Tiếp bước cha anh

Giới thiệu với chúng tôi tại phòng truyền thống của đơn vị, Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn, Viện trưởng Viện Kỹ thuật PK-KQ cho biết: "Ngay từ ngày đầu mới thành lập, viện đã tập trung nghiên cứu, thực hiện thành công dự án cấp Bộ Quốc phòng chế thử máy bay trinh sát liên lạc cánh quạt loại nhỏ TL-1 và chương trình thiết kế chế thử máy bay huấn luyện HL-1, HL-2. Ngày 25-9-1980, chiếc máy bay TL-1 có người lái đầu tiên do cán bộ của viện cùng các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo đã bay thử thành công trên vùng trời sân bay Hòa Lạc, ghi dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành kỹ thuật hàng không Việt Nam. Đó là bước khởi đầu để các thế hệ cán bộ, kỹ sư, nhân viên của viện không ngừng sáng tạo cho ra nhiều sản phẩm thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
Hội đồng nghiệm thu Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân kiểm tra bộ truyền động mâm quay đài ra đa RV-02.

Với thâm niên hơn 20 năm công tác tại Viện Kỹ thuật PK-KQ, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng nghiên cứu Vô tuyến điện tử-Viện Kỹ thuật PK-KQ luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu, tham gia thiết kế, chế tạo nhiều sản phẩm “trên trời” có giá trị thực tiễn. Mới đây, anh chủ trì thành công đề tài thiết kế, chế tạo các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho máy tính dẫn đường A313 trên máy bay Su-27. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất của ngành vô tuyến điện tử hàng không kể từ khi máy bay Su-27 được đưa vào trang bị trong quân chủng do tần suất hỏng hóc của thiết bị cao, nguyên lý hoạt động phức tạp, kết cấu khó khăn cho việc sửa chữa, vật tư linh kiện thay thế khan hiếm, không đủ tài liệu, sơ đồ… Kết quả nghiên cứu được áp dụng sản xuất vật tư khối sử dụng trên máy bay Su-27 đạt chất lượng tốt, giải quyết cơ bản nhu cầu cấp thiết trong công tác bảo đảm kỹ thuật đối với máy tính dẫn đường A313 trên máy bay Su-27.

Cùng với đó, anh Hùng tham gia thiết kế, chế tạo thiết bị dẫn đường vệ tinh VT05 ứng dụng có hiệu quả trên các máy bay trực thăng và vận tải quân sự; thiết kế, chế tạo hệ thống phân biệt địch-ta IFF-VN, chủ trì nội dung thiết kế hệ thống và thiết kế chế tạo phần xử lý của máy trả lời MTL-VN2 lắp trên máy bay… Đại tá Nguyễn Thanh Hùng cho hay: “Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, quân chủng đang xây dựng theo hướng tiến thẳng lên hiện đại, do đó, chúng tôi phải luôn bám sát nhiệm vụ của ngành, kịp thời xây dựng và triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo đảm trang bị, kỹ thuật, phục vụ các nhiệm vụ của quân chủng. Muốn vậy, chúng tôi phải phát huy nội lực, trí tuệ tập thể; tăng cường phối hợp nhóm, trao đổi phản biện trong quá trình nghiên cứu; phát huy tốt tính kế thừa và hợp tác trong nghiên cứu khoa học”.

Đại úy Nguyễn Đức Triển, nghiên cứu viên Phòng nghiên cứu Ra-đa, tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, chế tạo, trong đó nổi bật là các nhiệm vụ trong dự án “Đầu tư chế tạo ra-đa cảnh giới tầm trung sóng mét RV”. Đặc biệt, đề tài “Thiết kế, chế tạo, mô phỏng mô hình anten điều khiển mạng pha điện tử” là đề tài mở, hàm lượng khoa học lớn. Việc thực hiện thành công đề tài này là bước đệm phục vụ công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo đài ra-đa mạng pha số 3 tọa độ tại Viện Kỹ thuật PK-KQ hiện nay.

Không ngừng sáng tạo

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, những năm qua, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã triển khai toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn: Hiện nay, viện tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Nghiên cứu, khai thác, sửa chữa, cải tiến các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có, nhất là các loại VKTBKT mới. Cùng với đó là nghiên cứu, từng bước chế tạo các cụm khối chức năng và dần tiến tới chế tạo các hệ thống, thiết bị kỹ thuật trên các loại vũ khí, khí tài cũng như nghiên cứu chế tạo mới các loại VKTBKT theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và quân chủng. Ngoài ra còn tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện, các loại mục tiêu mặt đất, mục tiêu trên biển và sản xuất các loại máy bay không người lái làm mục tiêu huấn luyện cho các loại vũ khí, khí tài của quân chủng. Viện đã và đang tiến hành nghiên cứu nắm bắt các kỹ thuật và công nghệ mới như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật vi xử lý, kỹ thuật số, công nghệ ASIC, FPGA, PSOC…; kỹ thuật siêu cao tần và xử lý số tín hiệu, kỹ thuật đo lường và điều khiển số; công nghệ mô phỏng; công nghệ vật liệu mới...

Thời gian qua, viện đã triển khai thực hiện hàng chục dự án, hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ ở các cấp, các dự án, nhiệm vụ được đánh giá cao về chất lượng và tính thực tiễn. Viện được Bộ Quốc phòng và quân chủng tin tưởng giao nhiệm vụ thiết kế, chế tạo hệ thống phân biệt địch-ta IFF-VN. Sau hơn một năm nghiên cứu, nhiệm vụ chế tạo hệ thống IFF-VN đã hoàn thành. Các sản phẩm của hệ thống bao gồm máy hỏi MH-VN, máy trả lời MTL-VN và thiết bị mã mật đã được thử nghiệm thành công trên các khí tài mặt đất và trên các loại máy bay của quân chủng. Hệ thống IFF-VN được Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá cao, hiện được biên chế trong trang bị của quân chủng.

Viện đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác nghiên cứu, sửa chữa, cải tiến, chế tạo; nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ được đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm kỹ thuật của quân chủng những năm qua, như: Hệ thống kiểm tra khách quan trang bị trên hầu hết các loại máy bay của quân chủng giúp phi công, thợ máy, chỉ huy bay, chỉ huy các cấp có được khách quan trong quá trình thực hiện bay để rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn. Hàng nghìn bộ lốp máy bay Su-22M, Su-22M4, L-39 với giá thành chỉ bằng 2/3 nhập ngoại. Dự án “Chế tạo lốp bơm hơi không săm cho máy bay L-39” đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII, đoạt Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm quốc tế SEOUL-2016. Hiện nay, viện đã nghiên cứu thành công đề tài lốp bơm hơi không săm cho máy bay Su-30; chế tạo các loại tên lửa huấn luyện tự ghi để huấn luyện trên máy bay Su-27, Su-30; Ra-đa thời tiết KONTUR-10 trên trực thăng; các trang thiết bị kiểm tra phục vụ sửa chữa kỹ thuật hàng không và một số mô-đun của máy tính trung tâm tổ hợp tên lửa S-300PMU1; cải tiến đài điều khiển, thiết bị ghi sai số bám sát kíp trắc thủ khí tài tên lửa S-75M, S-125M… Năm 2015-2016, viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công tổ hợp máy bay không người lái UAV-01, UAV-02, UAV-03 với nhiều tính năng chiến kỹ thuật vượt trội về tốc độ, độ cao bay, cự ly điều khiển, thời gian bay trên không và có khả năng cất hạ cánh trên các địa hình khác nhau. Tổ hợp máy bay không người lái này có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực và có thể sử dụng làm mục tiêu trên không để huấn luyện cho tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 và máy bay Su-30MK2.

Việc chế tạo thành công các hệ thống thiết bị, vật tư trên mở ra hướng mới trong thời gian tới có thể chế tạo trong nước thay thế các hệ thống tương đương của nước ngoài với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với nhập ngoại.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngang tầm nhiệm vụ

“Các chú làm công tác khoa học, kỹ thuật là khó, các chú phải cố gắng học tập văn hóa; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật sửa chữa mới tốt, tránh được sai sót, phục vụ chiến đấu thắng lợi”. Lời dạy của Bác Hồ khi đến thăm xưởng sửa chữa máy bay vận tải ngày 25-9-1966 luôn được cán bộ, nhân viên của Viện Kỹ thuật PK-KQ khắc ghi. Đại tá Bế Văn Tâm, Chính trị viên Viện Kỹ thuật PK-KQ cho rằng: “Để xây dựng quân chủng tiến lên hiện đại phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu là khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu, giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân chủng. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy của viện luôn quan tâm thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, viện có đội ngũ cán bộ gồm 24 tiến sĩ, 71 thạc sĩ, 33 kỹ sư cùng nhiều thợ bậc cao, lành nghề. Tỷ lệ cán bộ trẻ chủ trì các đề tài, nhiệm vụ phức tạp ngày càng cao, dần trở thành lực lượng chính, bảo đảm tính kế thừa, liên tục và phát triển, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Chúng tôi gặp Thiếu tá Phạm Đình Hưng khi anh vừa được đơn vị tổ chức sinh nhật mừng tuổi 35. Hiện anh Hưng đang đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Phòng nghiên cứu Phương tiện bay không người lái và có thành tích nổi bật trong nghiên cứu, chế tạo của viện. Anh Hưng chia sẻ: “Về công tác tại viện, tôi được phát huy khả năng, sở trường; được làm việc trong môi trường thân thiện, trang thiết bị hiện đại; được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn là động lực để tôi luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đi tắt đón đầu trong từng công việc, làm chủ khoa học công nghệ và cống hiến hết mình cho đơn vị”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA