Trong phần thi “Bắn súng”, 2 kíp xe của mỗi đội lần lượt thực hiện bài bắn theo thứ tự được bốc thăm của Ban trọng tài. Theo đó, 2 kíp của Đội tuyển Hóa học Việt Nam sẽ bắn lượt thứ 4 và lượt thứ 6 trên tổng số 10 lượt bắn. Theo quy chế của Hội thao, bài bắn sẽ được thực hiện bởi 3 vận động viên của mỗi kíp, mỗi vận động viên (VĐV)  lần lượt phải hạ gục 3 mục tiêu ở khoảng cách từ 100m đến 350m, sau đó thực hiện động tác ném lựu đạn tới mục tiêu cách 30m, bán kính 3m. Giữa mỗi mục tiêu, VĐV phải liên tục vận động ở tư thế đi khom đến vạch giới hạn. Khi mục tiêu xuất hiện, trong thời gian 8 giây, VĐV phải nhanh chóng mở khóa an toàn, lấy đường ngắm và thực hiện bắn loạt hạ gục mục tiêu ở tư thế tùy chọn.

Điểm khó ở bài bắn này đó là các VĐV phải mang đầy đủ khí tài phòng da và mặt nạ phòng hô hấp khi bắn, khoảng cách đến mục tiêu không cố định và thời gian để thực hiện loạt bắn rất ngắn. Ngoài ra, nếu VĐV mở khóa an toàn trước khi mục tiêu xuất hiện, đứng yên ngừng cơ động hoặc có bất kỳ một phần nào của cơ thể vượt qua vạch giới hạn thì sẽ bị trừ điểm trực tiếp vào kết quả bắn.

Súng tiểu liên QBZ-95 được sử dụng thống nhất trong Hội thao để đảm bảo tính thống nhất, bảo đảm an toàn và công bằng.

Để đảm bảo công bằng và an toàn, tất cả các đội tuyển phải sử dụng thống nhất súng tiểu liên QBZ-95 do Trung Quốc sản xuất. Trong đó, khác biệt lớn nhất đối với các loại vũ khí bộ binh mà quân đội Việt Nam đang được trang bị trong huấn luyện và chiến đấu đó là súng tiểu liên QBZ-95 sử dụng cơ chế ngắm cơ khí thông qua lỗ ngắm với kích thước các lỗ ngắm thay đổi tùy chọn phụ thuộc vào cự ly bắn và cảm giác của xạ thủ, thay vì sử dụng thước ngắm chia vạch như súng tiểu liên AK. Bên cạnh đó, thiết kế của súng QBZ-95 có dạng “Bullpup” với vị trí cò súng đặt trước vị trí hộp tiếp đạn, làm rút gọn chiều dài tổng thể của khẩu súng. Thiết kế này giúp thuận tiện trong mang vác khi cơ động, nhưng khoảng cách từ mắt xạ thủ qua lỗ ngắm tới đầu ngắm cũng đồng thời bị thu ngắn, xạ thủ sẽ gặp khó khăn để lấy đường ngắm chính xác. Trừ Đội tuyển Hóa học của Việt Nam, các đội tuyển còn lại đều đã có kinh nghiệm huấn luyện, sử dụng và thi đấu với súng tiểu liên QBZ-95 và cơ chế ngắm cơ khí này.

Bước vào ngày thi đấu, điều kiện thời tiết trên thao trường bắn không thuận lợi cho các vận động viên do gió to và thường xuyên đảo chiều. Đồng thời, ngoài 3 VĐV thực hiện bài thi, tất cả các thành viên khác của Đội không được phép vào khu vực thi đấu để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chính vì thế, các VĐV ngoài việc vừa phải vững tâm lý để độc lập tác chiến, vừa phải nghe tốt khẩu lệnh của trọng tài bằng tiếng Trung mà không có sự hỗ trợ của phiên dịch. Do đó, tuy phần thi “Bắn súng” không vắt kiệt thể lực của VĐV như ngày thi đầu tiên, nhưng đòi hỏi các VĐV phải có tâm lý vững vàng với thần kinh thép và khả năng tập trung cao độ để lắng nghe khẩu lệnh và xác định hướng bắn khi mục tiêu xuất hiện.

Đại tá Ngô Văn Đĩnh, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, Đội trưởng đang trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn các vận động viên luyện tập bắn súng.

Với tinh thần và ý chí quyết tâm cao, sau phần thi “Bắn súng”, Đội tuyển Hóa học Việt Nam tiếp tục đứng vững ở vị trí thứ ba trên bảng tổng sắp, sau nước chủ nhà Trung Quốc và Nga. Đặc biệt, Thiếu úy Vũ Văn Hùng, được bố trí bắn ở lượt thi thứ 2, đã xuất sắc hạ gục toàn bộ mục tiêu với thời gian rất nhanh. Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng giành được một giải cá nhân cho “Xạ thủ xuất sắc nhất” về cho Đội tuyển Hóa học Việt Nam.

Ngày 12-8, Đội tuyển Hóa học Việt Nam sẽ tham gia phần thi “Tiếp sức”. Đây cũng là phần thi cuối cùng của nội dung Kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ “Môi trường an toàn”.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN-VĂN NAM (từ Tân Cương, Trung Quốc)