 |
Bộ đội Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4) cùng nhân dân xã Tân Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng đường giao thông liên thôn. |
Lâu lắm rồi mới có "bộ đội về làng", nên đồng bào vui mừng, phấn khởi, tíu tít chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, quê quán… Trong không khí ấm áp tình quân dân, ông Phan Xuân Kiểu, 68 tuổi, người dân xóm Trung Lương gặp chiến sĩ nào cũng tay bắt, mặt mừng. Rồi ông dừng lại bên Trung tá Phan Hồng Đức, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 206, khẩn khoản: “Bộ đội về gia đình tôi ở đi. Tuy nhà tôi không cao, cửa không rộng, nhưng có thể bố trí cho cả tiểu đội ở hàng tháng trời đấy”. Nhận thấy đồng chí chỉ huy đơn vị bày tỏ băn khoăn, ông Kiểu tuyên bố “xanh rờn”: “Tôi đã chuẩn bị hết cả rồi. Nếu bộ đội từ chối thì tôi không cần các anh giúp đỡ gì nữa cả”.
Hỏi chuyện mới biết, khi nghe tin có bộ đội xe tăng về Trung Lương tiến hành công tác dân vận, chẳng riêng nhà ông Kiểu mà hầu hết các gia đình trong xóm đều chủ động dọn dẹp nhà cửa, bố trí giường chiếu, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ để đón bộ đội. Nhiều gia đình còn chuẩn bị sẵn cả đống củi to để bộ đội nấu ăn.
Chứng kiến tình cảm mộc mạc của bà con nhân dân dành cho bộ đội, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 206 xúc động chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, chủ trương nhất quán của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị là không gây phiền hà cho nhân dân trong quá trình làm công tác dân vận”. Vì thế, trước các đợt hành quân dã ngoại, giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới, đơn vị đều có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ lương thực, thực phẩm, nước uống đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân, phương tiện đi lại… Theo anh Thắng, nhiều nơi đồng bào còn khó khăn, vất vả lắm, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Trung Lương này. Bộ đội không hỗ trợ được gì thêm cho dân thì thôi, chứ không để dân phải tốn kém, vất vả. Trước khi đến với Trung Lương, đơn vị dự kiến sẽ ở tập trung tại nhà văn hóa, nhưng nhận thấy tình cảm bà con chân thành quá nên không nỡ từ chối...
 |
Bộ đội Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4) cùng nhân dân xã Tân Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng đường giao thông liên thôn. |
Những ngày sau đó, chúng tôi có dịp chứng kiến không khí lao động của “bộ đội xe tăng 206” và bà con nhân dân xóm Trung Lương trên các con đường, dưới những cánh đồng sôi nổi, hăng say chẳng khác nào ngày hội. Các bạn trẻ chia nhau đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn giúp vệ sinh môi trường, củng cố, sửa chữa nhà cửa. Cán bộ, chỉ huy đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đi thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình người có công, hộ nghèo, kết hợp với nắm bắt tình hình địa bàn, nguyện vọng nhân dân. Theo đồng chí Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, những năm gần đây, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, nhất là Huyện ủy, UBND huyện Tân Kỳ, hệ thống cơ sở vật chất cũng như đời sống của bà con nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm, tập quán canh tác của đồng bào còn lạc hậu, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương còn cao. Chính vì vậy, việc Lữ đoàn Xe tăng 206 huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về giúp địa phương xây dựng nông thôn mới đúng thời điểm khó khăn như thế này là hết sức ý nghĩa. Chỉ trong 15 ngày với hơn 500 ngày công, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp xóm Trung Lương vận chuyển hơn 250m3 đất đá, xây dựng con đường dài 1,2km; nạo vét 3,5km kênh mương nội đồng của xã; tu sửa, nâng cấp một sân bóng chuyền. Ý nghĩa hơn nữa là đơn vị phối hợp với cán bộ, đoàn viên, thanh niên địa phương tiến hành giúp đỡ 13 gia đình người có công, 6 hộ nghèo củng cố, sửa chữa, gia cố hệ thống nhà cửa ngay trước mùa mưa bão. Cùng với đó, đơn vị còn phối hợp tổ chức tốt chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 lượt người; triển khai hiệu quả các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hết sức sôi nổi giữa bộ đội và nhân dân, khiến không khí ở xã miền núi Tân Xuân lúc nào cũng như ngày hội.
Thời gian trôi đi thật nhanh, sau nửa tháng “3 cùng”-cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân xã miền núi Tân Xuân, rồi cũng đến ngày các cán bộ, chiến sĩ phải chia tay đồng bào để trở về đơn vị. Trong không khí xúc động, bịn rịn, ông Nguyễn Văn Trung, trưởng xóm Trung Lương nắm chặt tay Trung tá Phan Hồng Đức bày tỏ: “Bộ đội về đơn vị, bà con sẽ nhớ lắm đấy. Mỗi khi đi trên con đường mới, làm ruộng trên cánh đồng hay ở trong những ngôi nhà sạch sẽ, kiên cố hơn trước, chúng tôi lại càng nhớ đến sự giúp đỡ của bộ đội. Chỉ về với bà con 15 ngày, nhưng nghĩa tình quân-dân sẽ còn đọng mãi ở mảnh đất Trung Lương này”.
Bài và ảnh: HIẾU TỨ GIANG