Sinh ra trong một gia đình khá giả và đã từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan, nhưng năm 2014, Lê Quang Huy vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ để thỏa ước mơ được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, Huy được Lữ đoàn Thông tin 132 cử đi học sơ cấp quân khí bộ binh tại Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, sau khi tốt nghiệp, anh trở về đơn vị công tác.

Tôi đã nhiều lần hỏi Huy: “Công việc của một nhân viên quân khí gần như chiếm trọn sức lực, thời gian rồi. Huy tự học nghề da thủ công, mở xưởng, truyền nghề cho người khác bằng cách nào?”. Huy khiêm tốn "bật mí: Nghề thủ công nào cũng vậy, ngoài sự tinh tế, khéo léo cần phải yêu nghề và kiên trì với nó. Tôi mê nghề da thủ công từ nhỏ và tự học qua mạng Internet. Nhưng đó cũng chỉ là sở thích và ý định ban đầu, sau khi nhập ngũ và được phục vụ lâu dài trong quân đội, tôi nhận thấy mình may mắn vì có một công việc ổn định. Còn rất nhiều người không có việc làm, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ, thế là tôi quyết định khởi động lại dự án làm đồ da thủ công.

Thiếu úy Lê Quang Huy cầm tay hướng dẫn anh Nguyễn Văn Thành làm sản phẩm.

Con đường Lê Quang Huy chọn là một ngày phải làm việc bằng 2, công việc ở đơn vị thường được anh sắp xếp, thực hiện và hoàn thành trong giờ hành chính. Giờ nghỉ, ngày nghỉ, Huy dành cho việc tự học, tự làm các sản phẩm yêu thích. Có khi anh dành những ngày nghỉ quý giá trong cả năm trời chỉ để học và làm thành thạo một sản phẩm. Khi tự tin có thể làm các sản phẩm chất lượng bán ra thị trường, đầu năm 2018, Huy mở xưởng với tên gọi Lê Gia, tại số 644, đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai trong niềm vui mừng, hạnh phúc của ba mẹ, bạn bè, đồng chí, đồng đội. Cũng từ đó, xưởng của Huy trở thành điểm đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật muốn học nghề và làm việc. Hiện đã có 15 người được Huy đào tạo nghề thành công, trong đó, có 2 người ra mở xưởng riêng, số còn lại làm tại gia đình hoặc đi làm cho các xưởng trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên và 4 người khác đang là những nhân công chính của xưởng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là con số này chưa dừng lại ở đây, tiếng lành đồn xa, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật trong vùng đang tìm đến với Huy như một sự “cứu cánh” cho cuộc đời của họ.

Chị H’Tinh, sinh năm 1992, trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai - người được Huy dạy nghề và nhận vào làm ở xưởng tâm sự: “Mặc dù tôi đang làm Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng, nhưng con còn nhỏ, không đủ trang trải trong gia đình. Tôi được Huy dạy nghề và nhận vào làm tại xưởng những lúc rảnh rỗi để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thời gian đầu, tôi thường cắt vật liệu sai nên có khi phải bỏ đi những miếng da có giá trị cao nhưng Huy vẫn kiên trì hướng dẫn và giúp đỡ tôi. Tôi cảm phục và biết ơn anh ấy nhiều lắm”.

Khi chúng tôi đang tham quan xưởng thì có người gọi cửa, Huy đi nhanh ra để mở và bế vào một người đàn ông. Người được Huy bế trên tay là anh Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1991, ở thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Thành bị liệt nửa người phải ngồi xe 3 bánh, nhưng khi biết Huy dạy nghề cho người khó khăn, khuyết tật thì anh quyết tâm theo học. “Bây giờ thì tôi có thể tự làm và bán sản phẩm ở nhà rồi. Những sản phẩm khó, đòi hỏi kỹ thuật cao tôi mới xuống để Huy chỉ thêm cho”, anh Thành vui mừng cho biết.

Huy đứng cạnh không nói gì chỉ thấy anh nở một nụ cười hạnh phúc. Nhưng chúng tôi biết, hơn 4 tháng nay, chính tay Huy bế Thành vào nhà và dạy nghề cho anh. Đến bữa, Huy còn lấy cơm cho Thành ăn, chăm sóc anh như một người thân trong gia đình. Giờ đây, Thành đã có thể tự mở xưởng kiếm sống, đó là điều Huy hạnh phúc nhất.

Hiện nay, những sản phẩm của xưởng Lê Gia như: dép, ba lô, túi xách nam (nữ), ví nam (nữ), dây lưng, ốp điện thoại, móc khóa… dần được thị trường trong tỉnh Gia Lai và một số tỉnh lân cận biết đến. Huy hướng đến mục tiêu sản phẩm thương hiệu Lê Gia có thiên hướng nghệ thuật, tinh xảo và đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thương hiệu Lê Gia còn mang một ý nghĩa nhân văn của người lính trẻ là vì cộng đồng và những mảnh đời bất hạnh, khó khăn.

“Những việc làm của Lê Quang Huy rất đáng được khích lệ. Quý giá hơn khi Huy là một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, lại công tác trong quân đội, công việc vất vả, thời gian nghiêm ngặt nhưng vẫn sống và cống hiến vì mọi người”, Đại tá Lê Xuân Tuyên, Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 132 nói với chúng tôi như vậy. Và chúng tôi cũng không biết nói gì hơn, chỉ tin tưởng và chờ đợi những việc làm tỏa sáng, nhân văn của người lính Cụ Hồ Lê Quang Huy...

Bài và ảnh: LỮ HỒNG