Vượt sóng ra với đảo xa

Chúng tôi có mặt tại cảng Đình Vũ để lên tàu ra với Cô Tô lúc trời vừa hửng sáng. Khi chúng tôi đến, chiếc tàu đa năng 8004 của Hải đoàn 11 đã sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thăng, Chính ủy Vùng CSB 1 vừa bắt tay chúng tôi, vừa tranh thủ tiết lộ: “Từ năm 2017, Vùng CSB 1 đã ký kết triển khai mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” với huyện đảo Cô Tô. Ngoài Cô Tô, đơn vị còn triển khai mô hình tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Vùng chọn Cô Tô để thực hiện mô hình vì đây là huyện đảo tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Số dân đi biển và làm các dịch vụ biển của huyện chiếm phần lớn, song, kiến thức pháp luật về biển, đảo còn hạn chế. Vì vậy, triển khai mô hình tại đây, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp bà con đánh bắt an toàn, làm giàu từ biển, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển vững mạnh”.

Đồng hành với cán bộ, chiến sĩ CSB trong chuyến đi này còn có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài quân đội. Mang theo chuyến đi, mỗi đơn vị, nhà đồng hành đều có những phần quà, cách ủng hộ của riêng mình. Song, tất cả đều chung một tấm lòng muốn được chia sẻ, giúp đỡ chính quyền và người dân trên đảo Cô Tô. Nhìn các chiến sĩ chuyển những thùng quà được đóng gói cẩn thận lên tàu, Thượng tá Lê Huy, Phó chính ủy Vùng CSB 1 chia sẻ: “Ngoài những phần quà của đơn vị chuẩn bị, trong đợt hành trình này còn có nhiều món quà của các nhà tài trợ. Do đời sống trên đảo có nhiều đặc thù nên chúng tôi lựa chọn những món quà phù hợp, hữu ích đối với người dân trên đảo”.

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn đi biển và trao áo phao tặng ngư dân.

Những hoạt động hiệu quả, ý nghĩa

Sau hơn 6 tiếng lênh đênh trên biển, đảo Cô Tô bắt đầu hiện ra với những tòa nhà cao tầng nằm san sát. Vừa bước chân lên hòn đảo xinh đẹp, được sự giúp đỡ của chính quyền và các đơn vị quân đội trên đảo, đoàn chúng tôi chỉnh tề trang phục đến dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ và nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Sáng hôm sau, khi chúng tôi có mặt tại Trường THPT Cô Tô, thầy và trò nhà trường đã tề tựu đông đủ, chuẩn bị cho cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 phối hợp với nhà trường tổ chức. Với cách thức thi theo kiểu “Rung chuông vàng”, cuộc thi tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn với không chỉ thí sinh dự thi mà còn khiến khán giả cũng hết sức hào hứng theo dõi. Dù có nhiều câu hỏi nằm ngoài sách giáo khoa, song có lẽ, bằng tình yêu biển, đảo, các em đều thực hiện khá tốt phần thi của mình. Phải dùng đến nhiều câu hỏi ngoài kịch bản, cuộc thi mới tìm được thí sinh giành chiến thắng. Em Vũ Ngọc Hân, học sinh Lớp 10A2, người đoạt giải cao nhất của cuộc thi không giấu nổi niềm xúc động cho biết: “Cuộc thi này giúp chúng em thêm hiểu và yêu hơn mảnh đất nơi mình đang sinh sống, yêu biển, đảo quê hương nhiều hơn”.

Cũng giống với cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”, các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật về biển, đảo; tập huấn, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân khi đánh bắt trên biển mà đoàn tổ chức luôn thu hút sự tham gia của đông đảo ngư dân. Tại nhà văn hóa trung tâm huyện, chúng tôi được chứng kiến đông đảo người dân từ già đến trẻ, nam, nữ chăm chú theo dõi cán bộ của đoàn tuyên truyền kiến thức pháp luật, hướng dẫn cách mặc áo phao đúng quy cách. Vừa mặc chiếc áo phao mới được tặng, ông Phạm Văn Hải, 57 tuổi, trú tại khu 2, thị trấn Cô Tô vừa tâm sự: “Nghe các anh trong lực lượng CSB tuyên truyền, hướng dẫn mới thấy bà con ngư dân mình trước đây… liều quá. Giờ được tập huấn, có thêm kiến thức rồi, tôi sẽ về áp dụng và tuyên truyền cho con cháu để khi đi biển bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Ngoài tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho ngư dân trên bờ, trong đợt hành trình này, đoàn công tác còn lập thành các tổ, phối hợp với Bộ đội Biên phòng trên địa bàn dùng ca nô ra tận các tàu để trao quà, phát tài liệu, sổ tay pháp luật tặng bà con. Nhiều tàu neo đậu gần cầu cảng được đoàn tặng cờ Tổ quốc, áo phao, phao tròn, đèn bão, radio. Một số tàu còn được đoàn ra tận nơi trực tiếp gắn tặng tủ thuốc kèm theo cơ số thuốc thông dụng. Nhận những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, anh Nguyễn Đăng Hải, 37 tuổi, quê ở Quảng Yên chia sẻ: “Giá trị món quà không lớn nhưng rất có ý nghĩa với ngư dân chúng tôi”.

Ngư dân mong đợi nhiều hơn những đợt đồng hành

Cùng chúng tôi có mặt tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô theo dõi các bác sĩ quân y và lực lượng bác sĩ trẻ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, người nghèo, Thượng tá Lê Huy nói nhỏ: “May quá! Ban đầu ai cũng lo bà con đến muộn, hoặc ít người tới khám bệnh. Vậy mà khi anh em chưa triển khai xong phương tiện, bà con đã đến rất đông. Tôi vừa quán triệt cho anh em tổ chức khám bệnh cho tất cả nhưng ai có nhu cầu, kể cả những người không được mời. Với tiến độ này, chắc chắn hơn 100 suất thuốc miễn phí được phát xong trước thời gian dự kiến”.

Trong đợt hành trình này, đoàn đi thăm, tặng quà 20 gia đình người có công, 40 hộ ngư dân nghèo, 10 cháu học sinh nghèo học giỏi, 10 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, 30 suất quà tặng con cán bộ, nhân viên thuộc LLVT trên địa bàn và 10 chiếc xe đạp tặng các cháu học sinh nghèo. Ngoài ra, đoàn còn tặng hàng trăm cờ Tổ quốc, áo phao và phao tròn, 18 chiếc radio, 9 đèn bão, 10 tủ thuốc; phát 1.000 tờ rơi cho ngư dân. “Sắp tới, Đảng ủy, chỉ huy vùng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa, thực sự trở thành người đồng hành, điểm tựa tin cậy cho chính quyền và nhân dân không chỉ ở Cô Tô mà còn nhiều địa phương khác”, Thượng tá Lê Huy nói.

Trò chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về hiệu quả mô hình dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô phấn khởi chia sẻ: “Mỗi khi đoàn công tác ra, đối với cán bộ và nhân dân nơi đây, đó là những ngày hội. Các hoạt động của đoàn không chỉ thể hiện tình cảm quan tâm của đất liền với nhân dân trên đảo mà còn góp phần cùng chính quyền và nhân dân nơi đây xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, văn minh, vững mạnh về mọi mặt. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, mô hình này tiếp tục được duy trì với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả hơn nữa”.

Chúng tôi tạm biệt Cô Tô xuống tàu trở về đất liền, kết thúc 3 ngày hành trình trên đảo khi màn đêm đã buông xuống. Không gian trên đảo ngập tràn một sự bình yên, tĩnh lặng. Trên biển, những chiếc đèn của tàu cá đang neo đậu gần cầu cảng rọi xuống mặt nước lấp lánh. Trong tiếng rì rầm của sóng biển, bên tai tôi văng vẳng lời bài hát “Bài ca Cảnh sát biển Việt Nam” vừa được cất lên trong buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác với tổ chức quần chúng địa phương: Như đàn hải âu tung cánh giữa trùng khơi/ Biển trời quê hương ngày đêm ta canh giữ/ Vượt ngàn muôn phong ba, vượt ngàn muôn bão tố/ Tổ quốc trao ta một niềm tin thiết tha…

Box: Thực hiện mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”, năm 2017-2018, Vùng CSB 1 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở 9 xã (huyện) đảo tổ chức tuyên truyền về luật biển, kiến thức pháp luật cho hơn 7.400 lượt cán bộ, ngư dân, cấp phát 23.600 tờ rơi, 470 sổ tay tuyên truyền các loại. Tổ chức 4 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” với sự tham gia của 3.470 giáo viên, học sinh. Vùng cũng đã thăm, tặng quà 256 gia đình người có công, ngư dân nghèo, nhận đỡ đầu 9 học sinh nghèo học giỏi đến hết 18 tuổi; tặng 580 cờ Tổ quốc, 360 áo phao, 170 phao tròn, 20 xe đạp… với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN - HẰNG NGA