Với dòng khách này, cảm xúc về điểm đến là vô cùng quan trọng. Do đó, yếu tố xanh, sạch, đẹp, văn hóa, văn minh càng cần được đề cao, lưu ý.

Hòa mình vào thiên nhiên 

Ngay những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đã tấp nập khách đến. Du khách đến Yên Tử để tìm về nơi thiên nhiên hùng vĩ vào mùa lễ hội xuân kéo dài 3 tháng. Chiêm bái kết hợp vãn cảnh cõi thiền chốn Tổ Trúc Lâm linh thiêng, nhiều du khách quyết tâm leo chùa Đồng để bày tỏ lòng thành kính Phật. Lên ngôi chùa ở độ cao 1.068m so với mực nước biển không phải là hành trình dễ dàng nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Một vài đoàn khách đằng sau chúng tôi vượt lên, đoàn nọ động viên đoàn kia vững bước để có thêm những trải nghiệm thú vị.

leftcenterrightdel

Du khách vừa tham gia Giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam (đầu năm 2024) vừa tranh thủ tận hưởng cảnh sắc của Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY   

 

Ông Lê Trọng Thanh, Phó trưởng ban tổ chức Hội xuân Yên Tử TP Uông Bí năm 2024, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho biết: “Yên Tử có "5 không" mà chúng tôi luôn tự hào vì đã duy trì được. Đó là: Không ăn xin; không cầu đồng, xóc thẻ; không bày bán thịt động vật tươi; không thu tiền ghế với du khách muốn nghỉ chân; không gây ồn ào tại núi thiêng bởi những âm thanh khác ngoài nội dung tuyên truyền do ban quản lý sắp xếp, đọc duyệt cẩn thận. "5 không" này đã góp phần tạo nên bầu không khí linh thiêng cho Yên Tử và giúp du khách đến đây luôn cảm nhận được sự bình an, thanh thản”.

Trong khi đó, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cũng là điểm hấp dẫn du khách khi đến với Sa Pa (Lào Cai). Cuối tháng 2 này, Sa Pa chìm đắm trong sắc hồng thơ mộng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận, hoa mơ. Sa Pa bung nở đầy sức sống. Lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như Lễ hội Pút tồng của dân tộc Dao đỏ, Lễ hội Quét làng của dân tộc Xa Phó, Lễ hội Roóng poọc của dân tộc Giáy, tục dựng cây nêu, hát giao duyên, các trò chơi dân gian... được tái hiện sinh động, tạo nên khung cảnh xuân sôi động và cuốn hút.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La, thung lũng Mai Châu là điểm đến được ưa chuộng hàng đầu của những người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên cũng như văn hóa của đồng bào các dân tộc. Cảnh sắc thiên nhiên trập trùng, sắc núi, mây trời, hoa thơm rực rỡ là những lý do để du khách lựa chọn cho chuyến đi nghỉ dưỡng, “sống chậm” để tái nạp năng lượng. Kiểu du lịch thiên nhiên (ở Mai Châu, Vườn quốc gia Cúc Phương, rừng Bạch Mã, Vườn quốc gia Tràm Chim-Đồng Tháp...) là loại hình du lịch tập trung vào việc khám phá và tận hưởng các cảnh quan tự nhiên. Các địa điểm mà du khách thường đến trong loại hình này như bãi biển, núi rừng, vườn quốc gia, với các hoạt động chủ yếu xoay quanh việc khám phá và trải nghiệm môi trường tự nhiên, chứ không phải là tham quan các công trình du lịch nặng về xi măng, gạch, ngói, bê tông. Du lịch thiên nhiên còn là du lịch có trách nhiệm khi du khách trải nghiệm các khu vực tự nhiên và cảnh quan, hệ thực vật, động vật, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Thông qua loại hình du lịch này, du khách có thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm và áp lực của cuộc sống đô thị, điều này có lợi cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. 

Ứng xử văn minh là điểm cộng

Không khó để nhìn ra những điểm đến hấp dẫn trong mùa xuân này đều có chung công thức là sự cộng hưởng của vẻ đẹp thiên nhiên và ứng xử văn hóa. Vì thế, theo ông Lương Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), môi trường điểm đến không chỉ ở thắng cảnh mà còn ở ứng xử nhân văn. “Vệ sinh môi trường cần đủ yếu tố sạch và đẹp để khi đến các khu du lịch hay đặc biệt là bước vào những nơi linh thiêng, du khách được thanh thản, tĩnh tại tận hưởng bầu không khí trong lành. Họ cũng không phải lo bị "chặt chém", móc trộm hay bị phân tâm bởi những hành vi, lời nói không đẹp. Muốn vậy thì từ những người trông xe, bán hàng... đều cần được tập huấn để làm nên giá trị văn hóa chung cho cả điểm đến”, ông Lương Đức Thắng nói.

Đứng dưới góc độ nhà quản lý về du lịch, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Chúng ta không dễ dàng mời chào du khách với những dịch vụ trước đây, bởi sau dịch Covid-19, khách có xu hướng khắt khe trong tiêu dùng. Dịch vụ du lịch giờ đây cần hướng tới tiêu chí xanh, bền vững, gần gũi với môi trường, có lợi cho sức khỏe. Khách phải tận hưởng được những giá trị từ thiên nhiên, văn hóa với độ tinh khiết càng cao càng tốt. Yếu tố xanh phải thể hiện rất giản dị, khách đi đến đâu cũng được đón nhận dịch vụ thân thiện, gần gũi, sạch sẽ và được trân trọng. Vì vậy, một mặt chúng ta phải cải thiện chính sách thị thực để tăng lượng khách quốc tế, mặt khác chúng ta phải cải thiện và đầu tư cho sản phẩm du lịch mới, sử dụng công nghệ, du lịch thông minh để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Một điểm nữa là các điểm du lịch cần chiến lược mới để thích ứng xu thế mới bằng việc cải thiện nhân lực, quản lý, quy trình dịch vụ và số hóa, cá nhân hóa dịch vụ tới từng du khách”.

THÁI THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.