Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đón đầu xu hướng, làm mới sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách trở lại.
Mở cửa đón khách
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch A Ngưi (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã đón hơn 600 lượt khách vào homestay và tổ chức 3 đoàn đi tour trekking rừng. Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng anh Đinh Văn Ngưi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch A Ngưi ví nó như “sự sống trở lại”. Bởi trong hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, có những thời điểm công ty của anh chỉ bán hàng lưu niệm, hàng chục người lao động không có việc làm, không có thu nhập. Những tín hiệu phục hồi của ngành du lịch tạo thêm niềm tin, động lực cho anh Ngưi đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu, xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19. Không chỉ “Homestay A Ngưi” mà hầu hết các địa điểm du lịch trên địa bàn Tây Nguyên đã đón khách trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Từ đầu tháng 2-2022, bình quân mỗi ngày Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đón từ 70 đến 130 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch sinh thái, leo núi, dã ngoại, câu cá...
 |
Làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku) - điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Gia Lai.
|
Trên địa bàn Kon Tum, các điểm đến, khu du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng như: Nhà thờ gỗ, Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, Khu di tích quốc gia đặc biệt-Tượng đài chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh; Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K'tu... cũng mở cửa và đón khách mỗi ngày. Chị Lê Thị Hoa cùng gia đình ở TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Kon Tum và có những hoạt động tham quan, trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, gia đình chị Hoa được hưởng bầu không khí mát dịu, đắm mình trong thiên nhiên, tham gia làm vườn và thưởng thức các món ăn bản địa. “Đại dịch Covid-19 đã giam chúng tôi quá lâu trong bốn bức tường và sự ngột ngạt của phố phường, giờ được hòa mình vào thiên nhiên thật thoải mái. Các địa điểm du lịch ở Tây Nguyên rất đẹp, tôi sẽ trở lại”, chị Hoa chia sẻ.
Theo thống kê của ngành chức năng, tổng lượt khách du lịch đến Kon Tum trong hai tháng đầu năm 2022 khoảng 175.000 lượt, đạt 19,4% kế hoạch và bằng 204,1% so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 41,5 tỷ đồng. Cùng thời điểm trên, tỉnh Gia Lai đón khoảng 184.110 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 31,15 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Hai tháng qua cũng ghi nhận sự khởi sắc của ngành du lịch tỉnh Đắc Lắc. Năm 2022 Đắc Lắc phấn đấu đón hơn 900.000 lượt khách, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 770 tỷ đồng.
Nỗ lực làm mới sản phẩm
Những tín hiệu phục hồi của ngành du lịch Tây Nguyên rất đáng ghi nhận, cho thấy sự đúng đắn của Nghị quyết 128 và tính năng động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực làm mới sản phẩm phù hợp các xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 như: Đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; ứng dụng công nghệ nhằm quản lý bảo đảm an toàn với các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; du lịch theo những nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực...
 |
Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng (Kbang, Gia Lai) sẵn sàng đón khách du lịch trở lại. Ảnh: NGUYỄN ANH SƠN |
Ngay từ đầu tháng 11-2021, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch với lộ trình 3 giai đoạn, xác định rõ mốc thời gian, địa điểm mở cửa, điều kiện thực hiện và các giải pháp quảng bá, kích cầu cụ thể. Tỉnh Kon Tum xem đây là cơ hội để "định vị" lại thương hiệu du lịch của địa phương với các sản phẩm “Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên”. Tạo điều kiện cho gần 100 doanh nghiệp trong cả nước đến khảo sát với kỳ vọng làm mới sản phẩm và quảng bá du lịch. Tỉnh Đắc Lắc triển khai nhiều chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động trong lĩnh vực du lịch. Nhất là hỗ trợ lãi suất vay vốn phục hồi du lịch sau đại dịch; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch cho các đơn vị; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho lực lượng lao động. Ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch chèo thuyền kayak vượt thác ghềnh trên sông Sêrêpôk; leo núi, cắm trại trong Vườn quốc gia Yok Don; du lịch cộng đồng trong các buôn đồng bào Ê đê, M’nông và mô hình du lịch thân thiện với voi... tạo thành những sản phẩm độc đáo, có tính cạnh tranh cao.
Tại tỉnh Gia Lai, từ chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đang nỗ lực tự làm mới mình, anh Đinh Văn Ngưi chia sẻ: "Thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện hệ thống homestay và nâng cao chất lượng dịch vụ thì công ty sẽ nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới, kết nối hệ thống homestay trên toàn quốc để tạo thành chuỗi liên kết trong du lịch". Theo anh Lê Chí Nguyện, người điều hành Công ty TNHH một thành viên Du lịch Tây Nguyên Xanh, sau 11 tháng đóng cửa, công ty mới hoạt động trở lại từ tháng 2-2022 và đã có các đoàn khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đặt tour. Song, để du lịch Tây Nguyên trở lại “bình thường mới”, bên cạnh nỗ lực tự làm mới mình của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, nhất là việc thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và mở cửa du lịch theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành; nâng cấp các điểm tham quan, di tích lịch sử, văn hóa; kết nối Tây Nguyên với các vùng động lực...
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: "Gia Lai đã xác định lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở cửa du lịch. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tham gia các sự kiện du lịch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch giảm giá 10%-50% và khuyến khích xây dựng các sản phẩm mới; xây dựng, khai thác tour ngắn ngày khám phá các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn...".
NGUYỄN ANH SƠN