Những di tích trở thành thương hiệu du lịch
Chúng tôi có mặt tại Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải dự Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông”. Đây là một điểm trên vĩ tuyến 17, nơi ngăn cách hai miền Bắc-Nam trong chiến tranh, không xa là Thành cổ Quảng Trị-chứng tích của bản hùng ca bi tráng 81 ngày đêm năm 1972, lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên bay phấp phới trong nắng, ai nấy đều dâng lên cảm xúc đặc biệt: Biết ơn được sống trong hòa bình, độc lập. Ai từng đứng đó chắc hẳn đều mong được trở lại vào một dịp đặc biệt để trải nghiệm cảm giác thiêng liêng ấy!
Có lẽ không ở đâu mật độ di tích lịch sử cách mạng gắn với các cuộc chiến tranh dày đặc và có ý nghĩa sâu sắc như tại Quảng Trị. Nơi đây có đến 518 di tích lịch sử cách mạng, mang sự khác biệt lớn nhất của tài nguyên du lịch Quảng Trị với các địa phương trong vùng và với cả nước. Nhiều địa danh mang dấu ấn về quá khứ của chiến tranh như: Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây, Dốc Miếu, đảo Cồn Cỏ...
Những di tích lịch sử này đã trở thành thương hiệu du lịch của Quảng Trị khi được kết nối trong một chương trình du lịch nổi tiếng và rất đặc biệt mà không thể tìm thấy ở bất kỳ tour nào khác trong cả nước: Du lịch vùng phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone). Tour du lịch DMZ thường được ưu tiên hàng đầu đối với khách du lịch quốc tế khi đến Quảng Trị và để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách, đặc biệt là các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam. Quảng Trị cũng đã khai thác tốt loại hình du lịch văn hóa-lịch sử với chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Con đường huyền thoại”.
Quảng Trị là một trong các địa phương đầu tiên tập trung khai thác loại hình du lịch về nguồn, hoài niệm. Theo thống kê, hằng năm, hàng triệu lượt du khách trong nước tới đây để tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng, thăm lại chiến trường xưa và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Mỗi du khách đến đây không chỉ để tham quan thiên nhiên, tìm hiểu con người của vùng đất kiên trung mà còn để hoài niệm về một thời đã xa, để lật giở từng trang lịch sử qua những chứng tích chiến tranh. Vào các dịp lễ lớn như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày Quốc khánh 2-9... lượng khách đổ về miền đất lửa Quảng Trị tăng đột biến. Chỉ tính vào tháng 7-2023, số lượt khách du lịch lưu trú của Quảng Trị ước tính đạt 472.049 lượt, tăng 111,84% so với cùng kỳ năm trước.
 |
Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (tỉnh Quảng Trị)-biểu tượng của khát vọng hòa bình, thống nhất. Ảnh: QUANG HUY |
Từ năm 2023-2024, một số hoạt động hướng đến “Festival vì hòa bình” sẽ được tổ chức tại Quảng Trị. Đây là dịp để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra. “Festival vì hòa bình” sẽ góp phần xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh và sẽ là nơi hội ngộ, họp mặt của bạn bè bốn phương.
Ngoài Quảng Trị, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ với bề dày lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, tiềm năng du lịch về nguồn, hoài niệm, lịch sử cách mạng còn rất lớn. Dặm dài dọc cung đường miền Trung, nhiều địa điểm lịch sử cách mạng ai cũng muốn một lần ghé thăm. Tới Nghệ An nhất định phải thăm Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua Hà Tĩnh phải một lần ghé Ngã ba Đồng Lộc; dừng chân tại Quảng Bình để viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Khai thác giá trị chiều sâu
Bắc Trung Bộ có lợi thế về vị trí địa lý để đón các dòng khách du lịch đi lại trong vùng. Tuy vậy, cho đến nay, hệ thống sản phẩm du lịch về nguồn, hoài niệm của Bắc Trung Bộ còn khiêm tốn, chưa thực sự khai thác tương xứng và hiệu quả các tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch. Lượng khách du lịch nội địa đến các tỉnh Bắc Trung Bộ còn thấp, do vậy, muốn thu hút được khách du lịch cần phải đầu tư phát triển sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để níu chân du khách lưu trú dài ngày và còn mong muốn quay trở lại.
Trước đây, du lịch hoài niệm tại Quảng Trị hấp dẫn, thu hút mạnh thị trường quốc tế, tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm này không còn được khai thác sôi động như trước. Một phần là do các thế hệ cựu chiến binh đã lớn tuổi. Một lý do không kém phần quan trọng là sản phẩm này chưa được đầu tư xây dựng thành một trải nghiệm liên hoàn, thống nhất, có kịch bản và ý tưởng rõ ràng nhằm cung cấp cho khách du lịch một bức tranh tổng thể về khu vực phi quân sự.
Tỉnh Quảng Bình ngoài thế mạnh về du lịch biển và du lịch khám phá, những điểm di tích lịch sử cách mạng cũng thu hút nhiều du khách như: Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bến phà Long Đại, hang Tám Thanh niên xung phong và Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng... Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của loại hình còn thiếu phong phú; chương trình tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, về nguồn tại Quảng Bình có số lượng khách chưa nhiều. Tương tự, Hà Tĩnh là một địa phương có nhiều tiềm năng du lịch về nguồn, hoài niệm. Các di tích nằm trên Đường Hồ Chí Minh, đường 15A huyền thoại. Tuy nhiên, việc khai thác còn khó khăn do chưa quan tâm đúng mức vào công tác xúc tiến, quảng bá. Du khách đến Hà Tĩnh mới chỉ biết đến Ngã ba Đồng Lộc mà chưa biết đến nhiều địa điểm lịch sử cách mạng khác.
Đồng chí Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Để tăng tính hấp dẫn cho hành trình du lịch tới hệ thống di tích lịch sử cách mạng, cần tổ chức các hoạt động giúp du khách không cảm thấy đơn điệu như các sự kiện văn hóa, lễ hội, những dịch vụ bổ trợ có dấu ấn tại điểm đến. Mỗi di tích có đặc trưng, câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật riêng, vì vậy, cần xây dựng các chương trình tham quan phù hợp, lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí mang tính trí tuệ, trải nghiệm hoặc vận động tập thể theo đội, nhóm, phù hợp các đối tượng tham gia, thông qua đó truyền tải các kiến thức, thông điệp mà di tích muốn thể hiện”.
Du lịch về nguồn, hoài niệm không chỉ mang lợi ích kinh tế mà đây cũng là cách bảo tồn và phát huy các giá trị di tích một cách bền vững và ý nghĩa hơn. Một chuyến du lịch về nguồn, hoài niệm sẽ truyền tải và tiếp nhận kiến thức lịch sử, cách mạng tự nhiên nhất, thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người những rung cảm về sự hy sinh, tinh thần kiên trung, bất khuất, lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc để từ đó sống đẹp hơn.
HOÀNG HOA LÊ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.