Chị Lê Thị Bé Ren, cán bộ Đoàn thanh niên Trường THPT Trần Nguyên Khai (quận 5) chia sẻ: “Hằng năm, vào dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn, nhà trường thường tổ chức cho giáo viên, học sinh đi du lịch, học tập ngoại khóa tại những địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Chúng tôi thường lựa chọn hình thức du lịch văn hóa-lịch sử, vừa để các em học sinh vui chơi, vừa kết hợp tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc”.

TP Hồ Chí Minh có nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, mỹ thuật... gắn liền với các giai đoạn lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển của thành phố, như: Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Khu căn cứ cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Di tích Vườn Cau Đỏ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố... Đây không chỉ là những điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Bởi vậy, việc phát huy giá trị của các địa danh, di tích này phục vụ đời sống văn hóa kết hợp phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch thành phố.

leftcenterrightdel
      Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. 

Những năm gần đây, hình thức du lịch văn hóa-lịch sử thu hút lượng du khách ngày càng tăng. TP Hồ Chí Minh cũng quan tâm hơn tới hình thức du lịch này, hướng đến nhu cầu của du khách theo từng độ tuổi, nhất là thế hệ trẻ. Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố: Di tích, địa danh lịch sử văn hóa mang đậm giá trị truyền thống, phản ánh cốt cách, tinh thần quật cường cách mạng của đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Việc đưa những địa danh này vào hành trình du lịch khép kín không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh công lao của các thế hệ đi trước mà còn góp phần giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thanh niên, học sinh. Bởi vậy, từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố sẽ trùng tu 31 di tích. Tại kỳ họp thứ 9 diễn ra ngày 18-4-2023, HĐND thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn (1955-1958); quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (giai đoạn 3) và một số di tích lịch sử, văn hóa. Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Chủ trương này cho thấy, TP Hồ Chí Minh ngày càng quan tâm đến loại hình du lịch văn hóa-lịch sử vừa để phát triển kinh tế, bảo tồn di tích, vừa thiết thực góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Bài và ảnh: YẾN LONG