 |
Ba du kích tham gia trận đánh ôn lại kỷ niệm bên trận địa năm xưa. Ảnh: Thiện Minh.
|
Cuộc vây hãm bất ngờ
Chúng tôi đến nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam vào một buổi chiều tà, cái nắng xế chiều của ngày hè xen lẫn làn khói hương trầm nghi ngút làm cho làng quê nơi đây càng thêm yên tĩnh. Cùng cán bộ xã và những du kích năm xưa thắp hương cho các liệt sĩ, chúng tôi càng thấy rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Trong 150 phần mộ yên nghỉ tại nghĩa trang, có 47 liệt sĩ cùng hy sinh ngày 3-7-1954 trong trận chiến đấu với quân Pháp tại xóm Buộm, trong đó 45 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 vẫn chưa xác định được tên, gia đình, quê quán.
Qua tìm hiểu tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hoàng Tây và chuyện kể của các du kích Lê Văn Bao (83 tuổi), Vũ Thị Kim Vinh (84), Vũ Thị Trịnh (83 tuổi) trực tiếp tham gia trận đánh tại xóm Buộm đã giúp chúng tôi tái hiện trận đánh bi hùng này.
Xã Hoàng Tây nằm ở phía Đông Bắc huyện Kim Bảng, hai bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm huyện 7km. Phía Đông giáp hai xã Hoàng Đông, Tiên Tân thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam. Địa hình đồng bằng nhưng có vị trí quân sự trọng yếu. Từ Hoàng Tây có thể quan sát tình hình địch và chia cắt Quốc lộ 1A khi chúng rút từ Nam Định lên Hà Nội.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, quân Pháp tại Hà Nam tư tưởng đều đã rệu rã. Để mở đường cho cuộc rút chạy của chúng, vào lúc 5 giờ sáng ngày 3-7-1954 địch mở đợt hành quân bằng 20 xe lội nước từ thành phố Phủ Lý tiến sâu vào địa phận huyện Kim Bảng. Đội hình hành quân của địch từ Phủ Lý qua Ba Đa đến Kim Bình và chia thành hai mũi: Mũi thứ nhất qua thôn Trung Đồng, xã Văn Xá về xã Hoàng Tây; mũi thứ hai qua xã Kim Thanh lên xã Văn Xá đánh về xã Ngọc Sơn. Địch điều một tiểu đoàn bộ binh đóng ở bốt Nhật Tựu rải quân từ Yên Phú đến thôn Điền Xá, xã Văn Xá. Trên không chúng cho máy bay trinh sát, máy bay B26 ném bom.
Trung tuần tháng 6-1954, một Đại đội của Sư đoàn 325 được cấp trên giao nhiệm vụ đóng quân tại xã Hoàng Tây, làm nhiệm vụ quan sát tình hình địch và đánh chia cắt địch tại đường 1 khi chúng rút từ Nam Định lên Hà Nội. Bộ đội chủ lực và du kích bố trí thành các cụm chiến đấu ngoài sông Nhuệ, phát hiện địch hành quân bằng xe lội nước ta rút về xóm Đông, sang xóm Buộm. Xe lội nước của địch hành quân từ Kim Bình lên Đình Si, thấy bộ đội ta rút sang xóm Buộm chúng rừng lại quan sát, gọi pháo binh ở bốt Nhật Tựu bắn về, phối hợp với pháo trên xe, pháo 37mm và bộ binh đồng loạt tiến công vào trận địa của ta tại xóm Buộm. Sau các đợt pháo kích, chúng dồn tiểu đoàn bộ binh và quân từ các xe lội nước tỏa ra càn quét vây hãm.
Trước sức tấn công ồ ạt của kẻ thù, với tinh thần quả cảm, kiên trung, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với du kích Hoàng Tây, khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu. Thế trận diễn ra quyết liệt giữa kẻ thù hung bạo, được trang bị vũ khí hiện đại, quân số đông với một bên là lực lượng cách mạng chiến đấu gồm 2 thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến không cân sức diễn ra dai dẳng, quyết liệt, ta không chịu lùi bước trước sức tiến công của kẻ thù, quyết tâm chốt giữ từng ngôi nhà, từng ngõ xóm. Bộ đội cùng du kích đã tận dụng những vũ khí thô sơ như gạch, đá, cối xay lúa để chiến đấu với địch, đã gây cho chúng nhiều tổn thất và thương vong.
Với khí thế chiến đấu anh dũng của bộ đội chủ lực, du kích và nhân dân Hoàng Tây; địch bị tổn thất nặng và rút chạy, chúng điều máy bay trực thăng từ Hà Nội xuống vận chuyển thương binh, trong đó có một tên chỉ huy người Pháp. Trong trận chiến đấu này, 45 bộ đội chủ lực thuộc một Đại đội của Sư đoàn 325 và 2 du kích xã Hoàng Tây là Nguyễn Văn Can, Lê Văn Nhân đã anh dũng hy sinh; 4 du kích xã bị thương.
 |
Cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân xã Hoàng Tây thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Thiện Minh.
|
Ký ức người ở lại
Chúng tôi cùng ba cựu du kích tham gia trận đánh năm xưa trở lại giếng đình Buộm nơi địch tạm tập kết tù binh sau trận đánh, nhìn về phía trận địa, Cụ Vũ Thị Trịnh hồi tưởng: “Bộ đội chủ lực ngày ấy tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí đại đội trưởng tên Lễ còn nhận làm con nuôi bố tôi, phần lớn chưa lập gia đình, là người miền Trung vì nói tiếng Nghệ An, Quảng Trị… Các anh chiến đấu ngoan cường lắm, tổ Trung liên chúng pháo địch hy sinh hết, các anh ở phía sau lại xông lên, dùng hỏa lực đẩy lùi các đợt tiến công. Tôi bị thương, địch bắt về bên bờ giếng này tra hỏi, tôi chỉ nhận mình là dân trong thôn, song chúng vẫn bắt lên xe trở về Hỏa Lò giam giữ”.
Còn cụ Vũ Thị Kim Vinh mắt rớm lệ: “Địch bắt chị em tôi làm tù binh trong cùng chuyến xe, Tôi nằm tầng dưới thấy máu chảy xuống chỉ lo em tôi không qua khỏi. Ngày địch trao trả tù binh em tôi còn chưa đi được, tôi phải tìm đường về quê báo tin để gia đình lên đón. Chị em tôi còn may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống, những người con đến từ các địa phương trong cả nước, tuy không sinh ra cùng ngày, tháng nhưng lại mất vào buổi sáng ngày 3-7”.
Cụ Lê Văn Bao bùi ngùi: “khi chiến đấu hết đạn, bị địch dồn vào đường cùng, tôi cùng đồng chí Vũ Văn Thuyết du kích xã nhảy xuống ao bèo trước đình Buộm ẩn nấp, ngày đó ao đình rất sẵn đỉa trâu (đỉa cù) nên chúng tôi phải dùng cóng bèo đút nút lỗ tai, hậu môn, còn thân người mặc cho đỉa cắn. Quá trưa địch rút quân, mắt tôi mờ đi vì đói và mệt, song khi nhận nhiệm vụ an táng các liệt sĩ, tôi cùng anh em du kích và nhân dân địa phương nhanh chóng dỡ cửa đình, vách đình ghép lại chôn cất các liệt sĩ, ván không đủ nên cứ bốn đồng chí chung một mộ.
Đã 65 năm trrôi qua. Những người con của quê hương Hoàng Tây trực tiếp tham gia và chứng kiến thời khắc bi hùng của trận chiến này giờ đây cũng ở cái tuổi ngoài tám mươi, trên mảnh đất này có lẽ không trận đánh nào lại mất mát đau thương nhiều đến thế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Tây luôn khắc ghi xương máu của các liệt sĩ đã ngã xuống trên quê hương mình; đây như là biểu tượng anh hùng cách mạng để lớp lớp những người con quê hương noi theo, làm hành trang trong cuộc đời quân ngũ.
Mong một tượng đài
Cuối tháng 4-2019, trong khi sưu tầm “Một số trận đánh điển hình của quân và dân tỉnh Hà Nam (1945-1975)” trên địa bàn huyện Kim Bảng chúng tôi được đồng chí Nguyễn Trần Khuê, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hoàng Tây gửi thư cung cấp tài liệu chiến tranh trong kháng chiến chống Pháp của các cụ: Lê Văn Bao, Vũ Thị Trịnh, Vũ Thị Kim Vinh, trong thư có đoạn: “Ngày nay, mỗi năm đến ngày 3-7 khi đi qua trận địa, mỗi lần thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, nhìn phần mộ các anh thấy vẫn mang dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”mà lòng xót xa vô hạn và lại đặt câu hỏi sao các anh lại cứ vô danh mãi thế này? Vì thế lúc nào chúng tôi cũng luôn mong đợi có đồng đội nào của Sư đoàn 325, có thân nhân nào của các anh đến đây để nghe chúng tôi kể về những ngày các anh đã sống và chiến đấu ở quê hương chúng tôi. Chúng tôi đã đợi rất lâu rồi, tuổi cũng đã cao, e không còn nhiều thời gian nữa. Chúng tôi rất mong trận địa nơi đây có được một tấm bia ghi chiến công của các anh hùng liệt sĩ làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ sau”.
Cụ Nguyễn Thị Ơn 84 tuổi, thủ nhang chùa Buộm bày tỏ: Cứ ngày rằm, mùng một, lễ, tết nhà chùa đều thắp hương, cúng lễ, cầu mong hương hồn các liệt sĩ được ấm lòng nơi chín suối. Mong sao sớm có một công trình khắc ghi sự hy sinh anh dũng này.
Theo đồng chí Trần Văn Thắng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Tây thì vào năm 1995, lúc đó anh làm cán bộ Thương binh xã hội, có một thân nhân liệt sĩ từ Quảng Trị mang giấy báo tử đến báo có thân nhân hy sinh trên địa bàn xã, song không thể tìm được phần mộ, nên từ đó không thấy quay lại địa phương tìm. Mặc dù địa phương kinh tế còn khó khăn, nhưng nghĩa trang liệt sĩ được UBND xã đầu tư xây dựng khang trang.
Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, UBND xã đã tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ. Chính quyền và nhân dân trong xã cũng mong có một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này, để đến ngày lễ, tết, ngày rằm và trong ngày giỗ chung, thắp cho các anh nén hương thơm thể hiện lòng thành kính, biết ơn các anh đã vì dân, vì nước vì quê hương Hoàng Tây mà anh dũng hy sinh...
Ghi chép của LÊ MINH THIỆN