Để lãnh đạo quân đội lập nên những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trong đó, phát huy vai trò của cán bộ chính trị (CBCT) là một trong những vấn đề then chốt. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ CBCT đã trưởng thành vượt bậc, có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng để quân đội hoàn thành xuất sắc chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất.

Xây dựng cán bộ chính trị vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng tổ chức đảng trong quân đội

Trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, vấn đề cốt tử là Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin: “Cần phải có những chính ủy là các đảng viên cộng sản đáng tin cậy và quên mình được đặt bên cạnh những người chỉ huy quân sự”(1), quá trình tổ chức, xây dựng và lãnh đạo, rèn luyện QĐND Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, chú trọng xây dựng đội ngũ CBCT vững mạnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Trung ương Quân ủy (Tổng Quân ủy, Quân ủy Trung ương), đội ngũ CBCT trong toàn quân thực sự là “cầu nối” giữa Đảng với bộ đội, là lực lượng thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp để luôn “giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng” đối với quân đội. Bằng hoạt động thực tiễn phong phú, CBCT luôn giữ vững ý chí của Đảng trong quân đội, bảo đảm cho quân đội có định hướng chính trị đúng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh (TSVM) là nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Là lực lượng nòng cốt, trực tiếp xây dựng tổ chức và xây dựng con người, đội ngũ CBCT giữ vai trò quyết định chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho tổ chức đảng có đủ năng lực lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, trên cương vị chính ủy, chính trị viên, người CBCT thường được các tổ chức đảng bầu làm bí thư cấp ủy, là người chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng TSVM, chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc giữ vững định hướng chính trị trên tất cả các nhiệm vụ; đồng thời, là hạt nhân trong xây dựng, củng cố đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, đề cao kỷ luật đi đôi với mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức đảng và toàn đơn vị. Ở các cương vị khác, đội ngũ CBCT có thể được phân công phụ trách một, hoặc một số mặt của CTĐ, CTCT (tổ chức, cán bộ, tuyên huấn, chính sách, bảo vệ, dân vận…), hoặc đảm nhiệm phụ trách các tổ chức đoàn thể quần chúng (đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ...). Đây là các mặt công tác do tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, thông qua cơ quan chính trị, CBCT để triển khai tiến hành; kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ của các mặt công tác này bảo đảm cho tổ chức đảng thực hiện thắng lợi nghị quyết lãnh đạo đã xác định.

 Đội ngũ CBCT thường xuyên quan tâm duy trì và phát huy tốt các mối quan hệ công tác trong đơn vị, nhất là mối quan hệ với người chỉ huy cùng cấp, làm cơ sở phát huy hiệu lực của người chỉ huy và hiệu lực của hoạt động CTĐ, CTCT, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn hai cuộc kháng chiến đã chứng minh, thông qua hoạt động CTĐ, CTCT, đội ngũ CBCT luôn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, giải quyết tốt mối quan hệ giữa người chủ trì về chính trị và người chỉ huy theo phương châm: Lấy xây dựng hệ thống tổ chức đảng TSVM làm khâu trung tâm, xây dựng hệ thống chỉ huy làm khâu then chốt, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp trong quân đội, nhất là tổ chức cơ sở thật sự TSVM, làm hạt nhân lãnh đạo xây dựng đơn vị và cơ quan vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, công tác và sản xuất(2).

Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT

Tính chất gian khổ, ác liệt của hoạt động quân sự có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới tư tưởng, ý chí, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, giữ vững chính trị, tư tưởng cho bộ đội là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát huy sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Để giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó đội ngũ CBCT là lực lượng chủ yếu. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục và hoạt động thực tiễn phong phú, đội ngũ CBCT có vai trò quan trọng, làm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân hiểu sâu, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng về tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; qua đó củng cố, giữ vững mặt trận chính trị, tư tưởng, xây dựng động cơ phấn đấu, tinh thần trách nhiệm cao, không dao dộng, lùi bước trước hy sinh, khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bằng những biện pháp phù hợp, đội ngũ CBCT đã tạo động lực tinh thần to lớn, giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, có ý chí kiên cường, niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc.

Tiến hành CTĐ, CTCT là vấn đề có tính nguyên tắc, có vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng LLVT cách mạng. Hiệu quả CTĐ, CTCT trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đã góp phần quan trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị.

Đội ngũ CBCT toàn quân là lực lượng nòng cốt tiến hành CTĐ, CTCT-một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ Quân đội về chính trị, tư tưởng, tổ chức và vận động quần chúng của Đảng. Toàn bộ nội dung hoạt động CTĐ, CTCT đều đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của chính ủy, chính trị viên, nhằm làm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng, tính nhân dân, tính dân tộc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; phát huy sức mạnh chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị-quân sự.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, CBCT là lực lượng trực tiếp tiến hành các mặt công tác tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, dân vận, chính sách, bảo vệ, xây dựng các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT trong mọi hoạt động của đơn vị và tham gia nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự. Trong hai cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cùng với việc tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, đội ngũ CBCT luôn phát huy cao độ tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm trong đề xuất chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT. Đội ngũ CBCT các cấp luôn nắm vững đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, am hiểu những vấn đề chính trị và quân sự, khoa học và nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự, làm cơ sở tiến hành các mặt hoạt động CTĐ, CTCT với nội dung phong phú, có sức sống mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực.

Thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam: Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối; cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn cả nước xây dựng CNXH và bảo vệ thành quả cách mạng sau 30 năm kháng chiến anh dũng, trường kỳ. Vai trò của CBCT được kiểm nghiệm qua hai cuộc kháng chiến là cơ sở thực tiễn quan trọng trong điều chỉnh những nhận thức chưa thực sự phù hợp, bảo đảm cho CBCT luôn là đại biểu Đảng trong quân đội, là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng, tiến hành hiệu quả CTĐ, CTCT, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51/NQ-TW về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của CBCT: “Ở mỗi cấp có chính ủy (hoặc chính trị viên) là người chủ trì về chính trị và cơ quan chính trị đảm nhiệm CTĐ, CTCT của đơn vị”(3).

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng-văn hóa. Để tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với QĐND; xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân… cần tiếp tục kế thừa, phát huy vị trí, vai trò, kinh nghiệm công tác của đội ngũ CBCT trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ CBCT cần nêu gương sáng về lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; mẫu mực về phẩm chất và năng lực, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT, góp phần quan trọng giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 513.

(2) Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.1040.

(3) Tổng cục Chính trị, Tài liệu học tập quán triệt Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.11.