Sau đại dịch Covid-19, để vực dậy ngành kinh tế không khói này, nhiều sản phẩm mới đã và đang hình thành, phù hợp với tình hình mới.
Tiềm năng chưa bao giờ cạn
Có thâm nhập vào các địa phương của Hà Nội mới thấy được tiềm năng rất lớn của du lịch Thủ đô. Chỉ một huyện thôi, nếu có thời gian thưởng thức và nhẩn nha, có lẽ đủ hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá vài ba ngày. Trong chuyến đi khảo sát do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội vừa tổ chức mới đây, chúng tôi phát hiện còn quá nhiều thứ của Hà Nội mà mình và nhiều bạn bè chưa biết.
 |
Học sinh trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).Ảnh: HẰNG HÀ |
Huyện Mỹ Đức là một ví dụ. Nhắc đến Mỹ Đức, nhiều người nghĩ ngay đến thắng cảnh chùa Hương. Hằng năm, đặc biệt vào mùa lễ hội, có hàng chục nghìn người đổ về vùng đất linh thiêng, non nước hữu tình này. Thế nhưng, ngay trong quần thể khu di tích quốc gia này, có ngôi chùa Bảo Đài đẹp như tranh vẽ lại ít người biết đến.
Chùa Bảo Đài nằm trong một tuyến tham quan Khu di tích thắng cảnh chùa Hương là tuyến Tuyết Sơn. Đường vào tuyến tham quan này đi qua những cánh đồng thấp thoáng cánh cò trắng bay. Bạn Thu Hiền, Công ty Du lịch Freeland Tour, cảm thấy rất thích thú khi đến đây: “Em đi Mỹ Đức rất nhiều rồi. Em không nghĩ ngay Hà Nội lại có một ngôi chùa đẹp đến vậy”.
Giống với Mỹ Đức, Sóc Sơn cũng còn khá nhiều tiềm năng du lịch bên cạnh Khu di tích lịch sử đền Sóc. Chẳng thế mà cô phóng viên Phạm Thị Hiếu Nhi của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, vốn là người đi nhiều vẫn cứ mê mải với Việt phủ Thành Chương. “Ở đó có quá nhiều góc quay đẹp. Em không nỡ rời đi”, Hiếu Nhi chia sẻ.
“Hà Nội còn nhiều tiềm năng du lịch. Ngoài Mỹ Đức, Sóc Sơn, còn có Ứng Hòa với Bảo tàng quê hương chiếc gậy Trường Sơn, làng may áo dài Trạch Xá, làng nghề sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu... Hay Thanh Oai với Nhà lưu niệm Bác Hồ, làng Chuông, làng Cự Đà, đầm du lịch sinh thái Thanh Cao, Cao Viên... Nếu biết cách làm tốt, tất cả đều có thể trở thành sản phẩm thu hút du khách”, bà Bùi Thị Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội) nhận định.
Sản phẩm mới hậu Covid-19
Công bằng mà nói, việc biến tiềm năng, lợi thế trở thành sản phẩm du lịch, kể cả trong điều kiện bình thường đã là một vấn đề khó khăn. Chưa kể, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều điểm đến, sản phẩm cũ đã không còn phù hợp hoặc giảm chất lượng vì thiếu người, cơ sở vật chất xuống cấp... Tuy nhiên, vì mục tiêu chung là đón khách và để khách được trải nghiệm những điều tốt đẹp của Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp đang từng bước tìm hướng đi khả thi cho mình.
Chúng tôi đến Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (Khu suối Tiên, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) khi các nhân viên ở đây đang tất bật sang sửa công trình, trồng tỉa cây cối, chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch. Trước đại dịch Covid-19, một ngày khu du lịch này thu hút khoảng 2.000-3.000 khách. Học sinh, sinh viên đặc biệt thích Bản Rõm bởi những khu vực hướng dẫn trải nghiệm kỹ năng sinh tồn, trò chơi dân gian...
Anh Đào Mạnh Hùng, nhân viên quản lý ở đây cho biết: “Để đón đầu nhu cầu du khách sau dịch, Bản Rõm đang tranh thủ sửa sang các hạng mục đã xuống cấp, dọn dẹp sạch sẽ và mở rộng, xây mới để phục vụ thêm cả dịch vụ lưu trú nhằm bảo đảm chất lượng đón khách tốt nhất”. Cũng tại Sóc Sơn, nhưng ở xã bên cạnh Quang Tiến, tại xã Hiền Ninh, khu du lịch sinh thái My Camping đã hiện hữu với nhiều điểm nhấn, hứa hẹn trở thành điểm đến mới được yêu thích dành cho giới trẻ.
Có khá nhiều năm kinh nghiệm làm các sản phẩm tour xe đạp dành cho du khách quốc tế và Việt Nam, ông Hoàng Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Minh Tâm lại nhìn thấy ở Mỹ Đức cung đường đẹp cho sản phẩm của mình.
Ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi làm những sản phẩm gần gũi thiên nhiên. Tôi cảm thấy có thể kết hợp với Mỹ Đức làm tour xe đạp cho khách nước ngoài. Trước tôi từng thiết kế tour cho khách đạp xe từ Thanh Oai đến Mỹ Đức. Tôi cho rằng, với cảnh đẹp của hồ Quan Sơn cũng có thể thiết kế tour xe đạp cho khách trải nghiệm”.
Ông Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức chia sẻ: “Mỹ Đức mong muốn biến những lợi thế, tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách không chỉ trên địa bàn Hà Nội hay những địa phương lân cận. Chúng tôi mong muốn du khách miền Nam, du khách quốc tế khi ra đến miền Bắc đều muốn tìm về Mỹ Đức. Vì thế, ngoài chủ trương chung của thành phố, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để du lịch của huyện phát triển”.
TOÀN LINH