Theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do vậy, việc liên kết hiệu quả giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, TP Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch đồng chủ trì hội thảo.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), cho rằng, hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp mọi đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch tốt kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Những gói combo sản phẩm du lịch chất lượng phù hợp xu hướng thị trường hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp “túi tiền”.

Tuy nhiên theo, ông Nguyễn Trùng Khánh mặc dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch, là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cả nước ước đón chỉ 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch.

Vậy nguyên nhân của “điểm nghẽn” này là gì? Về nguyên nhân của thực trạng trên, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, do thời gian mở cửa chưa phải mùa du lịch quốc tế; xung đột địa chính trị đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng, chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo.

Trước tình hình nêu trên, theo các đại biểu dự hội thảo, để thu hút khách du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam hiện cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải-hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch; chính sách an sinh xã hội, tín dụng và các chính sách giảm giá điện, đất…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các bộ, ngành liên quan để đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, các địa phương, nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và làm mới sản phẩm thu hút du khách, sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.

leftcenterrightdel
Đại biểu ngành Hàng không Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 xác định: Du lịch Việt Nam tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng khác biệt, có giá trị gia tăng cao, tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Theo đó, hàng không và Du lịch cần “bắt tay” để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Trong đó, sản phẩm du lịch biển, đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi chiến lược này, theo nhiều chuyên gia, hai ngành du lịch và hàng không cần tiếp tục “bắt tay” trong phát động thị trường du lịch trong và ngoài nước tổ chức các đoàn FAM (tìm hiểu, làm quen), tham gia các hội chợ du lịch và tổ chức các hoạt động kích cầu. Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, trao đổi thông tin...

Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, khẳng định, để phục hồi và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn tới, ngành hàng không sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo dõi, bám sát và kiên trì trong việc tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các Nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào các chương trình làm việc cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Ấn Độ. Tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác đến Cảng hàng không quốc tế. Khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

leftcenterrightdel
 Các chuyên gia ngành du lịch tham dự hội thảo.

Nhất là tăng cường công tác phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam trong phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không-du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, đề nghị có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như: Bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân (private flight) cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…

Có thể khẳng định, nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng các doanh nghiệp du lịch và quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đặc biệt là ngành hàng không, du lịch Việt Nam sẽ vững vàng cất cánh, hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023 theo kế hoạch, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG