Còn để giữ chân khách du lịch trong và ngoài nước bằng các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm thì không chỉ Hội An mà các địa phương khác cũng còn đang bối rối.

Thiếu sản phẩm du lịch về đêm

Với du khách thích khám phá, trải nghiệm, khi màn đêm buông xuống, câu hỏi thường trực trong đầu luôn là: Chơi gì, chơi ở đâu, có gì mới lạ không, giá cả ra sao...?

Phố cổ Hội An (Quảng Nam), TP Đà Nẵng được xem là một trong những trung tâm du lịch của miền Trung nhưng thiếu hẳn sản phẩm du lịch về đêm. Du khách đến Hội An vào chiều tối, ngoài ngắm phố cổ, đi thuyền trên sông Hoài, xem biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”, dạo chơi chợ đêm, vào các quán bar, thưởng thức ẩm thực thì không còn chỗ vui chơi hấp dẫn khác. Nguyên nhân là do những hạn chế về quy định thời gian, chính sách liên quan đến an ninh-trật tự xã hội. Khi hoàng hôn tắt nắng ở TP Đà Nẵng, du khách được tư vấn đi chơi Công viên châu Á (Asia Park), vòng du thuyền sông Hàn, dạo chơi các chợ đêm Sơn Trà, Lê Duẩn, Thanh Khê, Hòa Khánh Tây. Tựu trung, sau bao năm, vẫn không có thêm hoạt động vui chơi nổi bật nào về ban đêm ở Hội An, TP Đà Nẵng cũng như các địa điểm du lịch khác ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Huế, Phú Yên, Nha Trang, Bà Rịa-Vũng Tàu...

       Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố cổ Hội An.Ảnh: Toptentravel

Tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), trước dịch Covid-19, việc phát triển du lịch ban đêm trông vào mấy khu chợ đêm, nhưng đến nay chỉ còn chợ đêm Yến Sào hoạt động. Thành phố biển này thu hút đông du khách quốc tế nhưng các dịch vụ giải trí như vũ trường, quán bar, karaoke cũng ít. Thời khách du lịch Nga, Trung Quốc đến TP Nha Trang tấp nập, chủ hàng quán phục vụ khách ngoại quốc hỉ hả tối ngày. Nay sau dịch bệnh, khách nước ngoài trở lại thành phố biển còn hạn chế, các nhà hàng, quán cà phê chuyên phục vụ khách Tây thì dân ta không muốn vào, âu cũng là do thói quen tiêu dùng và thị hiếu của khách hàng. Các tuyến phố chính ở TP Nha Trang, Đà Nẵng, trên cột điện, cột đèn dán cơ man giấy bán nhà nghỉ, homestay, khách sạn, sang nhượng cửa hàng. Không ít nhà hàng mặt tiền rộng, cơ ngơi bề thế nhưng khóa cửa hoen gỉ, những bể nuôi hải sản trước cửa rêu mốc, vỡ kính, khiến người dân và du khách không khỏi xót xa.

Dạo chơi một vòng quanh TP Đà Nẵng, mới thấy các hoạt động vui chơi giải trí về đêm quá ít. Ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các quán bar, vũ trường ven biển Mỹ Khê “lên nhạc” sôi động, trái ngược với không khí “3 chìm 7 nổi” ở khu An Thượng ngay gần đó. Mấy năm nay, khu An Thượng được biết là phố đi bộ ở thành phố bên bờ sông Hàn. Điểm mới của khu phố này là đường đi lối lại và vỉa hè được lát đá, còn lại bao năm qua vẫn là những quán cà phê, quán bar túc tắc ra vào khách Tây lẫn ta.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ homestay AT6, địa chỉ số 17, An Thượng 6 cho hay: “Du khách thường hay hỏi tôi Đà Nẵng có gì hay về đêm? Ừ thì vẫn là hoạt động vui chơi, ca hát bên ngoài bãi biển, thuê tàu vừa thưởng thức ẩm thực vừa nghe văn nghệ trên sông Hàn, đi chơi mấy chợ đêm. Để khách chi nhiều tiền hơn về đêm thì cần nhiều hơn nữa các dịch vụ vui chơi giải trí”.

Tồn tại nhiều mâu thuẫn, khó khăn

Đồng quan điểm với anh Tuấn nhưng ông Nguyễn Văn Long, nhà cũng ở khu An Thượng 6, lại có cái nhìn khác: “Phát triển du lịch về đêm là chủ trương đúng, khách có thêm trải nghiệm, địa phương tăng thêm nguồn thu nhưng liệu an ninh-trật tự có bảo đảm. Tôi lo thanh niên dễ bị cuốn vào các tệ nạn xã hội. Đám thanh niên choai choai luôn mồm bảo thử một tí, vui một tí nhưng khi xảy ra hậu quả thì tác hại khôn lường”.

Tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Cụ thể, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Một số chính sách cởi mở hơn đã được ban hành, điển hình như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ đã từng bước gỡ khó cho kinh tế ban đêm, nhưng cho đến nay, lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn khởi động. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel khẳng định: Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm rất đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong tour của khách. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, đến tối mới có thời gian khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn thì dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, hoặc nếu có đầu tư thì vẫn còn hạn chế và na na giống nhau, ví như du thuyền trên sông Hương, trên sông Hàn, trên sông Hoài.

Mặc dù Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được phê duyệt từ lâu, nhưng thực tế vẫn tồn tại không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.

HÀ THÀNH