Bài 2: Ngày mới ở đỉnh Giăng Màn

“Nếu không có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Bản Giàng, chắc sẽ không còn dân tộc Chứt”, ông Đinh Xuân Thường, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên tâm sự. Ông Thường là bí thư xã từ khi dân tộc Chứt được đưa từ rừng ra theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. "Bởi sống với nhiều hủ tục lạc hậu, không có tri thức văn hóa, sợ giao tiếp nên mặc dù đã có lần được đưa ra hòa nhập cộng đồng nhưng do sợ cuộc sống lạ, đồng bào lại bỏ vào rừng. Chính quyền đành bất lực do không đủ nhân lực và kinh phí để có thể chăm lo cho người dân tộc Chứt...", câu chuyện của ông Thường đã thôi thúc chúng tôi ngược lên thượng nguồn sông Ngàn Sâu về bản Rào Tre với dân tộc Chứt.

Những người mang họ Hồ nơi đầu nguồn sông Ngàn Sâu

Chiếc xe ô tô đưa chúng tôi về bản, lúc thì ì ạch trườn lên đỉnh núi, lúc thì phăng phăng ôm chân núi dựng đứng đổ đèo. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao nhiều người ví ngọn núi Ka Đay như lưng con lạc đà, gập ghềnh, khúc khuỷu là để chỉ những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Chỉ khác, phần đuôi con lạc đà ấy, ngày trước âm u hoang vắng thì giờ đã trở thành một bản riêng của người dân tộc Chứt, với những ngôi nhà mái ngói xẫm màu, tựa lưng vào núi, nằm san sát bên nhau, hướng mặt ra thượng nguồn sông Ngàn Sâu. Cuộc sống mới đang hồi sinh mãnh liệt...

leftcenterrightdel
Các cán bộ Tổ công tác cắm bản Rào Tre phát sữa cho các em học sinh.

“Phải che chắn đừng cho gió lùa vào chuồng nghen”, tiếng Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre, thuộc Đồn BP Bản Giàng vang vang từ nhà ông Hồ Bắc vọng lại. Tôi đã có lần gặp anh trong một cuộc họp tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh. Hôm ấy, khi thấy tôi ngạc nhiên với giọng nói quá lớn tiếng của mình, anh phân trần: “Ở với đồng bào riết rồi mình bị vậy vì nói với đồng bào cần phải nói lớn tiếng để đồng bào kịp nghe”. Cũng bởi âm lượng quá khổ của giọng nói ấy, lần này đến đây, tôi cũng nhận ra anh ngay.

Sau khi hướng dẫn bà con cách ủ ấm cho đàn lợn mới đẻ, anh Tịnh dẫn chúng tôi thăm khu tái định cư mới, nơi có 11 ngôi nhà vừa được xây dựng khang trang. Vừa đi, Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh vừa giới thiệu: "Đây là nhà vợ chồng Hồ Nghĩa – Hồ Khăm, kia là nhà Hồ Xuân Khăm – Hồ Thị Vơn…". Từng nhà, từng người, từng thế hệ ở đây anh Tịnh đều nắm rõ. Thấy tôi ngạc nhiên vì tên người nào cũng mang họ Hồ, anh Tịnh giải thích:

- Đồng bào Chứt trước kia không có họ. Khi đưa họ ra khỏi rừng, BĐBP đã làm tham mưu cho chính quyền lấy họ là Hồ, với ý nhờ Bác Hồ, nhờ ơn Đảng mà giữ được dân tộc Chứt.

Chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre khoe với chúng tôi về bộ bàn ghế và chiếc ti-vi vừa mới sắm được: “Nhờ cán bộ BP mà dân bản có được những mái nhà vững chắc. Bây giờ, đồng bào ở đây nhiều người đã tốt nghiệp THPT. Cả bản đã có bảy đảng viên. Nhiều nhà sắm được xe máy, ti-vi… Từ cuộc sống du canh, du cư, phải trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và BĐBP, giờ đây bà con đã biết cách làm ăn. Nhiều hộ còn xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài trồng lúa, còn trồng rừng, khai thác lâm sản, có người đã mạnh dạn đi làm ăn xa. Những hủ tục lạc hậu cũng đã được đẩy lùi”.

leftcenterrightdel
Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh cùng bà con tại điểm chăn nuôi trong bản.

“Gieo chữ”, xây dựng nếp sống mới

Gần 20 năm cắm bản, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh mới "trồng được" nếp sống mới vào tâm tưởng của đồng bào dân tộc Chứt. Nhớ lại ngày nhận quyết định về Rào Tre cắm bản, anh Tịnh thức trắng nhiều đêm trăn trở vì gặp cảnh bà con tộc người Chứt không ai viết nổi tên mình, đi nhận gạo vẫn phải điểm chỉ. Nhưng cũng chính từ trăn trở đó, anh Tịnh đã tìm ra lời giải cho bài toán làm sao đưa đồng bào dân tộc Chứt tái hòa nhập cộng đồng. Đó là phải học chữ đầu tiên.

Khó khăn lắm các anh mới tổ chức được 1 lớp học xóa mù chữ cho nhiều đối tượng. Chưa có lớp học nào "kỳ lạ" đến thế: Người già ngồi một góc, thanh niên quay một hướng, trẻ nhỏ chạy khắp phòng. Học được một lúc thì “Tịnh ơi, già đi rừng bẻ măng đây”, “Khánh ơi, học đau đầu lắm nghỉ thôi”… Lớp học cứ vắng dần. Các anh nghĩ cách phân công nhau mỗi tối đến từng nhà, ngồi bên bếp lửa, lên nương rẫy với phương pháp vừa ngồi nói chuyện vừa âm thầm dạy cho từng người chữ cái, cách làm phép tính, đến cả cách ứng xử, theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Vậy mà rất hiệu quả. Cho đến nay 90 % dân bản đã xóa được nạn mù chữ.

Tiếng gà trống gáy đến lần thứ 3 làm tôi tỉnh giấc. 5 giờ sáng, mở hé cánh cửa sổ nhìn sang bên kia, phòng anh Tịnh đã sáng đèn. Cầm micro anh Tịnh nói to: “Đã đến giờ báo thức, bà con sang lấy sữa rồi đi làm đồng…”. Đến phòng có 4 cháu bé con nuôi đang được tổ công tác nuôi dưỡng, anh Tịnh gọi: “Hồng ơi, Nam ơi, dậy đi đánh răng rửa mặt đi học”. Bầu trời còn lờ mờ đục, gió rừng vi vút buốt lạnh, anh Tịnh đi giày thể thao, tay cầm đèn pin đi về phía bản để gọi từng nhà dậy, người lớn thì chuẩn bị đi làm đồng, trẻ em thì chuẩn bị đến trường. Có lần, Tịnh đến nhà gọi thì em Hồ Mai, học lớp 4 cứ trốn ra sau nhà. Hỏi thì cô bé thưa: “Các bạn trong lớp chê con hôi và bẩn, không cho ngồi cùng bàn”. Nhìn cô bé tóc tai bù xù, quần áo lem luốc, Tịnh không khỏi chạnh lòng. Từ ngày đó Tịnh xuống bản kêu gọi bà con nhà nào cũng phải mua kem đánh răng. Người lớn đánh răng để trẻ con đánh theo. Trước khi con em đi học phải rửa mặt, chải tóc, quần áo gọn gàng sạch sẽ. Nhà nào cũng có hộp giặt, có miếng xà phòng. Đó là một sự thay đổi trong nếp sống bà con.

Việc “gieo chữ" đã gian nan, việc xây dựng nếp sống mới cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Ví như: Đồng bào Chứt không biết canh tác. “Đói không lo, no không mừng”, họ sống chỉ biết ngày hôm nay, không cần biết đến ngày mai. Thường đói thì vào rừng kiếm rau, kiếm đồ ăn. Khi về bản thì vẫn giữ thói quen ngủ ngày, đêm thức kiếm ăn và sống nhờ số lương thực do Nhà nước hỗ trợ. Lúc đầu gọi họ đi làm, họ không đi. Cán bộ BP cắm bản mới nghĩ ra cách: Ra điều kiện là bà con phải làm vườn, làm chuồng trại, hay làm ruộng thì mới cấp lương thực, hoặc hỗ trợ cái này, cái kia. Từ đó, tay làm tay quen, họ dần dần biết cách làm và thay đổi được tư duy. Nhờ vậy, các mảnh vườn, ruộng lúa nước đã được hình thành, con gà, con lợn, con bò đã được nuôi. Chỉ về những cây chuối cao sản đang trổ buồng, bà Hồ Thị Lìn phấn khởi nói: “Sắp tới là có tiền để sắm đồ rồi. Một buồng cũng được vài trăm bạc đấy”.

Giống chuối ấy được Trung tá Nguyễn Minh Đệ, cán bộ cắm bản Rào Tre mang về. Một lần sang bên Lào, anh Đệ thấy giống chuối cao sản phát triển rất tốt ở nơi đất cằn, thổ nhưỡng giống bản Rào Tre nên mang về trồng thử nghiệm. Chuối phát triển tốt, anh nhân giống hỗ trợ nhân dân. Từ cây chuối, các anh lại tiếp tục tìm tòi các giống cây mới hợp với điều kiện thổ nhưỡng để "cầm tay chỉ việc" cho đồng bào làm như: Trồng na, làm giàn bầu, bí, rồi cách vun luống khoai lang, trỉa hạt rau, hạt đậu thế nào cho nảy mầm.

leftcenterrightdel
Các cán bộ Tổ công tác cắm bản Rào Tre cùng bà con dân tộc Chứt, bản Rào Tre.

Đang lo lắng vì tình trạng hôn nhân cận huyết của đồng bào dân tộc Chứt nên khi biết chuyện cô Hồ Thị Duyên và chàng trai người Kinh, Nguyễn Đình Nhân có tình cảm, BĐBP rất mừng. Vậy mà nghe nói, khi biết tin, cha mẹ Nhân phản đối dữ dội lắm. Lần đó Tịnh tranh thủ về thăm nhà ở thị trấn Hương Khê. Ngày nghỉ nhưng anh vẫn mặc quân phục chỉnh tề để đến xã Hương Đô ghé thăm gia đình Nhân. Nghe những lời thuyết phục của người lính BP ấy, bố mẹ Nhân dần hiểu ra và chấp thuận. Nhờ vậy, Nhân và Duyên đến được với nhau. Mô hình “Cầu nối xe duyên” được thực hiện tốt, từ năm 2002 đến nay, đã có 6 người dân tộc Chứt kết hôn với người Mã Liềng và người dân tộc Kinh, góp phần xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt.

Một cuộc sống mới đang được hình thành nơi đầu nguồn Ngàn Sâu. Nhưng anh Dương Thanh Tịnh vẫn luôn trăn trở: “Đồng bào vẫn cần một nghề gì đó để ổn định, phát triển sản xuất bền vững hơn, ít phụ thuộc vào ruộng vườn, nương rẫy. Trước đây, chính quyền địa phương và BĐBP đã đưa mô hình sản xuất mây tre đan về đây để hướng dẫn đồng bào làm nhưng không hiệu quả”.

Ông Đinh Xuân Thường cho biết thêm: Đề án 2571 về bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chuẩn bị kết thúc. Điều đó cũng có nghĩa là sự hỗ trợ về vật chất cho đồng bào dân tộc Chứt cũng đang cận kề ngày kết thúc, trong khi đa phần đồng bào dân tộc Chứt chưa thể tự bước trong cuộc sống hằng ngày. Chính quyền xã không thể thường trực hỗ trợ, đỡ đầu đồng bào trong cuộc sống. Chúng tôi mong rằng, các cấp chính quyền tiếp tục có những đề án mới hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt gắn với BĐBP để đồng bào có thể vững bước trong tương lai...

 Bài và ảnh: VIỆT HÀ – PHẠM KIÊN

(Còn nữa)