Cơ sở khoa học về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học-nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2009) xác định: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Theo Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010, di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: 1) Tiếng nói, chữ viết; 2) Ngữ văn dân gian; 3) Nghệ thuật trình diễn dân gian; 4) Tập quán xã hội và tín ngưỡng; 5) Lễ hội truyền thống; 6) Nghề thủ công truyền thống; 7) Tri thức dân gian.
|
|
Cán bộ, phi công Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) dâng hương tại danh bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: ĐỨC NAM |
Theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (gọi tắt là Công ước 2003): Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của công ước này, chỉ xét đến các di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện quốc tế hiện hành về quyền con người, cũng như những yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người, các cá nhân và về phát triển bền vững...
Diễn đạt chữ nghĩa có thể khác nhau, nhưng Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước 2003 của UNESCO luôn thống nhất quan niệm về di sản văn hóa phi vật thể, cũng như các hình thức của thực thể văn hóa này. Hiện tại, với UNESCO, có hai hình thức: Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tính đến năm 2024, Việt Nam có 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, những năm qua, các địa phương đã đề nghị và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, ghi danh hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một thực thể văn hóa phi vật thể
Căn cứ vào các văn bản pháp lý của Việt Nam và UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, tôi nghĩ rằng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một thực thể văn hóa phi vật thể gồm nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất là các sáng tác ngữ văn dân gian (bao gồm ca dao, dân ca, nhất là huyền thoại). Có thể khẳng định, 80 năm qua, biết bao câu ca dao, biết bao bài vè, biết bao câu hát được Bộ đội Cụ Hồ sáng tác, truyền bá trong xã hội. Trong kho tàng này, có rất nhiều huyền thoại về Bộ đội Cụ Hồ khi ngã xuống đã trở thành “Dáng đứng Việt Nam”-tên bài thơ của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến). Không những vậy, có rất nhiều câu chuyện như huyền thoại về Bộ đội Cụ Hồ trở về sau năm tháng chiến tranh tự vượt lên đau thương để vượt khó làm giàu, sống trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội.
Thứ hai là các tưởng niệm lịch sử về Bộ đội Cụ Hồ được xây dựng ở khắp mọi miền đất nước. Nhân dân ta luôn ngưỡng mộ, tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và tổ chức thăm viếng vào những dịp lễ trọng đại của đất nước, của mỗi địa phương, nhất là vào dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Tết Nguyên đán hằng năm...
Thứ ba là các tri thức dân gian được Bộ đội Cụ Hồ sáng tạo trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong thời bình. Có thể là những tri thức dân gian được Bộ đội Cụ Hồ sáng tạo khi kéo pháo vào, kéo pháo ra ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khi hành quân thần tốc để tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn ngày 30-4-1975...
Thứ tư là những lá thư, sổ ghi chép, nhật ký... của Bộ đội Cụ Hồ được viết trên chiến trường. Nên nhìn nhận đây là ký ức của người lính, có thể coi là sản phẩm của chương trình ký ức, tư liệu mà Việt Nam và UNESCO đã thực hiện vinh danh ở cấp châu lục và cấp quốc tế, nhưng cũng có thể coi là một hình thức di sản văn hóa phi vật thể.
Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ và phát huy các hình thức di sản văn hóa phi vật thể của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ. Cần ý thức rõ các di sản văn hóa phi vật thể này là sáng tạo văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong nhân dân Việt Nam, được coi như bản sắc của Bộ đội Cụ Hồ và luôn được các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ trân trọng. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, không gian nào, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ luôn là niềm tự hào, vì thế, các hình thức di sản văn hóa phi vật thể của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ luôn là niềm tự hào chính đáng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và của dân tộc Việt Nam.
Những công việc cần làm để tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Để danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo tôi, cần thực hiện một số công việc sau:
Một là, sưu tầm, sưu tập để số hóa các hình thức di sản văn hóa phi vật thể của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ; có thể thành lập một ngân hàng dữ liệu (data bank) di sản văn hóa phi vật thể về Bộ đội Cụ Hồ với các hình thức: Băng ghi âm, bản ghi hình tĩnh và động, bản text để lưu trữ. Trên cơ sở đó, biến thành các sản phẩm công nghệ để phục vụ cho Bộ đội Cụ Hồ kể cả đang trong quân ngũ hay là cựu chiến binh. Tranh thủ đến mức cao nhất sự đóng góp tư liệu của các cựu chiến binh cao tuổi. Các cựu chiến binh cao tuổi còn lưu giữ, còn nhớ biết bao sáng tạo dân gian của mình, của đồng đội. Không làm sớm, làm hiệu quả công việc này, đến khi các cựu chiến binh ra đi về cõi vĩnh hằng thì thế hệ hôm nay khó có thể ghi chép, sưu tầm để lưu giữ được. Đây là cách để trao truyền, truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
Hai là, tổ chức một chương trình nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể Bộ đội Cụ Hồ. Có thể nói, di sản văn hóa phi vật thể danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là có giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa giàu bản sắc. Vì thế, cần tổ chức nghiên cứu khoa học một cách sâu sắc, cẩn thận, công phu.
Ba là, xây dựng các lễ hội tưởng nhớ Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hiện tại, việc tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh từ năm 1944 đến nay được thế hệ hôm nay thực hiện nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hằng năm. Dựa trên tưởng niệm lịch sử, xây dựng các lễ hội tưởng nhớ Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh vì quê hương, đất nước.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam có nhiều lễ hội cổ truyền tưởng nhớ các anh hùng dân tộc đã ngã xuống như lễ hội về Trần Hưng Đạo/Đức Thánh Trần, lễ hội về vua Quang Trung... Các lễ hội này có cấu trúc và thành tố đặc sắc nên luôn được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tưởng niệm lịch sử được cả dân tộc thực hiện về Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh cần được nâng lên thành lễ hội Bộ đội Cụ Hồ hy sinh vì nước, vì dân. Trước mắt, chọn một số nghĩa trang liệt sĩ như Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn... để xây dựng thành lễ hội với cấu trúc và thành tố riêng. Nhân vật thờ trong các lễ hội này là Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh.
Nếu dừng ở tưởng niệm lịch sử, hoạt động tưởng nhớ, tri ân trong ngày 27-7 và 22-12 sẽ chỉ là sự kiện, đôi khi là cuộc mít tinh, mà không trở thành lễ hội, một hình thức di sản văn hóa phi vật thể có sức sống trong lòng người dân, trong lòng người đang sống. Thực hiện công việc xây dựng lễ hội tưởng nhớ Bộ đội Cụ Hồ hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước là công việc cần thực hiện với các chuyên gia về phục dựng lễ hội cổ truyền. Chuyển hóa tưởng niệm lịch sử thành lễ hội cổ truyền là công việc vừa quen thuộc, vừa đổi mới thường xuyên với các thế hệ người dân Việt Nam.
Có thể nói rằng, việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cần thiết, nhưng cần có cách làm bài bản, khoa học, công phu. Những suy nghĩ trên đây của tôi mới chỉ là phác thảo nên rất cần bổ sung để đầy đủ và trọn vẹn.
GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” xem các tin, bài liên quan.