Nặng lòng với công tác chính sách

Nhắc đến Thiếu tá QNCN Ngô Mạnh Thắng, rất nhiều người dù có khó tính đến mấy cũng cảm phục đức tính ân cần, nhẹ nhàng và tinh thần hết lòng vì công việc của anh. Công tác chính sách đến với anh như một “cơ duyên” và chỉ có những người thực sự sâu lặng nghĩa tình mới may mắn có được.

Ngô Mạnh Thắng sinh ra và lớn lên ở vùng đất bãi xã Liên Châu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Sau khi học xong lớp 12, tháng 3-1991 anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong hơn một năm tại ngũ, thủ trưởng đơn vị nhận thấy Thắng là người rất cẩn thận, tận tâm từ những công việc nhỏ nên đã cử anh đi học lớp sơ cấp sửa chữa vô tuyến điện thông tin trên xe tăng-thiết giáp. Ra trường anh được điều động về Xưởng X78, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 công tác. Đến tháng 4-1997 anh được điều về công tác Trung đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc.

 Thiếu tá quân QNCN Ngô Mạnh Thắng hướng dẫn thực hiện chế độ các đối tượng chính sách.

Những năm 2000, Nhà nước ban hành nhiều chính sách tri ân những người đã một thời cống hiến tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là các quyết định: 47, 290, 142, 62… của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chính sách rất cần một người nhân viên không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm, cẩn trọng trong công việc mà phải thật tận tâm trong sáng. Vì giải quyết chế độ chính sách là thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ người dân, chỉ cần một thái độ, cử chỉ hay lời nói không đúng mực sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Tuy là nhân viên thông tin, nhưng Ngô Mạnh Thắng là sự lựa chọn duy nhất của cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Ngay từ những ngày đầu làm việc, Ngô Mạnh Thắng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp và người dân địa phương. Anh luôn tâm niệm giải quyết chế độ chính sách là phải đúng quy định nhưng làm sao phải kịp thời, chính xác thì việc giải quyết mới có ý nghĩa.

Thấm thoắt đến nay đã có gần 17 năm làm công tác chính sách, Ngô Mạnh Thắng không nhớ mình đã gặp gỡ bao nhiêu người, tiếp nhận, giải quyết bao nhiêu bộ hồ sơ, mà chỉ biết rằng khi những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ hỏi gì, cần làm hồ sơ để hưởng các chế độ theo quy định, anh đều nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ với tấm lòng và trách nhiệm cao nhất. Để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho các đối tượng, Ngô Mạnh Thắng đã chủ động học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn ở địa phương một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

 Coi đối tượng chính sách như người thân của mình

Ngô Mạnh Thắng có bố đẻ, bố vợ đều là thương binh, bệnh binh và chú ruột là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên anh càng thấu hiểu nỗi đau mà chiến tranh để lại. Anh luôn đặt mình vào những hoàn cảnh cụ thể để tận tâm, tận lực nghiên cứu, hướng dẫn và giải quyết các vấn đề có liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn của người thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì thế, mỗi khi có người đến gặp, anh luôn niềm nở, nhiệt tình đón tiếp, giải thích cặn kẽ, coi họ như chính người thân của mình. Không ít người tuổi đã cao, bị thương tật, trí nhớ kém lại mất hết giấy tờ tùy thân, nhưng được anh xác minh, hướng dẫn chu đáo để sớm hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ theo đúng quy định.

Ông Lâm Anh Sơn, 69 tuổi, quê ở xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô là một trong những người như thế. Ông Sơn bị thương từ khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày đất nước được giải phóng, đơn vị cũ của ông giải thể. Bởi thế, hồ sơ, giấy tờ của ông bị thất lạc. Ông và gia đình nhiều lần liên hệ tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Đầu năm 2016, ông Sơn đã đến Ban Chính sách muốn được hỗ trợ, hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết. Chia sẻ với những thiệt thòi của ông, Ngô Mạnh Thắng nhanh chóng xác minh, thẩm định và hướng dẫn cặn kẽ ông Sơn hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp trên xét duyệt. Đến tháng 7-2017, ông Sơn được công nhận và hưởng chế độ thương binh hạng ¾. Ông Lâm Anh Sơn chia sẻ: “Tôi thiệt thòi vì bị thất lạc giấy tờ, nhưng may mắn lại gặp được anh Thắng. Anh ấy chu đáo, ân cần giúp đỡ tôi như người thân trong nhà. Tôi không chỉ phấn khởi phần vì được công nhận thương binh, mà còn thực sự xúc động trước những cử chỉ, tình cảm mà anh Ngô Mạnh Thắng đã dành cho những cựu chiến binh cao tuổi như chúng tôi”.

Một trường hợp chắc sẽ còn nhớ mãi về Ngô Mạnh Thắng, đó là thương binh nặng Chu Văn Khái, ở xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường. Chuyện là, trong một lần đi cơ sở công tác, tình cờ Ngô Mạnh Thắng bắt gặp một ngôi nhà cấp bốn cũ nằm sâu trong ngõ đã xập xệ, có nguy cơ sụp mái bất cứ lúc nào. Hỏi chuyện, anh biết đó là nhà của thương binh Chu Văn Khái. Ông Khái có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ đã mất, các con đi làm ăn xa, nên chỉ mình ông ở nhà. Về cơ quan cả đêm hôm ấy Ngô Mạnh Thắng trằn trọc khó ngủ. Ngay hôm sau anh báo cáo lãnh đạo và cơ quan phối hợp với chính quyền địa phương thẩm định, khảo sát thực tế, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất cấp trên xem xét xây nhà tình nghĩa tặng ông Chu Văn Khái. Chỉ sau một tuần mọi thủ tục hỗ trợ kinh phí xây nhà tặng ông Khái được hoàn tất. Theo đó, ông Khái được hỗ trợ 70 triệu đồng cùng với số tiền mà anh em họ hàng nội ngoại giúp đỡ hơn 100 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng 70m2 hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của đại gia đình và bà con xóm giềng.

Trung tá Đinh Đức Thiện, Trưởng Ban chính sách, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thiếu tá QNCN Ngô Mạnh Thắng là tấm gương tiêu biểu trong lối sống và công tác. Anh đã nhiều lần tham gia giao lưu, tọa đàm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Được giao bất cứ nhiệm vụ gì, dù thường xuyên hay đột xuất, Thiếu tá QNCN Ngô Mạnh Thắng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, cầu thị ham học hỏi với mục tiêu cao nhất là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Với những thành tích xuất sắc từ năm 2014 đến nay anh đã 3 lần được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cơ sở; được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, Thiếu tá QNCN Ngô Mạnh Thắng vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN