Những chia sẻ mộc mạc của Đại úy QNCN Lê Tiến Thật, nhân viên Phân xưởng Xe-Máy, Xưởng sửa chữa tổng hợp X78, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 phần nào nói lên tình yêu nghề hết mực cùng niềm đam mê sáng tạo của những người lính thợ nơi đây.

Yêu nghề bằng cả trái tim

Những ngày giữa tháng Bảy, trên mảnh đất trung du Phú Thọ, mặc cho tiết trời nắng nóng như đổ lửa, các nhóm lính thợ Xưởng sửa chữa tổng hợp X78, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 vẫn tập trung cao độ tinh thần và trí lực bên những khối máy chằng chịt thiết bị, áo quần loang lổ dầu mỡ, ướt sũng mồ hôi. Không khí làm việc của đội ngũ nhân viên kỹ thuật trong các phân xưởng như chạy đua với thời gian. Mặc dù vừa đạt thành tích cao trong hội thi “Cơ sở sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân năm 2019”, nhưng những người lính thợ Xưởng X78 vẫn không thỏa mãn, mà chỉ coi đó như thành công bước đầu để tiếp tục phấn đấu.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng đơn vị, Trung tá Mai Văn Tốc, Giám đốc Xưởng X78 vừa giới thiệu tỉ mỉ chức năng, nhiệm vụ của từng phân xưởng cùng những thành tích tiêu biểu của mỗi người lính thợ. Đến Phân xưởng Xe-Máy, anh thân mật vỗ vai Đại úy QNCN Lê Tiến Thật, tự hào khoe: “Đây là một trong những con ong thợ của đơn vị chúng tôi, người chưa từng “đầu hàng” trước bất kỳ hỏng hóc nào của xe máy”. Được biết, Đại úy QNCN Lê Tiến Thật không những sửa chữa thuần thục nhiều loại ô tô, xe máy, những năm gần đây, bằng kinh nghiệm thực tiễn cùng niềm đam mê sáng tạo, anh còn phối hợp với các đồng nghiệp tích cực tìm tòi, nghiên cứu, cho ra đời có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng có hiệu quả vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho bộ đội vừa kéo dài thời gian sử dụng của VKTBKT.

Cán bộ, nhân viên Xưởng X78, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 thực hành sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật.

Nếu như Xưởng X78 được coi như một bệnh viện đa khoa, thì những nhân viên kỹ thuật nơi đây chính là những bác sĩ giàu kinh nghiệm. Có khi chỉ thoáng nghe bằng đôi tai, họ có thể phát hiện ra “bệnh” của VKTBKT. Thêm vào đó, những người lính thợ nơi đây đều có “đôi tay vàng”, có thể sửa chữa được mọi pan, bệnh, hỏng hóc, khiến những chiếc xe có niên đại có khi còn hơn cả tuổi quân, tuổi đời nhiều chiến sĩ vẫn có thể hoạt động một cách khỏe khoắn, chơn chu, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Ngọc, Quản đốc Phân xưởng Xe-Máy, thực tế nhiều chiếc xe đã quá cũ nát, thời gian sử dụng lâu năm, tưởng chừng không thể “cứu” được. Nhưng bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo của những người lính thợ, chúng lại được “hồi sinh” với đầy các đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật. Hay có những khẩu súng bộ binh khi đưa về xưởng gần như bỏ đi, không thể khai thác được nữa, trong khi linh kiện thay thế không có, song các anh quyết không bó tay, lại cùng nhau mày mò, nghiên cứu, áp dụng triệt để các sáng kiến, giải pháp để đưa khẩu súng ấy trở lại hoạt động bình thường, hiệu quả. “Chứng kiến nhiều loại xe máy, VKTBKT được đưa về xưởng trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, cánh lính thợ chúng tôi rất xót, không đành lòng bỏ đi. Mình có kiến thức, kinh nghiệm, niềm say mê nghề nghiệp, lại được cấp ủy, chỉ huy đơn vị quan tâm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợ cho việc nghiên cứu, sáng tạo, thì không có lý do gì không hoàn thành nhiệm vụ”. Đại úy QNCN Lê Tiến Thật bộc bạch.

Được biết, hằng năm, ngoài đảm nhiệm bảo quản, sửa chữa, gia công tại chỗ số lượng rất lớn các loại xe máy, VKTBKT, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của LLVT quân khu, Xưởng X78 còn thực hiện cơ động hỗ trợ sửa chữa trang bị kỹ thuật, xe máy cho các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 2, đồng thời được giao bồi dưỡng, tập huấn tay nghề cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật đơn vị quân đội các tỉnh Bắc Lào. Trong đó, vất vả hơn cả là những chuyến công tác dài ngày bên nước bạn hoặc đến các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Thượng úy QNCN Lê Đức Thành, Phân xưởng ô tô còn nhớ mãi chuyến công tác kéo dài hơn 6 tháng của mình cách đây mấy năm. Trước ngày lên đường, con trai anh đang bi bô tập nói. Khi về, anh bất ngờ “bị” con gọi bằng bác khiến cả nhà được một trận cười sảng khoái. Sau đó, anh Thành phải mất cả ngày làm quen, cùng sự hỗ trợ của vợ mới được… con gọi bằng bố.

Còn Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó quản đốc Phân xưởng Xe-Máy thì không thể quên chuyến hành quân lên tỉnh Điện Biên giúp cơ quan quân sự của tỉnh di chuyển một chiếc ô tô về trung tâm để sửa chữa, đồng bộ. Khi đến khu vực đèo Pha-đin (đoạn nối hai tỉnh Điện Biên và Sơn La), các thành viên trong tổ cơ động bỗng giật mình bởi tiếng “xẹt” rất lớn trước mũi xe. Dừng lại, soi đèn mở nắp ca pô, các anh phát hiện xe đã bị gãy trục bơm nước. “Trong đêm tối, giữa đường đèo heo hút, gió lạnh đến thấu xương, chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, người dọi đèn pin, người tháo lắp các bộ phận, người đảm nhiệm bơm nước, đánh đệm…  Đến khi khắc phục xong sự cố, về đến đơn vị thì trời cũng vừa sáng”. Thiếu tá Lê Anh Tuấn hồ hởi kể cho chúng tôi nghe một trong những chuyến công tác đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ.

Sáng kiến để phục vụ chính mình

Sức nóng hầm hập cùng không khí nồng nặc phả ra từ các bể hóa chất trong Phân xưởng Vũ khí, Xưởng X78 khiến chúng tôi như muốn ngộp thở. Vậy mà những người lính thợ vẫn nơi đây vẫn bình thản thực hiện quy trình nhuộm đen cho từng khẩu súng bộ binh, thỉnh thoảng lại tếu táo, pha trò cho không khí làm việc thêm hưng phấn. Thiếu tá QNCN Phạm Hùng, thợ sửa chữa vũ khí bộ binh tâm sự: “Đối với những người lính thợ, chứng kiến những lô vũ khí lần lượt được “thay áo mới”, xuất xưởng trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất, là chúng tôi quên hết cả mệt nhọc đồng chí ạ”.

Qua trò chuyện với các nhân viên phân xưởng, chúng tôi biết rằng, hệ thống vũ khí đơn vị đảm nhiệm bảo quản, sửa chữa có sự đa dạng về chủng loại, do nhiều nước sản xuất, qua nhiều năm sử dụng, thiếu tính đồng bộ, vật tư thay thế khan hiếm, dễ hư hỏng, chất lượng không đồng nhất. Những yếu tố đó gây không ít khó khăn cho công tác chuyên môn của đơn vị. Tuy nhiên, tất cả những thử thách ấy lại chính là thước đo bản lĩnh và tay nghề của những người lính thợ X78. “Vất vả hơn cả là các đợt nhuộm đen cho súng bộ binh. Như các anh đã thấy, người lính thợ phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Nhưng nhìn một số loại vũ khí có nguy cơ phải thải loại, chúng tôi xót lắm. Bởi đây là tài sản của nhân dân, là mô hôi nước mắt của bộ đội”. Thiếu tá QNCN Phạm Hùng vừa vui vẻ trò với chúng tôi chuyện vừa đưa bàn tay đen đúa dầu mỡ, quyệt ngang mái tóc bết bát mồ hôi.

Khi tôi đặt câu hỏi, với khối lượng công việc nhiều như vậy, trong khi quân số có thời điểm còn thiếu so với biên chế, trình độ chuyên môn của bộ đội không đồng đều, vậy đơn vị phải xoay sở ra sao để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao? Thượng tá Dương Minh Quân, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Xưởng X78 đáp ngay: “Lực lượng lính thợ của chúng tôi mỏng, nhưng số lượng, chất lượng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chúng tôi lại dồi dào”. Thì ra, nhiều năm trở lại đây, để không ngừng nâng cao chất lượng bảo quản, sửa chữa VKTBKT, Đảng ủy, chỉ huy Xưởng X78 luôn coi trọng đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn thể cán bộ, nhân viên. Chỉ cần ai có ý tưởng về sáng kiến, sẽ được đơn vị quan tâm, đầu tư, hỗ trợ kinh phí để triển khai. Sáng kiến của đồng chí nào ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn nhiệm vụ và đạt giải cao trong các hội thi cấp toàn quân đều được đơn vị đề nghị cấp trên thưởng phép, nâng lương, nâng bậc trước niên hạn”. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chỉ huy xưởng cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng tay nghề, năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật, phát huy kinh nghiệm lực lượng có tay nghề cao tiến hành hướng dẫn, kèm cặp số nhân viên mới ra trường, bảo đảm chất lượng chuyên môn của bộ đội tương đối đồng đều, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Quả thực, một điều khiến chúng tôi khá tâm đắc khi tìm hiểu về những người lính thợ X78 đó là, dù là nhân viên mới vào nghề, hay lực lượng sắp đến tuổi nghỉ hưu đều có chung niềm đam mêm sáng tạo đến cháy bỏng, luôn xác định lao động là sáng tạo, chứ không coi công việc là nhiệm vụ buộc phải làm. Và chính việc thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, những pan hóc búa về công tác kỹ thuật đã kích thích họ tìm tòi, nghiên cứu, cho ra đời hàng loạt sáng kiến, giải pháp góp phần giải phóng không nhỏ sức người, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ công việc. Giới thiệu với chúng tôi sáng kiến “Vam tháo báng súng bộ binh” của Thiếu tá QNCN Phạm Hùng, Đại úy Mai Ca, Quản đốc Phân xưởng Vũ khí khẳng định: “Đối với chúng tôi, việc tìm tòi, nghiên cứu tạo ra các sáng kiến không phải vì mục đích đi thi và giành giải. Bởi vì, thực tế người lính thợ chỉ ngồi một chỗ thì không thể nghĩ ra được sáng kiến. Mà tất cả các sản phẩm sáng tạo của Xưởng X78 đều bắt nguồn từ thực tiễn lao động, từ lòng yêu nghề. Bên cạnh đó, do nguồn vật tư ngày càng khan hiếm, nên chúng tôi buộc phải tìm mọi cách chế tạo ra các sản phẩm tương ứng để thay thế, sửa chữa, góp phần tiết kiệm của công, tránh lãnh phí”.

“Vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Từ những câu chuyện về sự tâm huyết, yêu nghề của những người lính thợ X78, nghĩ đến lời Bác dạy bộ đội kỹ thuật càng thấy thấm thía biết nhường nào…!

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG