Lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

 Nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà vừa đón đoàn du khách Singapore đến tham quan và trải nghiệm đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Những du khách nước ngoài tỏ ra thích thú và hào hứng với những hoạt động nông nghiệp tại xã Sơn Hà, huyện Nho Quan. Họ được chuẩn bị đầy đủ những nông cụ cần thiết để ra đồng, tự tay lấy gàu tát nước, đánh bắt cá và hài lòng với thành quả thu hoạch được. Tại đây, du khách cũng được trải nghiệm các trò chơi dân gian như đánh mảng, chơi cù, đi cà kheo, múa sạp... thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường.

Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Ninh Bình được hình thành và đưa vào khai thác đầu tiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn. Bắt đầu từ việc du khách đến với Vân Long có nhu cầu nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu, khám phá cuộc sống của cư dân địa phương, đến nay, mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như xã Gia Vân, Gia Hòa, huyện Gia Viễn; xã Sơn Hà, huyện Nho Quan; xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên, huyện Hoa Lư; xã Yên Mạc, Yên Từ, huyện Yên Mô; TP Tam Điệp...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Huy Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao-đơn vị quản lý Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà và là một trong những người đầu tiên cùng với cộng đồng xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cho biết, đối với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, bản sắc văn hóa, nét đặc trưng vùng miền có sức hấp dẫn rất lớn. “Nhiều người chắc sẽ lạ lắm khi khách du lịch nước ngoài rất hứng thú trả tiền để được đi cấy, đi gặt, để sống cùng người dân địa phương. Thế nhưng, ở Ninh Bình, điều này không còn xa lạ”, ông Hà Huy Lợi chia sẻ.

leftcenterrightdel

 Vị khách nước ngoài trải nghiệm bắt tôm, cá cùng người dân Ninh Bình. Ảnh: HÀ LỢI

Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đủ các địa hình đồi núi, đồng bằng và ven biển, với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp đã có lịch sử lâu đời. Nhiều cánh đồng ở Ninh Bình xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới như cánh đồng lúa Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Đầu năm 2018, hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng vắt lên thảm lúa vàng óng, uốn lượn quanh những ngọn núi ở Tam Cốc đã xuất hiện trên Tạp chí Business Insider khi đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm. Tháng 4-2023, Tạp chí Forbes của Mỹ công bố 23 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2023, trong đó Ninh Bình là một trong 6 điểm đến hàng đầu châu Á được bình chọn bởi các chuyên gia du lịch. Ngoài ra, tỉnh có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác mới thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh như cánh đồng dứa Đồng Giao, cánh đồng hoa Ninh Phúc, làng hoa đào Đông Sơn... Ninh Bình cũng có nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng; hàng nghìn trang trại, gia trại... Với những giá trị, tiềm năng đó, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Ninh Bình đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hút du khách trong và ngoài nước, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch và nông nghiệp, nông thôn

 Ngành nông nghiệp và du lịch có mối quan hệ mật thiết gắn bó chặt chẽ với nhau. Du lịch nông thôn được định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó trải nghiệm của du khách có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, cuộc sống và văn hóa nông thôn. Điều đặc biệt của các sản phẩm du lịch cộng đồng đó chính là người dân đóng vai trò nòng cốt. Du khách được ăn, ở, sinh hoạt cùng với gia đình người nông dân và tham gia vào các công việc sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, cũng như các lễ hội của địa phương. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch này không cần đầu tư quá nhiều kinh phí, lại giúp cộng đồng dân cư ở các địa phương có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần, đồng thời vẫn gìn giữ, bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường và phục vụ nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách.

Tại Ninh Bình, từ nông thôn mới nâng cao đến nông thôn mới kiểu mẫu cũng đều đưa phát triển du lịch nông thôn vào tiêu chí. Du lịch đã trở thành trục chính và mọi yếu tố khác như sản phẩm từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), làng nghề đều xoay quanh, bổ trợ du lịch, để du lịch thực sự là đòn bẩy bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, hạn chế trong khai thác loại hình du lịch này ở Ninh Bình là đội ngũ lao động chưa qua đào tạo trường lớp, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Thêm vào đó, tuy đã có nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch nông thôn song quy mô và hình thức còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường chưa rõ....

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới, tỉnh cần có những định hướng, bước đi mới, trong đó có sự liên kết chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, du lịch để tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời, Ninh Bình cần quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với quy hoạch du lịch để bảo đảm định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau; tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng giao thông tạo thuận tiện cho du khách di chuyển đến các địa phương tham quan. Đặc biệt, Ninh Bình cần có giải pháp xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp để tạo sức hút bền vững đối với du khách trong nước, quốc tế.

AN BÌNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.