Sau hơn 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, gương mặt tôi gần như được tái tạo lại như trước. Và thật sự, nếu không có bước phát triển vượt bậc của khoa học, nhờ bàn tay vàng của các bác sĩ ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia, chưa biết cuộc đời tôi sẽ ra sao...".

Những nỗi đau nghiệt ngã

Những ngày giữa tháng Năm vừa qua, câu chuyện về cô gái trẻ Lê Thị Lan Vy, 24 tuổi bị a-xít hủy hoại gương mặt lại bùng lên khi Viện kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng ra quyết định truy tố Nguyễn Trương Hải Nam. Nam vốn là chồng sắp cưới của Vy nhưng bị hủy hôn, nên ngày 1-1-2019 đã đớn hèn đến tận nhà riêng, thực hiện hành động hắt ca a-xít sulfuric (H2SO4) có nồng độ 78% làm cho cô phải gánh chịu cơn đau thấu xương tủy và sau đó là khuôn mặt biến dạng. A-xít không chỉ gây co kéo nửa khuôn mặt mà còn làm bỏng cả chân, tay và nhiều phần cơ thể của Vy với 46% thương tích sau giám định. Bố, mẹ cô có mặt bên cạnh cũng bị a-xít văng vào, gây bỏng một số nơi trên cơ thể. Bỏ dở công việc với mức thu nhập khá ổn định và một tương lai đầy hứa hẹn, Vy phải gắn bó với bệnh viện, bông băng, thuốc men và các cuộc phẫu thuật triền miên.

Trong các loại vết thương bỏng, a-xít là hóa chất cực độc, gây tác động ngay lập tức khi tiếp xúc với cơ thể. A-xít phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... theo cơ chế đông vón protein, gây hoại tử từ ngoài vào trong. Phần da bị a-xít sẽ chết, chuyển sang màu đen, để lại những vết sẹo khủng khiếp, gây biến chứng nặng nề. Nếu lượng a-xít đậm rơi vào vùng đầu có thể gây ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ. Những bộ phận chứa nhiều sụn, như: Tai, mũi thì sức biến dạng còn lớn hơn, đặc biệt là mắt, a-xít phá hủy giác mạc nhãn cầu và gây mù.

Đại tá, PGS,TS Vũ Quang Vinh khẳng định, bệnh nhân Lan Vy sẽ phục hồi 90-95% gương mặt. (DSC 2985)

Phòng bệnh nơi Vy nằm điều trị còn có những bệnh nhân khác cũng bị bỏng a-xít. Một số thành viên sau điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Học viện Quân y) đã lập facebook có tên “Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam” để giúp đỡ, động viên nhau vượt qua những tai ương của cuộc đời. Câu chuyện chị Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ là một hành trình đầy nghị lực. Sau một phiên tòa do chị làm chủ tọa, sáng ngày 25-7-2005, chị bị một người xử thua kiện trong phán quyết của tòa tạt a-xít để trả thù gây thương tật 64%. 61 ngày đêm điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia (nay là Bệnh viện Bỏng Quốc gia) giúp chị chiến thắng cái chết nhưng phải mất gần chục năm sau đó tìm đến các bệnh viện nổi tiếng trong, ngoài nước để thực hiện tổng cộng 41 cuộc phẫu thuật. Chị Loan là một tấm gương mạnh mẽ, ý chí quyết tâm cao bởi nhiều năm trời đằng đẵng vừa chữa trị, vừa vươn lên để học tập, công tác, chiến thắng nghiệt ngã "rơi" xuống với bản thân mình. Cuối cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và sự giúp đỡ hiệu quả của các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia, đến nay chị Loan đã tìm lại gương mặt khả ái của mình và có cuộc sống, công việc tốt đẹp.

Tại phòng bệnh nhi của Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều trường hợp bỏng thương tâm. Có cháu chỉ vì bất cẩn treo chiếc lồng chim mà bị điện cao thế giật dẫn đến hoại tử, phải cắt cụt hai chân. Có cháu bỏng nước sôi người rúm lại, cơ thể chằng chịt các vết sẹo, miệng không thể nói được, phải ăn bằng đường xông (sonde). Kiến thức, kinh nghiệm sơ cứu, điều trị chưa đúng là nguyên nhân làm tăng nặng vết thương của người bệnh, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ở đây có cậu bé Đặng Cùn Sênh, 9 tuổi, người Dao đỏ quê ở xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình, Cao Bằng). Sênh bị ngã vào lò đốt củi gây bỏng nặng toàn thân, dù được điều trị kịp thời nhưng đầu em bị hoại tử dẫn đến tổn thương ăn mòn, khuyết 1/3 khối xương sọ, mắt, mũi, miệng di lệch do di chứng căng cơ. Có lúc nản lòng, thiếu hiểu biết, cha mẹ em đã đòi đưa con về nhà chờ chết, trong khi trường hợp của Sênh nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng. Các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã thuyết phục, kiên quyết giữ em lại để giành lấy sự sống. Sênh đã được phẫu thuật che phủ hộp sọ bằng vạt da vi phẫu, các cơn đau giảm rõ rệt và em đã ngồi dậy, có thể tự chơi quanh phòng bệnh.

Và sức sống kỳ diệu

Ngồi trong phòng làm việc của Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, câu chuyện của chúng tôi luôn ngắt quãng bởi các cuộc gọi điện thoại và bệnh nhân gõ cửa nhờ tư vấn. Phạm Thị Vân, giáo viên một trường mầm non của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trông trẻ hơn độ tuổi 29 với gương mặt dễ nhìn và nụ cười rạng ngời bước vào phòng vị ân nhân. Các vết sẹo còn chằng chịt trên đôi tay cô do bị bỏng cồn năm 2017. Sức khỏe cô lúc ấy cũng tổn thương đến 46% nhưng bây giờ, khi chính cô tiết lộ và qua chỉ dẫn của bác sĩ Vinh, tôi mới nhận ra hai “vết sẹo thẩm mỹ” khéo léo “ẩn” dưới cằm và bờ vai buông trùm mái tóc ngắn. Vân kể, sau quá trình nằm điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, đến hiện tại, cô không còn cảm giác đau rát, rất khó cử động như thời gian trước phẫu thuật. Mọi sinh hoạt của cô trở lại bình thường. Vui nhất là khi lên lớp và giao tiếp với mọi người, cảm giác tự tin đã giải thoát nỗi lo tâm lý vốn đã ập đến trong một khoảng thời gian cô gặp nạn.

Dẫu sao, trường hợp của Vân chưa phải quá đặc biệt. Bệnh nhân Nguyễn Thanh Huyền quê Đà nẵng bị bỏng 80% diện rộng và hơn 60% bỏng sâu, trong đó bỏng sâu đường hô hấp nên phải mở nội khí quản. Sau hàng tháng trời điều trị trong khu vực cách ly, gia đình bệnh nhân nản lòng ngỏ ý xin đưa anh về nhà vì tình trạng suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp nên tính mạng như "ngàn cân treo sợi tóc". Được sự động viên của các bác sĩ, trải qua những cuộc phẫu thuật bền bỉ, các vết thương dần được thu hẹp. Đặc biệt, với khuôn mặt của Huyền, các thầy thuốc đã tiến hành lấy vạt da lưng, sau đó làm mỏng đi phù hợp với da mặt và ghép lên phần khuôn mặt bị sẹo. Dưới kính hiển vi phẫu thuật, bác sĩ đã nối những mạch máu có đường kính chỉ 1,5mm và 0,8mm lại với nhau để mang lại sự sống cho vạt da. Bệnh nhân nay đã ra viện và trở về với mái nhà yêu thương của mình.

Giải tỏa nỗi lo tâm lý, mặc cảm bởi những vết thương thực thể và vết thương lòng của các nạn nhân bỏng phải gắn liền với khả năng phục hồi chức năng, khả năng lao động, công tác cho họ. Có nghĩa là phải giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt sau những tai nạn, tai biến của cuộc đời họ gặp phải. Đại tá, TS, bác sĩ Trương Ngọc Dương, Chính ủy Bệnh viện Bỏng Quốc gia nói với chúng tôi như vậy. Sau lời tâm sự của anh, tôi mới hiểu hơn, khác với các bệnh nhân khác, có những bệnh nhân bỏng, sau khi được các bác sĩ giành lại sự sống từ “lưỡi hái tử thần” đã không kiềm chế nổi cảm xúc, trách móc các thầy thuốc vì đã không để... họ chết! Di chứng của bỏng thật sự là nỗi ám ảnh, đòi hỏi người bệnh cần có nguồn nghị lực phi thường. Trở lại với gái Lê Thị Lan Vy, từ cô gái trẻ trung, xinh đẹp, sau khi bị tạt a-xít, nửa thân người và đặc biệt nửa khuôn mặt của Vy cháy đen, mắt trái không thể mở. Từ Đà Nẵng, cô được chuyển ra Bệnh viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, điều trị. May mắn cô được gặp các thầy thuốc chuyên khoa giỏi của bệnh viện, trong đó có quyết tâm cao của Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh. Theo PGS, TS Vũ Quang Vinh: Thông thường, để an toàn cho bệnh nhân thì phải đợi điều trị lành vết sẹo mới tái tạo. Tuy nhiên, lúc đó các sẹo đã co kéo làm lệch mặt, mũi, miệng, khiến khuôn mặt biến dạng, khó ăn, khó nói, nhất là nếu mắt không khép được, người bệnh rất ám ảnh... Nếu phẫu thuật ngay như trường hợp của Lan Vy, các bác sĩ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi không lường hết mức độ tổn thương do độ nông sâu của mỗi vị trí, không vét sạch dễ bị nhiễm trùng vùng da ghép dẫn đến hoạt tử mạch máu và thất bại. Sau những đánh giá, cân nhắc kỹ càng, ê kíp phẫu thuật quyết định áp dụng phẫu thuật tái tạo khuôn mặt cho Lan Vy bằng chính vạt da lưng của cô. Hai kíp mổ kéo dài 8 tiếng, vi phẫu nối mạch máu dưới 1mm thành công, vạt da bám sống tốt trên gương mặt. Tổng cộng, đến đầu tháng 6-2019, Lan Vy đã trải qua 11 cuộc phẫu thuật và PGS, TS Vũ Quang Vinh khẳng định: "Sau khi chỉnh sửa hoàn thiện, khuôn mặt của Lan Vy có thể phục hồi 90-95% diện mạo ban đầu". Bỏ qua những đắng cay, đau đớn, Lan Vy giờ đây đã tìm lại được nụ cười và tràn đầy lạc quan. Cô tâm sự: "Em không cảm thấy hoàn cảnh của mình giống như địa ngục trần gian nữa. Phía trước, cuộc đời em còn ba mẹ, còn tương lai. Em còn đủ chân tay, còn trí óc và còn hy vọng tái tạo được gương mặt. Em sẽ đứng dậy, trở lại để cuộc đời thật sự có ý nghĩa và còn là để đáp lại sự tận tâm của các thầy thuốc đã giúp em có được kỳ tích sau thảm họa...".

     ..."Có lúc, tôi đã muốn nhảy lầu bởi nghĩ rằng chỉ cái chết mới chấm dứt địa ngục thế gian của riêng mình. Tôi không đẹp như hoa hậu nhưng khá xinh xắn, vậy mà sau cú tạt a-xít, con gái bé nhỏ của tôi ngây thơ thốt lên: "Không! Mặt quỷ! Mẹ của con xinh cơ"... Sau hơn 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, gương mặt tôi gần như được tái tạo lại. Và thật sự, nếu không có bước phát triển vượt bậc của khoa học, nhờ bàn tay vàng của các bác sĩ ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia, chưa biết cuộc đời tôi sẽ ra sao....". Sau những tủi hờn, giông bão đắng cay, Thu Trà, người phụ nữ quê gốc miền Tây đã thốt lên như vậy. Cô từng có cuộc sống yên ấm nhưng sự ghen tuông mù quáng và phút nóng giận của người chồng đã đẩy gia đình rơi vào khủng hoảng. Kinh tế kiệt quệ, vợ chồng chia lìa, người vào tù, người đau đớn, tủi hổ với vô vàn những vết thương lòng và vết thương thực thể. Đối mặt với nguy cơ tàn phế, Trà có lúc đã tính quyên sinh nhưng nghĩ đến con, cô đã mạnh mẽ đứng dậy...

Bởi trái tim nhân hậu, bộ óc thông tuệ và bàn tay tài hoa

Vết thương bỏng nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm, bệnh nhân thường bị nhiễm khuẩn máu, suy thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc... trước đây hầu hết bệnh nhân dễ bị tử vong hoặc có sống cũng để lại di chứng tàn tật. Ngày nay, trong điều trị bỏng, y học có những bước tiến vượt bậc nên thậm chí có những bệnh nhân bỏng nông 90% và bỏng sâu 85% diện tích cơ thể vẫn được cứu sống. Có được những bước tiến vượt bậc ấy là nhờ những kỹ thuật đột phá, như: Điều trị liền vết thương, vi phẫu, tái tạo... mà Bệnh viện Bỏng Quốc gia là đơn vị tiên phong, địa chỉ uy tín trong nước và quốc tế. Những thầy thuốc hàng đầu ngành bỏng Việt Nam như GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT, Thiếu tướng Lê Thế Trung; các thầy của Bộ môn bỏng và thảm họa, như: Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Thế Lũy, Trần Xuân Vận; Thiếu tướng, GS, TS Lê Năm... những người đã góp công sức đáng kể để gây dựng nên uy tín của chuyên ngành điều trị bỏng Việt Nam. Các thế hệ nối tiếp, kế cận tài hoa, như: Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến; Đại tá, PGS, TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Như Lâm, Vũ Quang Vinh... đang kế tục xứng đáng trên con đường khoa học nhân văn ấy. Tự hào mang tên đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các thầy thuốc của Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã làm chủ những kỹ thuật tiên tiến trong chuyên ngành điều trị bỏng. Đó là kỹ thuật cắt bỏ hoại tử-ghép da ngay trong vòng 72 giờ sau bỏng; siêu lọc máu trong điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm độc bỏng, suy thận cấp trong bỏng; kỹ thuật nuôi dưỡng sớm bằng đường ruột qua sonde dạ dày điều trị bệnh nhân bỏng nặng; điều trị bỏng hô hấp, chảy máu tiêu hóa trong bỏng nặng; ghép da mảnh lư­ới, mảnh siêu nhỏ, ghép hai lớp trong điều trị bỏng sâu diện rộng; nuôi cấy nguyên bào sợi, tạo tấm nguyên bào sợi  nuôi cấy điều trị bệnh nhân bỏng, nuôi cấy tế bào sừng; căng giãn da, vạt da siêu mỏng và vi phẫu thuật trong phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ điều trị bệnh nhân di chứng bỏng... Nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân bỏng, cứu sống bệnh nhân người lớn có diện tích bỏng chung đến 90% diện tích cơ thể và bỏng sâu 85% cơ thể, cứu sống bệnh nhân trẻ em có diện tích bỏng chung đến 70% diện tích cơ thể và bỏng sâu đến 63% diện tích cơ thể … Tỷ lệ tử vong được hạ thấp từ 7%-10% xuống còn 1,5%-1,7%, giảm ngày điều trị trung bình xuống còn 14-16 ngày. Ngoài di chứng bỏng, bệnh viện còn điều trị thành công các di chứng do chấn thương, dị tật bẩm sinh. Kết hợp phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ với điều trị chuyển vạt... Điều trị thành công nhiều bệnh có các vết thương, vết loét lâu liền, khó liền do tia xạ (điều trị ung th­ư), do đái đư­ờng, viêm tắc động mạch, liệt tủy, tỳ đè, bệnh nhân nhiễm HIV, các vết thư­ơng do rắn cắn, các vết loét do sẹo cũ…

Tôi biết tên tuổi PGS, TS Vũ Quang Vinh khi... chưa gặp mặt anh. Trong một lần trò chuyện với Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, người đứng đầu học viện khẳng định: Đảng ủy, Ban giám đốc học viện qua các thời kỳ luôn quan tâm sâu sắc đến việc phát triển các kỹ thuật mới trong nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo ở tất cả chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành điều trị bỏng. Anh Vinh được cử đi nghiên cứu sinh 5 năm tại Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc, bác sĩ Vinh được GS Hiko Hyakusoku, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học y Nippon, Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình Nhật Bản hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu. GS Hiko Hyakusoku chính là tác giả của phương pháp tái tạo vạt da siêu mỏng tự thân. Trên thế giới, với bệnh nhân hỏng khuôn mặt, muốn tái tạo có hai phương pháp tiên tiến nhất: Ghép mặt (giống như ghép tạng từ người cho) và sử dụng vạt da vi phẫu tự thân. Ghép mặt từ người cho mới chỉ có các nước hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc... thực hiện song con số chưa nhiều. Đối với phương pháp vạt da tự thân, thì các chuyên gia vi phẫu thuật hàng đầu thế giới từng kết luận "không có vạt da nào đủ để ghép toàn bộ khuôn mặt", nghĩa là vẫn phải dùng biện pháp ghép da dày nhiều miếng theo kiểu... vá tích kê! Trên khuôn mặt có nhiều cơ quan như hốc mắt, mũi, miệng... nên việc tái tạo, ghép vẫn là thách thức lớn với nền y học thế giới.

Khó nhưng không thể bó tay! Đối diện với những bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt, miệng co rút, mỗi lần nói lại tứa máu, mắt không thể nhắm kín được, PGS, TS Vũ Quang Vinh cứ ám ảnh, mang theo cả trong những giấc ngủ. Chỉ riêng Khoa Phẫu thuật tạo hình trước đây (nay là Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo) của Bệnh viện Bỏng Quốc gia, mỗi ngày có vài chục bệnh nhân, cao điểm những tháng hè xấp xỉ cả trăm bệnh nhân điều trị đã thôi thúc anh và các đồng nghiệp tìm tòi, quyết tâm có những can thiệp chuyên môn để giúp các bệnh nhân có thể tái hòa nhập cuộc sống, chí ít cũng là giúp họ giảm những nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Bằng khối kiến thức được trang bị và kinh nghiệm đúc rút sau hàng chục năm mổ vi phẫu, PGS, TS Vũ Quang Vinh đã áp dụng thành công kỹ thuật tái tạo gương mặt bằng vạt da siêu mỏng nối mạch vi phẫu tại đầu xa. Nghĩa là, người bệnh được lấy vạt da tạo hình với bất kỳ hình dáng nào dù to hay nhỏ, mỏng hay dày, giúp giảm số lần phẫu thuật và khuôn mặt được tái tạo theo các đơn vị thẩm mỹ nên sau mổ sẽ phục hồi gần như ban đầu. Ca mổ đầu tiên tái tạo thành công da mặt cho nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Loan (năm 2007) thu hút sự quan tâm của giới y học không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nền y khoa tiên tiến nhất thế giới. Trước đó, bác sĩ Ivol Lim (Singapore), một trong số chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng nhất thế giới đã gọi gương mặt nữ bệnh nhân ấy là "gương mặt thách thức đối với nền y học thế giới" . Nếu phẫu thuật cần khoản chi phí 70.000 USD và cũng vẫn phải chấp nhận các vết sẹo "tích kê". Khi PGS, TS Vũ Quang Vinh thực hiện thành công ca phẫu thuật, nhiều đồng nghiệp thế giới thán phục gọi anh là "bác sĩ siêu nhân". Quả cũng không quá lời bởi từ năm 2006 đến nay, đôi bàn tay vàng của PGS, TS Vũ Quang Vinh đã thực hiện gần 400 ca phẫu thuật vi phẫu, trong đó có hàng chục ca "nặng", tái tạo gương mặt cho các bệnh nhân bỏng. Điều cần nói thêm, chi phí cho mỗi bệnh nhân điều trị trong nước chỉ chưa đến 1/10 so với đi nước ngoài. GS Hiko Hyakusoku, người thầy Nhật Bản của PGS, TS Vũ Quang Vinh thật sự cảm phục, gửi thư đến GS, TSKH Lê Thế Trung với đánh giá: "TS Vinh rất có tài và tôi cho rằng, anh ấy hiện là một trong năm phẫu thuật viên vi phẫu hàng đầu thế giới"...

Thành công nối tiếp thành công nhưng không đồng nghĩa với sự bằng lòng, PGS, TS Vũ Quang Vinh luôn dành thời gian cho nghiên cứu, tiếp thu và phát triển kỹ thuật vi phẫu, siêu vi phẫu trong tái tạo và tái tạo chức năng, tái tạo thẩm mỹ. Danh tiếng của anh được khẳng định với bè bạn quốc tế, đồng thời góp phần đưa chuyên ngành điều trị di chứng bỏng, tạo hình bỏng của Việt Nam lên tốp đầu thế giới. Được phép của Bộ Quốc phòng và Học viện Quân y, Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận học viên chuyên ngành từ các nước Thụy Điển, Myanmar và cả Nhật Bản sang học tập. Singapore cũng đang mong muốn gửi bác sĩ sang thực hành. Ngoài việc tham gia mổ từ thiện cùng Tổ chức Y tế xuyên Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) PGS, TS Vũ Quang Vinh còn trở lại chính ngôi trường anh từng là nghiên cứu sinh để giảng dạy. Anh còn được mời tham gia các hội nghị khoa học vi phẫu ở châu Âu, châu Á mà báo cáo của PGS, TS Vũ Quang Vinh luôn được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, lựa chọn là báo cáo đầu tiên của hội nghị. Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo của Học viện Quân y, nơi anh tham gia giảng dạy cũng là địa chỉ duy nhất ở Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận mã ngành tuyển sinh đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo. Hiện, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo đang ứng dụng công nghệ vi phẫu để điều trị cho nhiều mặt bệnh khó, như: Kỹ thuật siêu vi phẫu điều trị phù bạch mạch sau điều trị ung thư; loét do xạ trị; tái tạo vú; tái tạo dương vật; chuyển ngón chân thay thế ngón tay bị mất... Kỹ thuật vi phẫu trong điều trị bỏng và di chứng bỏng được Bộ Y tế công nhận đây là một trong 26 thành tựu y học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Chia tay Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh và các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia, lòng tôi cứ lâng lâng, vui niềm vui chung của rất nhiều bệnh nhân khi thấy gương mặt họ, cơ thể họ... đang dần lành lặn. Sau cánh cửa buồng bệnh, cánh cửa cuộc đời với những bệnh nhân bỏng nặng đã lại mở ra, thay vì, tưởng như đã khép lại....   

Bài và ảnh: NGÔ ANH THU