Không nên quá gượng ép để làm lễ hội

Lễ hội tôm hùm Cam Ranh lần thứ nhất vừa mới diễn ra đã gây thất vọng đối với nhiều du khách đến trải nghiệm. Mặc dù quy mô tổ chức hoành tráng với nhiều hoạt động như: Hội thi trình diễn ẩm thực và xác lập kỷ lục Việt Nam “120 món ăn chế biến từ tôm hùm Cam Ranh”; hội đua thuyền, lắc thúng; diễu hành xe hoa-xe đạp, trình diễn nghệ thuật dân gian, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ của đồng bào dân tộc Ra Glai... Tuy nhiên, ở phần Lễ hội văn hóa ẩm thực và trưng bày triển lãm-kết nối giao thương các ngành hàng tôm hùm, thủy, hải sản và các sản phẩm OCOP có gần 200 gian hàng, song chỉ duy nhất 1 gian hàng bán tôm hùm với giá ưu đãi 950.000/kg (bao gồm miễn phí chế biến). Các gian hàng thực phẩm còn lại đa phần là xúc xích, cá viên chiên, kem khói...

Chị Trần Thanh Thủy, đến từ TP Nha Trang, cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi ban tổ chức bố trí hàng trăm gian hàng nhưng chỉ có một gian hàng tôm hùm. Bởi vậy, gian hàng này thu hút rất đông người đến mua và thưởng thức tôm hùm. Tôi nghĩ khi tổ chức lễ hội thì những sản phẩm điểm nhấn phải mang tính chất đặc trưng của lễ hội, nếu chưa chuẩn bị mọi mặt chu đáo thì chỉ nên tổ chức hội chợ, không gượng ép để tổ chức sự kiện thành lễ hội”. Lý giải về điều này, đồng chí Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh đã thừa nhận thiếu sót do đây là lần đầu tiên tổ chức lễ hội tôm hùm và mong du khách thông cảm để lần sau địa phương tổ chức chu đáo hơn. 

Các du khách thích thú “check in” điểm đến tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III. 

 

Ở chiều ngược lại, tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III, trong số hơn 60 gian hàng trưng bày các loại trái cây cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương thì có đến hơn 2/3 là gian hàng trưng bày trái cây như măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mía tím. Trong đó điểm nhấn là sầu riêng-loại cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Khánh Sơn. Do vậy, dù huyện miền núi Khánh Sơn cách xa trung tâm TP Nha Trang gần 100km, giao thông đi lại khó khăn, song số lượng khách đến với lễ hội đạt hơn 18.000 lượt người, giúp toàn huyện tiêu thụ khoảng 127 tấn nông sản các loại, trong đó có 110 tấn sầu riêng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Đồng chí Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất, muốn phát triển nông nghiệp hiệu quả, cần tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản, bảo vệ thương hiệu, xây dựng kinh tế xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và việc tổ chức lễ hội trái cây cũng là một điểm nhấn trong phát triển du lịch, qua đó tạo cơ hội cho việc quảng bá, gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương về mọi mặt.

Đồng bộ các giải pháp phát triển thương hiệu

Một trong những điểm nhấn thời gian qua về hoạt động du lịch tại Khánh Hòa, đó là việc tổ chức Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024. Đây là chương trình đầu tiên xuất hiện trên thế giới và được tổ chức tại TP Nha Trang. Sự kiện có 4 đội thi đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sử dụng kỹ thuật trình diễn chuyên nghiệp đa sắc màu với công nghệ thiết bị bay tân tiến nhất. Chương trình có nhiều hãng thông tấn, báo chí uy tín trong và ngoài nước quan tâm với hàng nghìn tin, bài đăng tải. Đồng thời, đã có 2 kỷ lục Guinness thế giới được xác lập: Màn trình diễn ánh sáng về các kỳ quan lớn nhất thế giới và màn trình diễn ánh sáng biểu tượng văn hóa Việt-chim Lạc lớn nhất thế giới. Có được kết quả thành công đó là nhờ công tác truyền thông, quảng bá sự kiện được thực hiện liên tục, đồng bộ trên các kênh của cơ quan thông tấn, báo chí, mạng xã hội trong nước và quốc tế, tạo "cú hích" trong công tác truyền thông điểm đến, tạo điểm nhấn, quảng bá thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa.

Theo dữ liệu mới nhất do nền tảng du lịch trực tuyến Agoda công bố trong tháng 8, Nha Trang là một trong 5 điểm đến lặn biển hàng đầu châu Á, bên cạnh các điểm như đảo Bali của Indonesia, Phuket của Thái Lan, Okinawa của Nhật Bản, Cebu của Philippines. Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, để giữ vững và phát triển mạnh mẽ thương hiệu du lịch, cơ quan đã đề xuất chủ trương với UBND tỉnh để lập Đề án “Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, việc tổ chức nhiều sự kiện đã tạo điểm nhấn lớn cho thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, từng bước xây dựng vị thế du lịch Nha Trang trên bản đồ quốc tế, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch, như du lịch biển, du lịch sinh thái; ưu tiên các đối tác có truyền thống gắn bó với du lịch địa phương, cũng như phát triển những địa điểm, khu vực mới; củng cố hồ sơ, xây dựng, đăng ký bản quyền cuộc thi trình diễn thiết bị bay không người lái. Các lễ hội phát huy hiệu quả sẽ tiếp tục được tổ chức thường niên nhằm tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch.

Địa phương cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch một cách văn minh, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực hưởng ứng, tài trợ thực hiện chương trình, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, giao thông... Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh; cùng với đó, đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức cho tuyên truyền viên, báo cáo viên nhằm phát triển du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.