Thiếu thao trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng huấn luyện cũng như việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) ở các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, xã Mỹ Lương thuộc huyện miền núi Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đã có cách làm sáng tạo, xây dựng được thao trường đủ điều kiện cho các hoạt động huấn luyện, rèn luyện của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương.

Không có thao trường là trở ngại lớn

Hai chục năm trước, chàng trai người Mường Đặng Văn Phú hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương Mỹ Lương. Anh được cấp ủy địa phương bố trí tham gia công tác, rồi được cử đi đào tạo cán bộ quân sự địa phương và trở thành cán bộ nòng cốt của xã. Vốn sinh ra và lớn lên từ Mỹ Lương, lại có hơn chục năm gắn bó với công tác quân sự tại xã nhà, anh Phú thân thuộc từng quả đồi, con rộc của làng trên xóm dưới, hiểu rất rõ điều kiện của địa phương, nhất là việc tổ chức các hoạt động QS, QP sao cho hiệu quả.

Anh Phú cho biết, Mỹ Lương là xã đặc biệt khó khăn, dân cư chưa quá đông, tỷ lệ đồi rừng lớn. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đồi rừng đã giao các hộ gia đình quản lý, canh tác, trồng rừng nên quỹ đất công hầu như không còn. Trong khi nhu cầu bảo đảm thao trường huấn luyện cho lực lượng dân quân xã đòi hỏi lớn. Ngoài tổ chức huấn luyện cho LLVT trong xã, hằng năm, Mỹ Lương còn được trên chỉ định đăng cai các hoạt động QS, QP, tập huấn, huấn luyện LLVT của 3 xã thuộc vùng thượng huyện Yên Lập (gồm: Lương Sơn, Mỹ Lương, Mỹ Lung). Theo chương trình huấn luyện, có đợt trên dưới 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Vì thế, hơn chục năm làm phó chỉ huy trưởng ban CHQS xã, năm nào anh Phú cùng ban chỉ huy cũng phải đôn đáo lựa chọn địa điểm, lựa thời gian xây dựng kế hoạch huấn luyện, mượn bãi đất đang canh tác của dân hoặc sân nhà văn hóa các khu để xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện. Có những nội dung huấn luyện kéo dài nửa tháng mà mượn của dân thì phải lựa thời gian để không ảnh hưởng đến hoa màu, thời vụ của bà con. Ban chỉ huy nhận định, không có thao trường sẽ không chủ động được kế hoạch huấn luyện, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả huấn luyện và đó cũng là trở ngại trong công tác quân sự ở xã nhà. Thành thử, thời kỳ ấy, trong tham mưu cho địa phương tổ chức huấn luyện của ban CHQS xã đều gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí có những nội dung phải hoãn hoặc huấn luyện… chay!

leftcenterrightdel
Nhờ vận động nhân dân hiến đất, hiện nay lực lượng dân quân xã Mỹ Lương đã có thao trường huấn luyện quân sự tập trung.

Có được kiến thức trong thời gian tại ngũ và được đi đào tạo nên anh Phú nắm chắc yêu cầu về địa điểm, sân bãi huấn luyện và ước ao có một thao trường, bãi tập ngay tại xã nhà để tổ chức huấn luyện có hiệu quả. Từ ước ao trở thành ý tưởng, rồi “ngắm nghía” địa bàn đến hơn chục năm, suốt thời kỳ anh giữ chức Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, chờ cơ hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Vận động người dân hiến đất xây dựng thao trường

Tuổi thơ Đặng Văn Phú cùng chúng bạn chăn trâu, chơi trò trận giả tại khu Gò Lem-Đồng Ve thuộc xã Mỹ Lương. Ở đó có triền đồi dốc nhân dân trồng sắn với những ruộng rộc cấy lúa, có độ sâu, ba bề là đồi cao, Phú nhận thấy nơi đây đủ điều kiện làm bệ chắn khi bắn đạn thật.

Sau khi cùng vài chiến sĩ dân quân có kinh nghiệm huấn luyện khảo sát, đo vẽ trên thực địa, anh mang sơ đồ cùng ý tưởng thống nhất trong Ban CHQS xã báo cáo Đảng ủy, UBND xã. Ý tưởng ấy lập tức được cấp ủy, chính quyền địa phương chấp thuận, sau đó xây dựng thành chủ trương, báo cáo thông qua HĐND xã, quy hoạch khu đất Gò Lem-Đồng Ve thành khu đất dành cho quân sự. Băn khoăn trăn trở lớn nhất là việc trưng dụng đất, tiền đâu đền bù giải phóng đất đang canh tác, trồng lúa, trồng màu cho người dân khu Gò Lem-Đồng Ve, trên dưới 2ha chứ chẳng ít gì.

Ông Nguyễn Hữu Quyền thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã trao đổi, trên cơ sở Ban CHQS xã tham mưu, cấp ủy chính quyền địa phương phối hợp với ban công tác mặt trận các khu, tổ chức các đoàn đến từng gia đình có đất canh tác ở khu vực để vận động, thuyết phục người dân hiến đất làm thao trường. Người dân rất giác ngộ, khi được chính quyền địa phương trao đổi về vấn đề trưng dụng đất làm thao trường, thấy có lợi cho địa phương, cho chính con em họ khi tham gia dân quân nên ủng hộ ngay mà không đòi hỏi đền bù.

Chủ trương đã đúng, lòng dân đã thuận, nhiều người dân xung phong hiến đất. Ông Phan Văn Bộ, thôn Đồng Ve hiến hơn 1.000m2, ông Hà Văn Bát hiến khoảng 500m2. Hai ông đều từng tham gia LLVT địa phương, thấu hiểu khó khăn không có nơi huấn luyện nên sẵn sàng hiến đất, không cần đền bù; thậm chí gia đình còn tham gia quyên góp ngày công san gạt xây dựng thao trường cùng ban CHQS xã.

Chỉ huy trưởng Đặng Văn Phú cho biết, hơn một năm trước, chuẩn bị mùa huấn luyện 2018 cũng là lúc triển khai xây dựng thao trường, anh trực tiếp đi đến một số công ty, xí nghiệp vận động ủng hộ vật chất, nhờ được hai chục ca máy xúc cùng hơn 300 ngày công của dân quân, thanh niên, phụ nữ và người dân tự nguyện tham gia san gạt, đào đắp bệ bắn, thao trường dần hình thành. Vào huấn luyện, dân quân đề nghị được tham gia thêm ngày công để xây dựng và củng cố thao trường, bãi tập. Cơ ngơi thao trường sau triển khai giai đoạn một có thể sử dụng huấn luyện tốt, ngoài sức dân, sức quân ủng hộ, đóng góp thì kinh phí hầu như chưa phải chi phí gì nhiều.

Kế hoạch huấn luyện năm 2018, bắn đạn thật mùa đầu tiên, dân quân được thực hành ngay trên thao trường mới ở quê hương mình nên rất phấn khởi và bảo đảm chất lượng tốt. Đến nay, sau gần hai năm triển khai xây dựng, thao trường huấn luyện của dân quân xã Mỹ Lương ngày càng hoàn thiện, trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động QS, QP khu vực thượng huyện Yên Lập.

Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Lập: Từ mô hình hiến đất xây dựng thao trường của Ban CHQS xã Mỹ Lương, cơ quan sẽ đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện phổ biến, nhân rộng. Đây chính là sự chủ động, sáng tạo của cán bộ quân sự ở cơ sở, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với nhiệm vụ QS, QP, là kết quả toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở xã miền núi Mỹ Lương.

Bài và ảnh: ĐỨC ĐÀO