Huấn luyện bay thuần thục

Thực hiện kế hoạch huấn luyện hằng năm, Trung đoàn 917 đã tổ chức hiệu quả các khoa mục huấn luyện TKCN, cấp cứu, như: Bay hạ cánh bãi ngoài ngày và đêm, bay hạ cánh trên nhà giàn DK1 và tàu LST, bay treo cao trên đất liền, bay treo cẩu cấp cứu người trên biển, bay đường dài trên biển… Qua thực hành huấn luyện đã rèn luyện cho các tổ bay thành thạo các khoa mục, từ đó giúp phi công và nhân viên hàng không dễ dàng tiến nhập vào bất kỳ bãi hạ cánh nào trên biển, nhà giàn DK1 và trên tàu. Đồng thời ứng dụng một cách thuần thục vào các trường hợp cấp cứu ngư dân bị trôi dạt trên biển, cũng như rèn luyện cho phi công và tổ bay làm quen với điều kiện công tác nhiều giờ trên biển xa; tăng khả năng chịu đựng, khả năng thao tác cũng như khả năng phán đoán trong điều kiện không có địa tiêu và sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện khí tượng.

Nói về những kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, Trung tá Ngô Hồng Sơn, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn, Trung đoàn 917, cho biết: “Khi bay cấp cứu trên biển, do không có địa tiêu chuẩn nên cảm giác của phi công phải cực kỳ tốt để khi vào treo cẩu xác định đúng cự ly từ máy bay đến đối tượng. Để làm tốt điều đó đòi hỏi phi công và tổ bay phải được huấn luyện thường xuyên, kỹ càng, phải được tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thông qua quá trình diễn tập và thực thi nhiệm vụ”.

Thượng tá Nguyễn Đức Tải, Chủ nhiệm Dẫn đường Trung đoàn 917 cho biết thêm: “Ngoài việc được huấn luyện thuần thục các khoa mục nói trên, tất cả thành viên tổ bay khi làm thực hiện nhiệm vụ bay TKCN, cấp cứu trên biển phải có bản lĩnh vững vàng, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao, nắm bắt tốt kỹ thuật hàng không, biết sử dụng thành thạo các thiết bị trên máy bay và phải có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ bay”.

Bộ đội Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 chuyển bệnh nhân từ trực thăng về Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu, điều trị.

Đối với máy bay, theo Thượng tá Đào Văn Bình, Phó trung đoàn trưởng Kỹ thuật, máy bay và phương tiện kỹ thuật phải được kiểm tra hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ. Máy bay phải có ắc quy dự phòng, được lắp thêm thùng dầu phụ và có đầy đủ trang thiết bị sửa chữa hỏng hóc. Đồng thời cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin liên lạc, phao máy bay, áo phao cá nhân, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết... Mặt khác, tổ bay phải bố trí thêm một nhân viên kỹ thuật hàng không để phối hợp với cơ giới trên không khắc phục kịp thời những hỏng hóc có thể phát sinh trong suốt chuyến bay.

Mệnh lệnh từ trái tim

Đại tá Đỗ Thanh Hồng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị đã thực hiện rất nhiều chuyến bay tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên các vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc. Trong những chuyến bay đó có những chuyến bay đến các đảo xa, như đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) với chặng bay hơn 1.600km. Những chuyến bay nhanh chóng, kịp thời đã góp phần không nhỏ đến việc cứu sống các bệnh nhân nặng, tiếp thêm niềm tin, động lực cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo xa và ngư dân đang ngày đêm bám biển ngoài khơi”.

Từ năm 2013 đến nay, Trung đoàn 917 đã thực hiện thành công hơn 20 chuyến bay cấp cứu bệnh nhân trên biển xa. Tham gia thực hiện các chuyến bay cấp cứu ở biển, đảo xa xôi với sự tham gia của nhưng phi công và thành viên tổ bay dày dạn kinh nghiệm bay biển, như: Đại tá Đỗ Thanh Hồng, Trung đoàn trưởng; Thượng tá Phạm Huy Bình, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; Trung tá Ngô Hồng Sơn, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn; Thiếu tá Trương Thanh Bình, Phi đội trưởng Phi đội 1; Thiếu tá Trần Minh Phú, Phi đội trưởng Phi đội 2... Không chỉ có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ bay biển dày dạn, mà để thực hiện tốt các chuyến bay cấp cứu biển xa, mỗi cán bộ, phi công, nhân viên tổ bay còn cần có một trái tim dũng cảm, một bản lĩnh vững vàng và tình thương, trách nhiệm lớn lao đối với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Bởi các chuyến bay cấp cứu biển xa thường diễn ra trong nhiều giờ liên tục, điều kiện khí tượng thay đổi bất thường và nhanh chóng, nhất là những chuyến bay trong điều kiện áp thấp nhiệt đới, mưa gió lớn, biển động, gây ra rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho tổ bay và kíp y tế cấp cứu.

Chuyến bay cấp cứu Đại úy QNCN Trần Văn Đinh từ đảo Song Tử Tây về đất liền vào ngày 21-8-2016 là một trong những hành trình cấp cứu đầy khó khăn đối với tổ bay Trung đoàn 917. Do tình trạng hiểm nghèo của bệnh nhân nên ngay sau khi nhận được chỉ thị của cấp trên, dù mới quá nửa đêm nhưng các thành viên tổ bay đã phải thức dậy làm công tác chuẩn bị để sáng sớm hôm sau có thể cất cánh ngay được. Hôm đó, thời tiết không thuận lợi do vùng biển phía Nam đang chịu tác động của cơn bão số 3. Hơn nữa, trong quá trình bay, bệnh nhân có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở, các thầy thuốc đã phải tiến hành những biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Để hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân, tổ bay được đề nghị bay thấp, bay chậm để giảm áp suất khí quyển và hạn chế rung xóc. Trong điều kiện biển động, sóng cao, tầm nhìn hạn chế, việc bay thấp thật sự rất nguy hiểm. Thường thì mỗi lần, tổ bay chỉ bay khoảng từ 5 đến 7 giờ, nhưng lần đó các anh đã phải bay liên tục trong 8 giờ liền. Hay như chuyến bay cấp cứu bệnh nhân Lê Văn Hải từ đảo Sinh Tồn về đất liền cũng là chuyến bay khó khăn, phức tạp do thời tiết ngoài khơi và cả trên đất liền đều diễn biến phức tạp, khoảng cách bay xa, cả chặng đi và về máy bay bay đều phải hạ cánh trên đảo Trường Sa lớn để tiếp dầu... Mặc dù có những khó khăn khác nhau trong các chuyến bay cấp cứu biển xa, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 917 luôn biết cách vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa bệnh nhân về đất liền bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Nhiệm vụ thiêng liêng của các chiến sĩ quân y

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên các vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc bằng đường hàng không là một hình thức đặc biệt của cấp cứu ngoại viện. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, không quản ngại gian khổ, hy sinh, trong nhiều năm qua, các kíp y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Trung đoàn 917 và Binh đoàn 18 bay cấp cứu chuyển hàng chục trường hợp bệnh nhân về đất liền điều trị bảo đảm an toàn”.

Theo Đại úy Diệp Hồng Kháng, bác sĩ điều trị, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175: Việc cấp cứu bệnh nhân tại đảo hay trên máy bay không giống như cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện. Nó bị chi phối bởi điều kiện khó khăn về trang thiết bị y tế, sự rung xóc, độ cao, ô-xi thấp, áp suất khí quyển thay đổi, không gian chật hẹp; đặc biệt, một số xử lý ban đầu của tuyến trước chưa thật tốt do sự hạn chế về con người và trang thiết bị trên các đảo. Chính vì vậy, cần có sự đánh giá tốt về tình trạng của bệnh nhân, chuẩn bị tốt về trang thiết bị máy móc và thuốc cho phù hợp với từng trường hợp và phải có sự chủ động, tự tin, quyết đoán thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp.

Đái úy Diệp Hồng Kháng nhớ lại chuyến bay cấp cứu bệnh nhân Hưng (quê ở Thái Bình) trên đảo Trường Sa Lớn về đất liền. Đây là ca cấp cứu hết sức khó khăn khi bệnh nhân bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương gây tràn dịch màng phổi rất nghiêm trọng. Trên hành trình từ đảo về đất liền, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng mặc dù đang được hỗ trợ thở máy, tình trạng rất nguy kịch. Với kinh nghiệm, kỹ năng cũng như sự nỗ lực của toàn kíp, bằng những phương tiện cấp cứu, thuốc mang theo trên máy bay đã giúp bệnh nhân ổn định đường thở trở lại cho đến khi được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175.

Với Thượng úy Nguyễn Đức Trọng, bác sĩ Khoa Hồi sức, Bệnh viện Quân y 175, được thấy bệnh nhân an toàn từ máy bay về bệnh viện điều trị là niềm vui, sự khích lệ, động viên to lớn đối với những người đã không quản hiểm nguy, vượt qua muôn trùng sóng gió để đến với bệnh nhân. Nguyễn Đức Trọng cho rằng, kết quả mà những chuyến bay cấp cứu thu được không chỉ mang lại sự sống cho một con người, mà rộng hơn, xa hơn, ý nghĩa hơn là tiếp thêm động lực, xây dựng niềm tin để quân và dân yên tâm ra khơi bám biển, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG - CÔNG GIANG