Bộ đội luôn có tinh thần hăng say lao động, tăng gia sản xuất
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân. Trên thế giới, hiếm có quân đội của quốc gia nào có được phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất như Quân đội ta.
Trong lịch sử quân sự thế giới, hầu hết quân đội các nước sử dụng bảo đảm hậu cần chuyên trách nên binh sĩ của họ chỉ làm các nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu và nhiệm vụ chuyên môn được phân công mà không phải làm bất cứ nhiệm vụ nào khác. Điển hình như đội quân nhà nghề-lính đánh thuê từng xâm lược nước ta trong thế kỷ 20.
Khi tác chiến tại chiến trường, ban đêm họ thường trú quân trong căn cứ kiên cố hoặc bán kiên cố, ban ngày di chuyển và càn quét xung quanh, thậm chí đốt phá, cướp gia súc, gia cầm, lương thực của dân ta. Chưa bao giờ binh lính của đội quân nhà nghề tham gia lao động sản xuất hoặc làm các công việc khác ngoài tác chiến và phục vụ tác chiến, càn quét quân đối phương.
|
|
Chiến sĩ Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị. Ảnh: BÙI HIỆP |
Khác với phương thức tổ chức đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các đơn vị của Quân đội ta ngoài thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu còn tổ chức lao động sản xuất. Chủ trương này được kế thừa từ truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, góp phần rèn luyện phẩm chất cần cù, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ ngày càng hoàn thiện.
Trong lịch sử dân tộc ta, đội quân lao động sản xuất được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng từ chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”. Quân dự bị là người lao động sản xuất tại địa phương, khi cần thiết thì huy động họ trở thành binh lính bảo vệ đất nước.
Trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) và những năm sau đó, ở các căn cứ cách mạng đã hình thành những đội vũ trang với vũ khí thô sơ và trình độ huấn luyện, tác chiến, tổ chức chỉ huy hết sức khiêm tốn. Lúc đó, bảo đảm hậu cần của những đội vũ trang hoàn toàn là tự cấp, tự túc và dựa vào dân là chính.
Các chiến sĩ phát nương trồng ngô, sắn, săn bắt thú rừng để cải thiện sinh hoạt, khi di chuyển thì bàn giao lại nương ngô, bãi sắn cho dân chăm sóc, thu hoạch. Do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên sức khỏe giảm sút, nhiều đơn vị quân số bị sốt rét đến gần một nửa, thuốc chữa bệnh chủ yếu là cây thuốc kiếm trong rừng, các chiến sĩ bị ốm nặng phải gửi nhân dân chăm sóc.
Nhờ dựa vào nhân dân, các đội vũ trang cách mạng đã giải quyết được vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm, liên tục hoạt động, chiến đấu góp phần củng cố và mở rộng các căn cứ cách mạng, phát triển lực lượng, gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, khôi phục nền độc lập. Đây cũng chính là nền móng hình thành phẩm chất lao động cần cù, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ cho đến ngày nay.
Trong quá trình xây dựng Quân đội, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đẩy mạnh tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã không ngừng học tập tấm gương của Bác Hồ trong lao động, tăng gia sản xuất. Các căn cứ kháng chiến, các binh trạm đều phát triển tăng gia sản xuất. Đây là một trong những nội dung thuộc về nghệ thuật đặc sắc của Quân đội ta trong công tác xây dựng hậu cần tại chỗ. Có thể nói rằng, phong trào lao động cần cù, sáng tạo trong tăng gia sản xuất của Quân đội là một nét đặc trưng nổi bật của quân đội cách mạng và cũng là tiền đề, động lực làm nên phẩm chất cần cù, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ.
Tôi từng đọc hồi ký của Đại tá Trần Công An (tên thường gọi là Hai Cà), Anh hùng LLVT nhân dân, người được ví như "cha đẻ" của chiến thuật đặc công thời hiện đại trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuốn hồi ký, ông nói về sự khó khăn khi được Đảng giao phụ trách phát triển tăng gia sản xuất ở rừng Đồng Nai, tạo cơ sở vật chất hậu cần phục vụ kháng chiến lâu dài. Nhờ ý chí vượt khó, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động sản xuất, trong hơn 3 năm, Trần Công An đã chỉ huy bộ đội tạo ra một nông trường với lượng lương thực, thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu kháng chiến lâu dài trên địa bàn. Sau chiến tranh, Anh hùng Hai Cà không nghỉ ngơi mà tập trung khai phá đất rừng hoang hóa, làm trang trại và một thời là điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh Đồng Nai.
Tôi cũng đã đọc cuốn hồi ký của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10, qua đó hiểu được tinh thần cần cù của cán bộ, chiến sĩ trong Chiến khu rừng Sác. Với điều kiện sống ở vùng nước mặn, sống trong bom đạn và sự càn quét chà đi xát lại hàng trăm lần của địch, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 vẫn kiên cường bám trụ, không chỉ tăng gia cải thiện đời sống bằng nhiều cách mà còn kiên trì tạo ra được những hầm nước ngọt đủ dùng trong điều kiện nước mặn, sình lầy.
Tình yêu lao động của Bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh
Nhìn lại 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, có thể khẳng định rằng, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất ở nhiều đơn vị chẳng hề thua kém so với những chiến công trong chiến đấu.
Từ lâu, tăng gia sản xuất trở thành một trong những chế độ được duy trì trong các đơn vị Quân đội. Người lính tự đóng gạch xây nhà; tự khai thác tre nứa làm mái và tiếp tục tăng gia sản xuất với tinh thần “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông). Bộ đội Cụ Hồ coi “sản xuất cũng là một mũi tiến công” nên đã sáng tạo ra nhiều phong trào, đặc biệt là từ Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, các mô hình tăng gia quanh bếp, quanh vườn, vườn-ao-chuồng (VAC), vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), phát triển đồi rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm... ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng phát triển mạnh. Nhờ phong trào này mà rất nhiều đơn vị trong toàn quân hiện nay tự túc được 100% rau xanh, thịt, cá.
Thực hiện chủ trương củng cố quốc phòng gắn liền với phát triển kinh tế, các nhà máy, doanh nghiệp, xí nghiệp của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và các quân chủng, binh chủng đã sản xuất được nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh, xuất khẩu, thu ngoại tệ cho đất nước. Đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả cao chủ trương này là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn... Nhiều doanh nghiệp của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã làm chủ nhiều công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, hiện đại, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ quốc phòng, đời sống dân sinh và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Từ phẩm chất cần cù, sáng tạo, hàng vạn người lính Cụ Hồ rời quân ngũ đã mang theo tinh thần ấy vào phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trên cả nước có hàng nghìn cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, trong đó có không ít thương binh và những người bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường. Với bàn tay, khối óc và sức lực của mình, nhất là bằng ý chí thép, những người lính ấy đã hăng say lao động, đổi mới cách nghĩ, cách làm kinh tế, từng bước đưa gia đình thoát nghèo và ngày càng sung túc, qua đó góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” xem các tin, bài liên quan