Địa phương hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, trong hai năm 2017-2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 36 đợt thiên tai, làm chết và mất tích 75 người, bị thương 58 người; 9.503 nhà bị sập và hư hỏng; 51.591 con gia súc, gia cầm bị chết; thiệt hại hơn 12ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Yên Bái là hơn 2.800 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và tỉnh ưu tiên ngân sách khắc phục nhưng cũng mới chỉ được 12% so với mức thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ tính trong 10 tháng của năm 2019, Yên Bái đã xảy ra 15 đợt mưa lũ, dông lốc, áp thấp nhiệt đới làm chết 6 người, 5 người bị thương; hư hỏng 2.192 căn nhà dân; thiệt hại hơn 900ha diện tích nông, lâm nghiệp; làm chết hơn 9.100 con gia súc, gia cầm; 19 công trình của tập thể bị hỏng, tốc mái, ước tính thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Với một tỉnh còn khó khăn như Yên Bái thì những con số nêu trên tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cuộc sống của người dân.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ LLVT huyện Trạm Tấu giúp nhân dân xã Hát Lừu khắc phục hậu quả bão lũ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái: Diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh mấy năm gần đây rất khó lường và bất ngờ. Có những đợt mưa lũ khiến 9/9 huyện, thành phố, thị xã đều bị ảnh hưởng nhưng trọng điểm nhất vẫn là địa bàn các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên. Khi dự báo thời tiết có vấn đề hoặc cơn bão, áp thấp nhiệt đới, các cấp chính quyền và ngành chức năng đều chủ động bám nắm tình hình, sẵn sàng xử lý giải quyết các tình huống. Đối với những nơi bị thiệt hại nặng, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ thành lập sở chỉ huy nhẹ tại hiện trường; huy động cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, túc trực 24/24, sẵn sàng chung sức cùng người dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm mọi cách khắc phục nhanh nhất, không để người dân bị đói rét, sống cảnh màn trời chiếu đất, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Đến công tác tại Yên Bái, chúng tôi được nhiều cán bộ và người dân mở điện thoại, máy tính bảng cho xem rất nhiều thông tin về hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội dầm mình trong dòng nước lũ đục ngàu đưa người dân đến nơi an toàn; trần mình dọn dẹp bùn đất, cây que từ công sở cho đến nhà dân. Ông Chế Huy Ba, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái là người nhiều lần cùng các đoàn công tác tham gia PCTT-TKCN nên có không ít hình ảnh, tư liệu về những trận lũ lịch sử từ năm 2017 đến nay. Trong những hình ảnh tư liệu đó, nổi bật nhất vẫn là những chiến sĩ quân đội và dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Chế Huy Ba bày tỏ: “Trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị thuộc Quân khu 2 đã điều động 15.500 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm phương tiện kỹ thuật về với bà con. Với tinh thần vì nhân dân, coi người dân như người thân, coi khó khăn của dân chính là khó khăn của mình, cho dù đôi lúc hiểm nguy rình rập các chiến sĩ đã vượt đèo cao, đường đất cheo leo, trơn trượt để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp thêm động lực cho người dân trong vùng bão lũ vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước ổn định cuộc sống".

 LLVT địa phương đi đầu trong cứu giúp nhân dân

Trở lại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn những ngày cuối tháng 10-2019, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất được coi là “rốn lũ”, mà còn khâm phục bởi nghị lực vượt khó của bà con nơi đây. Cả một bản ngổn ngang bùn, đất đá, cây đổ do lũ quét ngày nào giờ thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, những thửa ruộng lúa chín vàng đang vào mùa thu hoạch. Kết quả đó là sự đồng lòng, góp sức của bộ đội và nhân dân trong những ngày vất vả khắc phục hậu quả thiên tai.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái giúp dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn dựng lại nhà, tháng 7-2018.

Nhấp chén chè tươi vàng óng, còn nóng hổi ông Hà Văn Huyên, Trưởng bản Tủ, kể: "Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, rạng sáng ngày 20-8-2018, một trận lũ ống kinh hoàng từ đâu kéo đến san phẳng gần hết nhà cửa, tài sản của bà con. Bản Tủ có 69 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái đã bao đời nay sống yên bình dưới chân núi Khe Ma. Vậy mà chỉ trong phút chốc lũ ống đã cuốn phăng mọi thứ của người dân, làm chết và mất tích 3 người, 17 ngôi nhà bị trôi và sập. Nhờ chính quyền địa phương, nhất là cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã có sự cảnh báo, di chuyển kịp thời nên chỉ thiệt hại có vậy, nếu không hậu quả sẽ rất khủng khiếp".

Gặp bà Lò Thị Hành, nhà ở bản Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu sau đúng hai năm cơn bão số 10 xảy ra năm 2017, chúng tôi thấy bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn trước. Bà Hành chia sẻ: "Năm ấy, nghe cán bộ địa phương và bộ đội, dân quân, gia đình tôi chuyển nhà đến nơi ở mới an toàn, không còn cảnh sống trong thấp thỏm lo âu nữa". Trước đây gia đình bà Hành có ngôi nhà sàn đẹp ở ngay dưới chân một quả đồi cao được xây dựng từ đầu những năm 1990, nhưng chỉ trong vòng tháng 10 và tháng 11-2017, trên địa bàn xảy ra mấy cơn bão, rồi lũ ống, lũ quét. Cán bộ địa phương nhận thấy quả đồi sau nhà bà có nhiều vết nứt chân chim, nguy cơ sạt lở cao, nên trước cơn bão số 10 đã vận động gia đình bà Hành chuyển nhà đến chỗ an toàn. Quả đúng như nhận định, khi người, tài sản, nhà cửa được chuyển đi thì một ngày sau cơn bão ập đến, mưa lớn kéo dài và quả đồi đã sạt lở đúng chỗ nhà bà từng ở. Nét mặt bà Hành như tươi vui hẳn lên và nói với chúng tôi: “Từ ngày đến nơi ở mới cả nhà ai cũng yên tâm, sống vui vẻ khỏe mạnh, trồng trọt, chăn nuôi đều thuận lợi”. 

Đại tá Lê Văn Trung, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cho biết: "Việc tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ không chỉ là chức năng, nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” của quân đội, mà còn là tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân. Do vậy, dù ngày hay đêm, mùa đông hay mùa hè, khi nào có tình huống xảy ra, cho dù ở gần hay xa, khu vực trung du hay núi cao hẻo lánh, cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng cơ động, hướng về cơ sở, đến với người dân. Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên bổ sung kế hoạch, phương án, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện; phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra, tất cả vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân".

Làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái chúng tôi nhận thấy LLVT tỉnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác PCLB-TKCN. Bên cạnh đó cán bộ, chiến sĩ LLVT thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nắm bắt được tác động và những thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bộ đội còn tích cực vận động người dân tham gia trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khuyến khích tái trồng rừng, phát triển kinh tế rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai. Cơ quan quân sự các huyện, thành phố, thị xã đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm cải tạo, nâng cấp, tu bổ, xây mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê, kè sông, suối, bảo đảm ứng phó hiệu quả với lũ lụt, hạn hán, trong điều kiện biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; đầu tư các mô hình công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào dự báo, cảnh báo, đo đạc, giám sát thiên tai, khí tượng thủy văn liên quan đến sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy, bồi lắng, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: "Với đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng nên hàng năm Yên Bái đều bị ảnh hưởng của mưa lũ. Có những năm Yên Bái phải hứng chịu nhiều trận, thậm chí còn lũ chồng lũ. Nhưng trong gian khó, hiểm nguy và bão lũ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng và để lại dấu ấn thực sự xúc động trong lòng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Việc làm đó góp phần bồi đắp thêm tình cảm quân dân ngày càng thân thiết".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN