Tiền không phải vấn đề đầu tiên
Nhiều người thường có quan niệm Việt Nam khó làm du lịch cao cấp (hay còn gọi là du lịch chi tiêu cao, du lịch hạng sang...) vì chúng ta không có tiền đầu tư. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không phải cứ đầu tư nhiều tiền thì mới có du lịch cao cấp.
Lâu nay, tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) nổi tiếng không rẻ: Gần 3.000 USD (tương đương 72 triệu đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 là 2.484 USD. Khách đi tour 6 ngày 5 đêm này cũng chỉ có 1 đêm được ngủ ở khách sạn, còn lại là thời gian băng rừng, vào hang. Nhưng tour du lịch vẫn được hàng loạt giải thưởng của du lịch thế giới.
Thậm chí muốn đi tour, khách phải đặt trước cả năm mới có suất đi. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis cho biết: “Hiện nay, tour cho năm 2025 đã bán hết và Công ty đang bán tour năm 2026".
 |
Du khách quốc tế trải nghiệm tại làng chài trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: PHẠM HÀ |
Để có tour du lịch Sơn Đoòng như ngày nay, Oxalis phải trải qua không ít gian nan. Sơn Đoòng được nhóm thám hiểm cùng với Tạp chí National Geographic công bố là hang động đá vôi tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2009 nhưng nhiều nhà đầu tư đến xong chỉ lắc đầu và để đấy. Năm 2011, Oxalis được thành lập. Tour đầu tiên với hang động ở Quảng Bình, Oxalis làm ở Hang Én, rồi Tú Làn. Loay hoay 2 năm trời, Công ty cũng chỉ đủ ăn mà không cách nào bứt phá. Đến khi ra đời, Sơn Đoòng là tour duy nhất trên thế giới được cắm trại trong hang động kỳ quan. Du khách được cắm trại đêm để thưởng thức một bầu trời khác, cảm nhận khác. Trước kia, loại hình khám phá hang động này chỉ dành cho các nhà thám hiểm. Tour thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ marketing tới dịch vụ. Nhưng để khách có được những cảm nhận thú vị thì một chuyến đi 10 khách, Oxalis có tới 30 người phục vụ.
Một câu chuyện chiều lòng khách khác để thấy tiền đầu tư không phải vấn đề đầu tiên là của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đón 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam vừa qua. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel chia sẻ: "Chúng tôi đón vị chủ tịch tỷ phú trước đoàn 2 ngày. Ở Hội An (Quảng Nam), chúng tôi đưa đi lắc thúng và ông chủ tịch đã vô cùng hưng phấn. Để tạo được cảm xúc cho khách, chúng tôi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Vietravel phải chuẩn bị hàng loạt thúng, thử trước với những người nặng hơn vị tỷ phú, tìm thợ lắc giỏi nhất và thậm chí phải thuê vài người thợ lặn phía dưới khu vực lắc thúng... Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể khẳng định rằng chất lượng dịch vụ mới là cái quyết định cao cấp hay thấp cấp, dù gắn mác 6 sao mà phục vụ kém vẫn là thấp cấp. Khách phải “chạm vào”, trải nghiệm được văn hóa bản địa, khiến họ không thể quên trong chuyến đi, làm cuộc sống của họ tốt hơn, nhân văn hơn nên họ sẽ quay lại. Chất lượng dịch vụ tốt thì không thể thiếu sự tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo và sự đột phá, sáng tạo. Nếu ta có một sản phẩm cao cấp thực sự thì ta sẽ nhận được sự phản ứng thích đáng của thị trường”.
Làm sao để khách chịu chi?
Việt Nam hoàn toàn có thể làm các sản phẩm du lịch cao cấp nhưng những Oxalis hay Vietravel... chưa nhiều. Gần 10 năm nay, ông Phan Đình Huê làm chuyên gia tư vấn du lịch Đồng bằng sông Cửu Long mà ông vẫn canh cánh nỗi buồn bởi khách đi cả tour du lịch vùng đồng bằng với những bến sông hấp dẫn nhất thế giới nhưng chỉ chi có 20-30USD.
Có thể thấy, chúng ta có nhiều lợi thế nhưng lại thiếu quá nhiều yếu tố quyết định để “ghi bàn”, tạo sản phẩm du lịch cao cấp đột phá. Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích: “Ta tự hào cảnh đẹp nhưng rác ở Việt Nam cũng nhiều lắm. Ta tự hào món ăn Việt ngon nhưng khi ăn khách bị đau bụng thì mọi chế biến chỉ là màu mè. Vì thế vấn đề du lịch xanh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho khách là vô cùng cấp thiết. Ngoài ra, ta muốn có sản phẩm du lịch cao cấp thì phải đào tạo từ nhận thức, thái độ của người phục vụ. Không thể có sản phẩm cao cấp nếu năng lực, trình độ không có”.
Bên cạnh đó, khách du lịch cao cấp thường quan tâm đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững. Nhìn rõ nhất là những tour du lịch ngắm chim. Khách sẵn sàng chi khoảng 7.000 USD cho 3 tuần ở Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ nghiên cứu và Du lịch hoang dã (Wild Tour) cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về đa dạng sinh học, nhiều loài chim xuất hiện trong khu vực diện tích nhỏ nên rất được ưa thích, nhưng chúng ta mới kiếm được rất ít tiền từ loại hình du lịch này.
Lý do là vì cơ sở vật chất của chúng ta còn sơ sài, từ đường đi, nơi cho du khách chụp ảnh, ngắm chim, nơi ăn nghỉ... Hầu như việc quảng bá, đào tạo... chúng tôi đều phải tự làm. Đặc biệt, việc bảo tồn thiên nhiên ở ta chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng săn bẫy chim thú, phá hoại thiên nhiên nên chim ở Việt Nam không dạn người-một yếu tố rất quan trọng thu hút du khách-như ở Malaysia, Thái Lan...”.
Cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải nghiên cứu thị trường; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; có các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai các chiến dịch quảng bá có chiều sâu, tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam”.
BÁ NGỌC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.