Tiếp tục đà tăng trưởng
Mùa xuân đang về trên khắp buôn làng, bà con Đắk Lắk háo hức chuẩn bị một cái Tết đầm ấm và đủ đầy. Năm qua, nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê tăng giá kỷ lục. Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước cấp địa phương và trung ương ước đạt 8.656,6 tỷ đồng, tăng 10,04% so với năm trước và vượt dự toán được giao.
 |
Du khách đến với Đắk Lắk năm 2025 |
Đóng góp vào bức tranh tăng trưởng của tỉnh Đắk Lắk có ngành du lịch. Theo thống kê, năm 2024, ngành du lịch đã đón 1,5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch toàn tỉnh đạt 1.255 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Đắk Lắk cũng tăng hơn 34% so với năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho địa phương trong nỗ lực phát triển các sản phẩm mới, điểm nhấn riêng của vùng đất đại ngàn.
Điểm nhấn về du lịch của tỉnh trong năm qua được gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Cùng với đó, địa phương tổ chức thêm nhiều điểm đến du lịch cộng đồng, phát huy thế mạnh của từng dân tộc, từ đó tạo dấu ấn riêng biệt.
Mở màn cho sự kiện năm 2025, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức đón vị khách du lịch thứ 1,5 triệu và đoàn khách đầu tiên đến tỉnh nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025, với thông điệp “Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”.
Chị Lưu Minh Lan, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đã nhiều lần đến Đắk Lắk, nhưng lần nào đến chị cũng muốn quay lại bởi con người nơi đây thân thiện. Đặc biệt, Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, nổi tiếng về cà phê và văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chính sự mộc mạc, hoang sơ của vùng đất và con người nơi đây khiến chị Lan luôn muốn quay lại trải nghiệm.
 |
Đắk Lắk tạo điểm nhấn riêng nhờ khai thác các giá trị văn hoá truyền thống. Ảnh: DUY THƯƠNG |
Cũng là một trong những du khách đầu tiên đặt chân đến Đắk Lắk vào năm 2025, anh Vũ Văn Vang (Hải Dương) chia sẻ, rất hào hứng với chuyến trải nghiệm trong năm mới. Anh Vang tâm sự rất yêu vùng đất và con người Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung. “Nhắc đến Đắk Lắk, mình nghĩ ngay đến đàn voi Buôn Đôn. Loài vật này đã trở thành biểu tượng của vùng đất nơi đây. Do đó, khi đến Đắk Lắk, tôi nhất định phải đi xem voi. Sau đó sẽ đi nhiều điểm mới nữa”, anh Vang quả quyết.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, sự kiện đón vị khách du lịch thứ 1,5 triệu và đoàn khách đầu tiên đến tỉnh nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025, rất có ý nghĩa. Sự đón tiếp nồng hậu của sự kiện góp phần khẳng định giá trị mà địa phương đã và đang hướng đến: “Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách”. Đồng thời góp phần quảng bá du lịch địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Làm mới sản phẩm du lịch
Năm 2025 Đắk Lắk dự kiến tăng 20% số lượng du khách cũng như doanh thu cho ngành du lịch. Đây là năm diễn ra nhiều ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và tỉnh Đắk Lắk. Trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 - 2025); Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 diễn ra vào trung tuần tháng 3-2025…
 |
Nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
|
Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng đang tham mưu ban hành nghị quyết về phát triển du lịch thời gian tới. Trong đó sẽ chú trọng khai thác tiềm năng đối với khách du lịch quốc tế, bởi số lượng du khách quốc tế đến với Đắk Lắk nằm trong khoảng trên dưới 10%. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, khách quốc tế bị sụt giảm. Hiện tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa đang được đầu tư, mở ra cơ hội mới kết nối du lịch. Đắk Lắk đang tăng cường phối hợp khai thác tuyến du lịch kết nối rừng – biển.
Nói về định hướng phát triển du lịch, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk thông tin thêm, địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh về vùng đất, con người, văn hoá các dân tộc.
Đến nay, Đắk Lắk có 4 buôn du lịch cộng đồng gồm Ako Dhông và Tơng Jŭ ở thành phố Buôn Ma Thuột; Buôn Trí ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn; và Buôn Kuốp ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Các buôn làng này còn giữ được phong tục tập quán, nét văn hoá truyền thống. Đây là điểm nhấn riêng, mở ra cơ hội khai phá tiềm năng về du lịch cộng đồng.
 |
Du khách đến thủ phủ cà phê Đắk Lắk rất đông vào dịp lễ hội. Ảnh: DUY THƯƠNG
|
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cũng chủ động làm mới sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn riêng. Để khi đến Đắk Lắk, du khách được trải nghiệm các loại hình dịch vụ đa dạng, có màu sắc riêng, không lẫn lộn.
PHƯƠNG KHÁNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.