới 800m2.

leftcenterrightdel
 Cây bông mộc trên vịnh Hạ Long.

Lan hài cũng nằm trong danh sách của IUCN, được nghiên cứu và triển khai bảo tồn, bước đầu đã thành công với 100 cây ở các sườn, vách núi ở Cống Đầm, Cửa Vạn. Lan hài tại hai khu vực này phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sống mới, tạo cảnh quan đẹp. Hay nguồn gen đặc hữu của cọ Hạ Long đã được nghiên cứu, nhân giống từ năm 2009 với số lượng ban đầu là 100 cây, tới nay thường xuyên nở hoa ở các dãy núi khu vực Tam Cung, Hang Trống, Trinh Nữ, Cát Lán...

Ngoài cây bông mộc, lan hài, cọ Hạ Long, vịnh Hạ Long còn là “nhà” của nhiều loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị thẩm mỹ cao. Di sản thế giới vịnh Hạ Long đang sở hữu một "kho báu" thực sự với hệ sinh thái đa dạng, các nguồn gen quý mà ít nơi có được. Theo Viện Tài nguyên và Môi trường biển, sinh vật tại vùng vịnh Hạ Long hiện có khoảng 2.900 loài động, thực vật, với hơn 1.200 loài động, thực vật sống trên cạn, 1.600 loài sinh vật sống trong thủy vực. Có thể nhận thấy, những nguồn gen quý từ các loài gần đây được phát hiện và bảo tồn không chỉ tạo nên tính đa dạng sinh học, giá trị khoa học to lớn mà còn góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, hấp dẫn và làm say đắm nhiều nhà nghiên cứu, du khách. Việc nghiên cứu, gìn giữ giá trị quý này là tiền đề quan trọng cho các dự án phát triển du lịch độc đáo, hấp dẫn trong tương lai của vịnh Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung.

Chia sẻ về những dự án bảo tồn, phát huy giá trị của đa dạng sinh học ở vịnh Hạ Long, ông Đỗ Tiến Thành, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ nghiên cứu, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết: “Nhiều loài, đặc biệt các loài thực vật, hoa có giá trị thẩm mỹ cao và động vật đặc hữu, quý, hiếm được quốc tế công nhận... được coi là tài sản quý giá, có tiềm năng lớn, có thể khai thác, phát huy giá trị trong tương lai. Vì thế thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã liên tục có những hoạt động nghiên cứu, gìn giữ và bảo tồn những giá trị này".

Bài và ảnh: TẠ QUÂN