Thiếu văn bản điều chỉnh cụ thể

Dịp cuối năm, thời tiết miền Bắc lạnh giá, chị Kiều Xuân Oanh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng ở Thanh Thủy (Phú Thọ). Thế nhưng dự định ở 3 ngày mà ngày hôm trước hôm sau cả nhà chị đã bỏ về. Thì ra những chỗ nghỉ dưỡng tốt đã được khách khác đặt trước. Nhà chị chọn một khu nghỉ dưỡng được quảng cáo là 3 sao nhưng thực tế lại khác xa. “Cơ sở vật chất tồi tàn, vệ sinh kém, chất lượng dịch vụ chỉ như nhà nghỉ. Người già, trẻ nhỏ nhà tôi ở lại thì quá bất tiện nên đành “bỏ của chạy lấy người”, chị Oanh bức xúc nói.

Đây không phải khu nghỉ dưỡng duy nhất "sao một đằng, chất lượng một nẻo". Tình trạng quảng cáo không đúng thực tế cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Trong một hội thảo gần đây, ông Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết: "Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nếu như ở huyện Mai Châu làm rất tốt thì nhiều khu nghỉ dưỡng ở Lương Sơn có chất lượng và thông tin quảng cáo không giống nhau. Các cơ sở lưu trú ở đây hoạt động tự phát, nhà đầu tư đóng cửa như nhà dân bình thường rồi họ tự vận hành kinh doanh online, không giấy phép. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch".

 Năm 2023, Đà Nẵng nằm trong nhiều bảng xếp hạng điểm đến được yêu thích của du khách quốc tế. (Ảnh chụp tại Cầu Vàng, Đà Nẵng). Ảnh: MAI THANH CHƯƠNG

Cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch không đúng với quảng cáo là một trong hàng loạt vấn đề của du lịch hiện nay như nạn chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh tái diễn... TS Trương Sỹ Vinh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, tình trạng này một phần do công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn. Chất lượng các sản phẩm du lịch ở Việt Nam được đánh giá không cao, chúng ta cần ban hành những tiêu chí để doanh nghiệp, địa phương dễ dàng theo đó mà áp dụng và quản lý. Chẳng hạn, những mô hình kinh doanh mới liên quan đến du lịch như kinh tế chia sẻ, chia sẻ kỳ nghỉ, mô hình kinh doanh condotel, farmstay... vẫn chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể gây lúng túng cho nhà quản lý. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xin ý kiến, số liệu về hoạt động farmstay (kết hợp giữa nông trại và du lịch) nhưng không được vì một số địa phương cho là nhạy cảm, không cung cấp thông tin. Vấn đề du lịch mạo hiểm cũng vậy, hiện vẫn cần những văn bản cụ thể hơn thì mới bảo đảm an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, một số văn bản quản lý các cấp hiện nay cũng chưa thuận lợi cho du lịch. Các địa phương muốn ưu tiên phát triển du lịch đều vận dụng theo các văn bản pháp luật khác để thu hút đầu tư.

Cần thiết phải điều chỉnh công tác quản lý du lịch

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt). Ngoài ra, các chỉ tiêu về khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đều vượt so với kế hoạch năm. Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện... Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thẳng thắn chỉ ra rằng, chúng ta vẫn cần nỗ lực hơn nữa vì năm 2019, Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách quốc tế. Hiện nay có thêm nhiều ưu đãi về chính sách visa, thời gian lưu trú cho khách, tạo điều kiện cho du lịch bứt phá hơn nữa. Ở đây, điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng để làm trong sạch môi trường hoạt động và kinh doanh du lịch.

Trong bối cảnh khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, TS Trương Sỹ Vinh cho rằng, du lịch Việt Nam gặp khó trong việc thu hút thị trường nguồn khách hay tình trạng bất động sản bị đóng băng... Do đó, ngoài rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về du lịch là rất cần thiết thì các số liệu du lịch cũng cần cải thiện. Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu nhưng đến nay việc thống kê số liệu chính xác về nhân lực hiện có của ngành cũng như dự báo nhu cầu chưa tốt. Lý do bởi việc điều tra tổng thể về nhân lực du lịch chưa bài bản. Trong khoảng 5 năm nay, con số cũ vẫn dùng lại, nhiều số liệu được dẫn chứng từ năm 2019. Từ đó dẫn đến việc dự báo nhu cầu nhân lực trong các giai đoạn phát triển của du lịch còn nhiều hạn chế, làm cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực khó khả thi.

Từ thực tế địa phương mình, theo ông Phạm Duy Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, công tác thanh tra, kiểm tra cần được coi trọng hơn nữa, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên vốn có nhiều người hành nghề tự do. Ông Phong dẫn chứng thực tế: "Tại địa phương, năm qua đã ký 123 thẻ hướng dẫn viên quốc tế và nội địa. Theo quy định, trong vòng 15 ngày Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phải cấp thẻ cho người đăng ký. Nhưng khi nhận hồ sơ, Sở phải làm và gửi 123 công văn đó về các trường để xin xác nhận thông tin, cộng với việc cũng phải 15 ngày mới nhận được phản hồi, vì thế đã xuất hiện tình trạng có 4 trường hợp sử dụng bằng giả đã được cấp thẻ hướng dẫn viên và chúng tôi phải xử lý ngay 4 trường hợp này".

Bài và ảnh: TÂN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.