Doanh nghiệp - động lực phát triển của các nền kinh tế Á - Âu

Với chủ đề “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 đại diện doanh nghiệp của các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.

Là lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại Lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Diễn đàn ASEM qua hai thập kỷ trong thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Á - Âu và cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời đề cao đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của hai châu lục trên mọi lĩnh vực và góp phần nâng cao vị thế của khu vực Á - Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. 
Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp - động lực phát triển của các nền kinh tế Á - Âu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với sự sáng tạo và linh hoạt trong đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân, song dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nhà lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình hội nhập và tạo cơ hội để các doanh nghiệp này tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần đi đầu trong các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư bền vững trong ASEM để ứng phó với các thách thức như nghèo đói do thương mại không công bằng và khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu và thiên tai, xâm nhập mặn… bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia thành viên. Cuối cùng, với mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các thành viên Á - Âu, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia trong khu vực và liên khu vực Á - Âu như Cộng đồng ASEAN 2015, Hiệp định hợp tác toàn diện khu vực RCEP, hợp tác EU - ASEAN, Ấn Độ - ASEAN…).

Thủ tướng khẳng định ASEM là đối tác rất quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, với 19/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện thuộc ASEM, chiếm 70% đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 hiệp định tự do thương mại FTA, trong đó có 14 FTA là quan hệ với các đối tác ASEM. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (tháng 6-2015), đang phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy Hiệp định Đối tác và Hợp tác với EU, thúc đẩy hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU. Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á - Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM vì sự phát triển bền vững.

Trong phát biểu, các nhà lãnh đạo ASEM đánh giá cao sự quan tâm của các nhà Lãnh đạo thành viên ASEM trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Á - Âu thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư. Các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh nhu cầu gia tăng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong tăng cường kết nối hai châu lục trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhà lãnh đạo đề nghị các doanh nghiệp cần cùng đồng hành với Chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục, đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ xanh, xây dựng phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần thiết thực phục vụ phát triển bền vững và bao trùm.

Thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Bun-ga-ri

Chiều 14-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành cuộc gặp với Thủ tướng  Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị ASEM 11 tại U-lan-ba-to, Mông Cổ.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế, coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Chính phủ hai nước cùng tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và kết quả đạt được trong Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị, cùng nhau thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh. Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế như nông, lâm, thủy hải sản; hoan nghênh các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.  

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10-2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ cảm ơn và chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam; khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam; sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về vấn đề trên biển, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít. Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng cùng nhất trí cao trên tinh thần đồng chí anh em, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhằm đưa quan hệ Việt - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận, kết quả đã đạt được tại Cuộc gặp cấp cao thường niên giữa hai Bộ Chính trị tháng 12-2015, Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, chuyến thăm Việt Nam tháng 5-2016 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít và chuyến thăm chính thức Lào vừa qua của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai bên cũng nhất trí củng cố, nâng cao hiệu quả của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ cùng Lào phối hợp rà soát kỹ, kịp thời giải quyết các khó khăn của các dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào để các dự án này được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, đóng góp vào sự phát triển của Lào. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam và Lào bàn phương án trao đổi, vận động Nhật Bản tham gia dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Thanh Thủy - Hà Nội.

Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít cũng khẳng định, Chính phủ Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào.

Đánh giá cao vai trò của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn hai nước phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhau và với các nước thành viên ASEAN nhằm duy trì, củng cố đoàn kết, đồng thuận của ASEAN, bảo đảm ASEAN thể hiện lập trường thống nhất về các vấn đề khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông. Thủ tướng khẳng định, tại các Hội nghị quan trọng sắp tới của ASEAN như AMM, ARF, Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp với Lào và các nước để các hội nghị trên thành công tốt đẹp, góp phần phát huy uy tín của Lào và đoàn kết, đồng thuận của ASEAN.

* Cũng trong chiều 14-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Bun-ga-ri Rô-sen Plep-ne-li-ép.

Đánh giá cao việc thành lập Nhóm công tác chung trong khuôn khổ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Bun-ga-ri nhằm xác định Danh mục những hàng hóa sơ chế tiềm năng của Việt Nam có thể đưa sang chế biến thành phẩm ở Bun-ga-ri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Bun-ga-ri quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, kinh doanh thành công tại các khu chế xuất mà Bun-ga-ri dành cho Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Bun-ga-ri thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào thời điểm chính thức ký EVFTA. Thủ tướng cũng đề nghị Bun-ga-ri sớm triển khai việc cấp ODA về giáo dục cho Việt Nam và tăng số lượng học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Bun-ga-ri chủ động cùng EU tiếp tục ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tổng thống Plep-ne-li-ép khẳng định, với những lợi thế lớn về giá lao động, năng lượng, cảng biển, khoa học công nghệ… Bun-ga-ri sẽ dành mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư ở Bun-ga-ri, qua đó tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống cam kết sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục quan tâm tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam. Tổng thống Plep-ne-li-ép cũng nhất trí sẽ góp phần thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA, đồng thời khẳng định Bun-ga-ri sẽ là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định quan trọng này. Bên cạnh đó, Tổng thống Plep-ne-li-ép bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, khẳng định quan điểm của Bun-ga-ri và EU đề cao tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Mông Cổ tiếp tục chính sách đối ngoại coi trọng quan hệ với Việt Nam

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Mi-e-gom-bo Ên-khơ-bon-đơ. Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ bày tỏ nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mông Cổ và dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11, cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các Hội nghị cấp cao như Hội nghị cấp cao ASEM.

Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác mọi mặt Việt Nam-Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp, nhất là giữa lãnh đạo Quốc hội; chuyển lời mời Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ sớm thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Mông Cổ.

Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ nhấn mạnh, Mông Cổ coi Việt Nam là đối tác chính trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại coi trọng quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch Mi-e-gom-bo Ên-khơ-bon-đơ cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Mông Cổ trở thành thành viên APEC trong thời gian tới.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước hiện còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như tiềm năng của hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với đại diện các doanh nghiệp Mông Cổ có mặt tại diễn đàn rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Mông Cổ đầu tư vào Việt Nam, nhấn mạnh giữa hai bên còn có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để bổ sung cho nhau, hợp tác để cùng nhau phát triển, tiến tới giàu mạnh.

* Chiều 14-7, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Đát-xê-vê, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam.

* Trước đó, sáng 14-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Nhà máy chế biến len Gobi ở ngoại ô thành phố U-lan Ba-to.

* Chiều 14-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và nói chuyện với cán bộ sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Mông Cổ.

* Nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự HNCC ASEM 11 tại Mông Cổ (ngày 15 và 16-7-2016), chiều 14-7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Phê-đê-ri-a Mô-ghê-ri-ni.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tin, ảnh: VĂN YÊN (từ U-lan Ba-to, Mông Cổ)