Thấm nhuần nhiệm vụ vinh quang
Gặp Binh nhì Trần Đăng Tùng ở Tiểu đội 10, Trung đội 3, Trung tâm Huấn luyện, Đoàn 285 tại Khu di tích lịch sử K9, chúng tôi nhận thấy người chiến sĩ này hiểu biết và có niềm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tùng đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và luôn có niềm đam mê tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Niềm kính yêu Bác Hồ là động lực để Tùng và nhiều đồng đội chủ động vượt qua khó khăn khi bước vào những ngày huấn luyện chiến sĩ mới để trở thành người chiến sĩ hằng ngày làm nhiệm vụ "giữ yên giấc ngủ cho Người".
Binh nhì Trần Đăng Tùng tâm sự: “Quá trình huấn luyện để trở thành chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng rất vất vả, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Niềm mong mỏi lớn của chúng tôi là được trở thành những chiến sĩ tiêu binh Lăng Bác, được canh giấc ngủ cho Người”. Lời tâm sự ấy khiến tôi thêm trân trọng những "chiến sĩ đặc biệt". Trở thành chiến sĩ tiêu binh Lăng Bác đâu dễ dàng! Chưa nói về hình thể, quân dung, vóc cao, mặt đẹp, mà còn trải qua một quá trình khổ luyện, từ dáng đi, thế đứng làm sao cho chuẩn mực. Ví như bài tập “đứng nghiêm” tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không có một "ý chí thép" thì chẳng ai có thể đứng nghiêm liên tục suốt 3 giờ trên bãi tập dưới cái nắng đầu hè chói chang.
Trung tá Nguyễn Văn Tuyến, Chính trị viên Trung tâm Huấn luyện, cho biết: “Trong quá trình huấn luyện, các chiến sĩ luôn tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, cố gắng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu của môi trường mới để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao”. Thật vậy, người chiến sĩ của Đoàn 285 được ví là “nhân trong nhân, cốt trong cốt” của thanh niên quân đội, có sức bền, có ý chí khiến bất kỳ ai cũng phải nể phục. Mỗi động tác của họ đều thể hiện sự mẫu mực chính quy trong Điều lệnh đội ngũ; mực thước trong rèn luyện, sinh hoạt, lối sống...
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những cán bộ tham gia công tác huấn luyện chiến sĩ mới của Đoàn 285. Bởi họ chính là thước đo cho sự hoàn hảo. Chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm và nhận thức chung của các đồng chí chỉ huy Trung tâm Huấn luyện, đó là cán bộ các cấp phải gương mẫu từ suy nghĩ, lời nói đến hành động để chiến sĩ noi theo. Trong thực tế, cán bộ không chỉ gương mẫu mà họ còn phấn đấu trở thành những “chuyên gia tâm lý” để hiểu và giúp đỡ chiến sĩ. Chúng tôi được thực mục sở thị những bảng biểu, ghi chú, nhận xét về chiến sĩ mới từ ngày mới đặt chân về đơn vị. Một trong số đó là “Bảng đăng ký phấn đấu”. Nghe tên thì có vẻ cứng nhắc, khô khan, nhưng thực tế đó là những “quyết tâm thư” của chiến sĩ mới. Các chiến sĩ có thể viết vào đó mọi điều mình suy nghĩ, những việc cần làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đọc được những dòng này của Hạ sĩ Nguyễn Trung Kiên, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 23, Trung đội 6: "Quyết tâm hoàn thành toàn diện các nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua trong huấn luyện chiến sĩ mới. Đoàn kết, sáng tạo, nêu gương, kỷ cương, quyết thắng". Đó là những lời hứa với chính mình. Kiên cũng nêu ra những mục tiêu rất cụ thể cho mình và đồng đội, như trong học tập nâng cao nhận thức chính trị, trong huấn luyện, trong duy trì kỷ luật đơn vị…
 |
Thiếu tá QNCN Nguyễn Minh Đoan hướng dẫn đoàn học sinh tới dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử K9. |
Trong ánh nắng chiều, nhìn hàng quân hiên ngang thực hiện từng tư thế, động tác điều lệnh đội ngũ, trong lòng chúng tôi dâng lên một niềm lạc quan tin tưởng. Những chiến sĩ ấy chỉ ít tháng nữa thôi sẽ là đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tiêu binh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần Bác, học nhiều điều hay
Đoàn 285, ngoài Trung tâm Huấn luyện còn quản lý 3 đội, đó là: Đội Quản lý di tích, Đội Quản lý rừng và Đội Bảo vệ. Thượng tá Đỗ Hoàng Việt, Chính ủy Đoàn 285 nói: “Chúng tôi rất tin tưởng vào sự nhiệt tình, năng nổ của cán bộ trong các đội, có thể ví họ như “mặt tiền” của đơn vị. Qua quá trình công tác nhiều năm tại Khu di tích K9, nhiều cán bộ đã thể hiện tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc của mình”. Một trong những “mặt tiền” mà chúng tôi muốn ghé thăm là Đội Quản lý di tích, đảm nhiệm công việc phục vụ đồng bào, chiến sĩ và du khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Khu di tích lịch sử K9.
Khu di tích K9 mở cửa phục vụ khách tham quan trong nước từ năm 2016 và khách quốc tế từ năm 2017. Từ đó đến nay, đã có hàng vạn lượt khách đến tham quan. Hiện tại, khu di tích có 5 điểm tham quan chính: Khu Nhà trưng bày, Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày xe, Phòng thi hài và Khu vực Đá Chông. Cũng phải kể lại một chút về lịch sử của khu di tích này. Vào thời Pháp thuộc, hơn 300ha rừng ở đây là một trang trại của một nhà tư sản Pháp. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khu vực này được Bác Hồ ghé thăm nhiều lần, trong đó lần quan trọng nhất là Bác Hồ dừng chân nghỉ trong dịp một đơn vị quân đội diễn tập bên sông Đà. Sinh thời, Bác Hồ từng làm việc ở khu vực Đá Chông, nhiều lần tiếp các vị khách quý. Năm 1962, Bác đã tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Titov tại đây và cùng Anh hùng G.Titov trồng cây; hiện nay, cây đang phát triển xanh tốt. Sau khi Bác từ trần, Đá Chông là nơi lưu giữ thi hài Bác trong nhiều năm.
Ở một nơi đặc biệt, gắn với nhiều sự kiện lịch sử của Bác Hồ, chúng ta cũng dễ cảm nhận được hơi ấm của Người. Sinh ra sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Thiếu tá QNCN Nguyễn Minh Đoan đã cảm nhận sâu sắc tình cảm ấy. Anh là một trong số ít cán bộ có thời gian công tác liên tục 20 năm tại khu di tích lịch sử này. Anh Đoan nói: “Xúc động nhất là những đoàn cán bộ, cựu chiến binh miền Nam ra thăm khu di tích. Lúc dâng hương, ai nấy đều rưng rưng nước mắt khiến những người làm công tác hướng dẫn như chúng tôi cũng không nén được sự xúc cảm”.
Năm ngoái, đoàn tham quan của Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, người trực tiếp tham gia giữ gìn thi hài của Bác đã đến đây. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu kể lại nhiều câu chuyện cảm động khi cùng chuyên gia Liên Xô giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học mà Thiếu tá QNCN Nguyễn Minh Đoan nhớ mãi, đó là tính khoa học, cẩn thận trong bất cứ công việc gì. Cũng dịp đó, đoàn cựu chiến binh bộ đội đặc công TP Hải Phòng đến tham quan trùng với đoàn của đồng chí Nguyễn Văn Sướng, người lái xe Zin 157 đưa thi hài Bác từ Hà Nội lên khu K9. Biết được chi tiết này, anh Đoan giới thiệu bác Nguyễn Văn Sướng lên kể về những kỷ niệm đó. Câu chuyện nhiều chi tiết cảm động khiến một cựu chiến binh thốt lên: “Vậy là nơi hậu phương còn nhiều công việc vô cùng gian nan và vô cùng hệ trọng. Bởi đó là việc làm không được phép sai sót!”. Bác cựu chiến binh này nhấn mạnh những từ trong câu “không được phép sai sót” như một lời cảm ơn với đồng chí Sướng. Đáp lại, đồng chí Sướng nói rằng, đó là công lao của nhiều tập thể, từ những chiến sĩ công binh làm đường, người thợ cơ khí hoán cải xe, cho tới sự lãnh đạo tài tình của cấp trên... Những câu chuyện ấy đã trở thành những kỷ niệm nhớ mãi đối với Thiếu tá QNCN Nguyễn Minh Đoan để sự kính trọng, ngưỡng mộ của anh đối với Bác ngày càng được bồi đắp.
Đi dưới tán rừng nhiều gốc cổ thụ rợp bóng cho thấy việc chăm sóc, giữ gìn của Đội Quản lý rừng rất công phu. Khu di tích có 234ha rừng, mỗi gốc cây đều được đánh dấu, ghi tên... Hương rừng ngào ngạt như rắc hương hoa, làn gió đầu hè đu đưa vòm lá, gương mặt của những người chiến sĩ rạng ngời, tươi sáng. Trong nhiều năm qua, Đoàn 285 đã tổ chức hướng dẫn, đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, tham quan Khu di tích lịch sử K9 tận tình, chu đáo, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG