Do vậy, cần có giải pháp để khơi thông nguồn lực từ BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, qua đó, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch của đất nước.

Điểm nghẽn pháp lý

Du lịch là ngành đóng góp lớn vào kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, du lịch toàn cầu bình quân đóng góp khoảng 7,6% GDP và 7,3% việc làm năm 2022. Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành mũi nhọn, tổng hợp, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Một trong những vấn đề đặt ra với du lịch Việt Nam là chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá, cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ,  bền vững.

leftcenterrightdel
Một dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: DŨNG MINH 

Khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho thấy, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở nước ta, yếu tố kinh tế-tài chính chiếm 30%, pháp lý chiếm 50%, các yếu tố khác chiếm 20%. Từ đó thấy rằng, những khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã và đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra. TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất, tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch đối với các loại hình BĐS như condotel (căn hộ khách sạn), shophouse (nhà phố thương mại)... chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.

Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ chính thức cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất (sổ hồng) cho các dạng BĐS này. Tuy nhiên, việc cấp sổ hồng đối với đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất du lịch và các loại hình BĐS hình thành trên đất du lịch chưa được quy định trong luật. Ý kiến chuyên gia cho rằng, việc luật hóa các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (cùng với tài sản gắn liền trên đất) đối với đất du lịch là cần thiết, từ đó sẽ tạo chuyển biến tích cực cho phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vốn dĩ đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, nếu các dự án du lịch không được đưa vào diện thu hồi đất có nghĩa là đơn vị phát triển dự án phải tự xoay xở, sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, đặc biệt với những dự án có quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Văn Đính, khoảng hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn nằm chờ phê duyệt, điều chỉnh, nếu không được tháo gỡ, không chỉ những dự án này vẫn tắc nghẽn mà cũng khó thu hút được các đơn vị tham gia phát triển dự án mới.

Thu hút hơn nữa nguồn lực cho hạ tầng du lịch

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật nên có quy định về bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, áp dụng cho dự án có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo... TS Cấn Văn Lực đề nghị, có thể xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này. Tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.

Về vấn đề thu hồi đất, theo GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cần xem việc thu hồi đất mang lại lợi ích gì và cơ sở nào để thu hồi đất. Phải đưa ra tiêu chí để xác định những dự án thuộc đối tượng thu hồi đất, trong đó, hai tiêu chí quan trọng tác động cho lợi ích chung, lan tỏa rộng và nằm trong quy hoạch được Nhà nước phê duyệt, chính quyền chấp nhận cho đầu tư. Dự án thu hồi đất cần được đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ và phù hợp với quy hoạch.

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số điểm quan trọng trong dự thảo luật có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch. Theo đó, hiện dự thảo luật không tiếp cận theo hướng đất du lịch mà có nhiều đất liên quan đến công trình, hạ tầng du lịch như khu vui chơi, giải trí, bãi tắm, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, dự án lấn biển, nhà ở thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó còn có đất kết hợp đa mục đích như đất nông nghiệp kết hợp du lịch, đất ở kết hợp du lịch, đất tín ngưỡng kết hợp du lịch. Ông Phan Đức Hiếu đề nghị nên tiếp cận về sử dụng nguồn lực đất đai cho du lịch theo các dự án. Trong đó, không nên cào bằng mà cần tập trung và những dự án thực sự quan trọng, tạo ra những tác động lớn, lan tỏa, từ đó, thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.