Nhu cầu của con người ngày càng đa dạng nên các sản phẩm nhàng nhàng, đều đều không còn hấp dẫn du khách. Du khách có xu hướng tìm tới các sản phẩm chuyên biệt, cá nhân hóa cao. Du lịch mạo hiểm cũng là xu hướng được nhiều khách ưa chuộng vì họ muốn trải nghiệm thử thách, để giảm stress.
Gần đây, du lịch mạo hiểm phát triển nhiều ở Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ với đủ hình thức, như: Leo núi, dù lượn, khám phá hang động, lặn biển... Theo ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này nhờ đặc thù địa lý. Doanh nghiệp lữ hành có thể khai thác thị trường tiềm năng này bằng nhiều sản phẩm khác nhau”.
|
|
Du khách tham gia tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất tổ chức với quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: Á CHÂU
|
Tuy vậy, liên tiếp các vụ tai nạn do hoạt động du lịch mạo hiểm, như 4 du khách Hàn Quốc bị lũ cuốn trôi khi đi tour bằng xe jeep ở làng Cù Lần (Lâm Đồng) cho thấy, công tác quản lý loại hình du lịch này còn nhiều hạn chế khiến du lịch mạo hiểm tự phát vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nhiều năm làm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ, du lịch mạo hiểm mà tự phát thì không thể kiểm soát rủi ro. Nghị định số 168/2017/NĐ-CP có hẳn một chương quy định về hoạt động du lịch mạo hiểm. Thế nhưng, hiện không mấy khu hoạt động mạo hiểm được cấp phép. Chẳng hạn ngay việc tổ chức tour xe jeep ở Lâm Đồng cũng là sản phẩm tự phát, không được đăng ký mà không ai kiểm tra, giám sát. “Hoạt động du lịch mạo hiểm thường kéo dài nhiều ngày, vì thế cơ quan quản lý phải biết và có phương án xử lý.
Ngoài ra, còn có tình trạng cơ quan quản lý cấp phép xong thì bỏ mặc. Do đó, nhiều đơn vị khai thác tour mạo hiểm ban đầu làm tốt nhưng vì không được kiểm tra, nhắc nhở nên dẫn đến chủ quan, không tuân thủ các quy định, đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Nguyễn Công Hoan cho biết. Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An lý giải: “Các cơ sở làm du lịch tự phát thường không đề cao sự an toàn mà luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Điều đó sẽ gây nguy hiểm trực tiếp cho khách hàng. Để quản lý tốt, chúng ta cần cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và bắt buộc mua bảo hiểm cho du khách tham gia du lịch mạo hiểm. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu mở các tour du lịch mạo hiểm để đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Các chuyên gia cho rằng, do liên quan đến an toàn, sức khỏe, tài sản nên du lịch mạo hiểm có những đòi hỏi rất khắt khe, cần nghiêm túc thực hiện. Người làm du lịch mạo hiểm cần ý thức về việc phải có đầy đủ trang thiết bị, phương án cứu hộ. Nhân sự làm du lịch mạo hiểm cũng cần được đào tạo chuyên môn riêng. Vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là ý thức của du khách. Nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra do chính du khách không tuân thủ quy định.
Chẳng hạn, khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông đường thủy phải mặc áo phao nhưng ít du khách mặc, thậm chí khi hướng dẫn viên nhắc nhở cũng không thực hiện. Có những người hành động mạo hiểm mà không chịu sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn, dẫn đến tự đưa mình vào tình trạng nguy hiểm. Ngoài ra, khi lựa chọn đơn vị tổ chức tour du lịch mạo hiểm, du khách cần chọn các cơ sở có uy tín, đáp ứng cả yêu cầu về chất lượng và an toàn.
Các công ty này đều có yêu cầu đối tác ký cam kết chất lượng mới đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ thêm: “Không khó để nhận diện đơn vị nào khai thác du lịch mạo hiểm đàng hoàng vì họ có quy định, quy trình chặt chẽ. Flamingo Redtours có một số sản phẩm và đều phải đăng ký, đưa các phương án hỗ trợ du khách. Chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ sẽ ảnh hưởng tới du khách và cả uy tín thương hiệu. Vì thế, chúng tôi rất coi trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn”.
PHƯƠNG DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.