Dịp cuối năm 2017, chúng tôi về Lữ đoàn 454 để viết bài xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị. Vì còn thời gian, nên tôi đề nghị đơn vị cho gặp thêm một điển hình tiên tiến. Nhờ vậy, tôi được gặp Đại úy Nguyễn Đức Thanh, khi ấy vừa được bổ nhiệm giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 3. Đó cũng là thời điểm mà Tiểu đoàn 3 mới chuyển về doanh trại mới, tuy khang trang nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Đại úy Nguyễn Công Trường (hiện là Thiếu tá) Chính trị viên Tiểu đoàn 3 khi ấy chia sẻ về những nhiệm vụ của đơn vị: Trước đây, tiểu đoàn là đơn vị khung huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Từ năm 2016, đơn vị mà trực tiếp là Đại đội 7 được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới (CSM). Cả cán bộ và đồng chí Nguyễn Đức Thanh đang tích cực hoàn thành chỉnh trang doanh trại và xây dựng khu tăng gia sản xuất tập trung để chuẩn bị nguồn thực phẩm sạch và an toàn, rẻ cho đợt CSM tới.
Lúc bấy giờ, theo đề nghị của chúng tôi, Trường đưa đến khu tăng gia gặp Thanh. Khu tăng gia rộng khoảng 4.000m2. Việc khai thác đất hoang mới chỉ bắt đầu. Đội ngũ cán bộ phân đội, người thì đẩy xe rùa, người lại luôn tay cuốc, xẻng, lấn dần từng tấc đất. Nhìn những người lính như lọt thỏm trong ngút ngàn cỏ dại và đá sỏi và cần mẫn như “Dã tràng xe cát”. Sau tiếng gọi của Trường, Thanh dừng công việc và tiến về phía chúng tôi.
Tuy bấy giờ đang trong tiết lạnh ở miền đất Chí Linh (Hải Dương) nhưng mồ hôi vẫn chảy thành dòng thấm ướt bộ quân phục của Thanh. “Dạo này đơn vị đang chạy đua với thời gian để giải quyết khó khăn trong cung cấp thực phẩm. Thị trường ở đây, cứ vào mùa đông và xuân là giá rau, củ quả và thịt, cá, gà thi nhau tăng như... phi mã”, Thanh nói. Có lẽ vì thế mà trong cái khó càng phải có nỗ lực. Hằng ngày, vào đầu giờ buổi sáng, Thanh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị tập trung ra khu tăng gia để lao động. 11 giờ nghỉ tay. Đến thời gian buổi chiều lại tiếp tục lao động. Khi hoàn thành chỉ tiêu lao động trong ngày thì mới hành quân về doanh trại.
Mới tìm hiểu được vậy, chúng tôi thấy Đại đội trưởng Nguyễn Đức Thanh có vẻ bồn chồn, luôn hướng ánh mắt về phía đồng đội đang lao động. Tôi nghĩ, nếu còn lưu lại thì vô tình cản trở công việc anh và đơn vị. Bởi đơn vị hiện rất khó khăn về nhân lực, vắng một người như mất một cánh tay, hơn nữa Thanh còn là “cánh tay chỉ huy”. Tôi kiếm cớ chia tay và gửi lại lời hứa sẽ quay lại sớm nhất khi có dịp.
Sau chừng một năm rưỡi, trở lại Lữ đoàn 454, chúng tôi thấy rất ấn tượng vì sự đổi thay của đơn vị qua cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hầu hết các ao hồ đã được kè, cây cảnh, bon sai đua nhau khoe sắc. Trong tán cây, chim chóc đua nhau hót véo von. Trung tá Nguyễn Kiên Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn niềm nở đón tiếp chúng tôi. Điều không thay đổi mà chúng tôi nhận ra ngay đó là tình cảm, sự gần gũi, hòa nhã của cán bộ các cấp. “Chuyến công tác này, tôi muốn tìm hiểu về thành tích trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị. Đề nghị các anh giới thiệu cho tôi một điển hình nổi bật”, chúng tôi nói với Trung tá Nguyễn Kiên Cường. “Ở đơn vị rất nhiều cá nhân điển hình, nhưng Đại úy Nguyễn Đức Thanh, Đại đội trưởng Đại đội 7 là tấm gương tiêu biểu, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, anh Cường cho biết.
Đại đội 7 hôm nay kiểm tra bắn thử nội dung tư thế nằm bắn súng tiểu liên AK cho CSM. Thanh trực tiếp chỉ huy công tác huấn luyện, quản lý CSM bắt đầu từ năm 2018. Từ thời điểm đó, Thanh rất cầu thị, đến gặp cán bộ tiểu đoàn và những cán bộ có kinh nghiệm để học hỏi về cách thức tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cho đối tượng CSM. Nhờ vậy, CSM nhanh chóng hòa nhập và an tâm tư tưởng. Và hôm nay, kết quả kiểm tra bắn thử của CSM của Đại đội 7 hầu hết đều đạt khá, giỏi.
“Tình thương và sự quan tâm bện lại với nhau thành sợi lạt mềm để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, chung sức đồng lòng xây dựng đơn vị”. Theo phương châm này, Thanh rất quan tâm và sát sao với chiến sĩ. Điển hình như: Qua quá trình học tập huấn luyện CSM năm 2018, Thanh thấy Binh nhì Nguyễn Huy Tuấn, Tiểu đội 6, Trung đội 2, có biểu hiện không cởi mở, ít tập trung và chậm chạp. Qua nắm bắt tình hình Thanh được biết Tuấn có hoàn cảnh đặc biệt. Bố, mẹ chia tay, Tuấn ở với ông bà nội từ bé. Học hết THPT Tuấn làm công nhân rồi sau đó nhập ngũ. Tuấn nói chỉ muốn đi làm để có tiền phụ giúp ông, bà. Từ đó, Thanh chủ động gặp Tuấn để chia sẻ, động viên. Nhờ vậy, Tuấn xác định rõ nhiệm vụ và ngày càng hòa đồng với anh em, đồng đội, yên tâm học tập, rèn luyện. Cũng nhờ đó, Tuấn đã vươn lên đạt kết quả cao trong huấn luyện của đơn vị.
Lần này, tôi được biết thêm, Thanh còn có nhiều đóng góp cho thành tích chung của Tiểu đoàn 3 nói riêng và Lữ đoàn 454 nói chung. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Giá hỗ trợ tháo, lắp lốp xe” đạt giải A cấp lữ đoàn, đạt giải B cấp quân khu trong Hội thi “Sáng kiến, cải tiến trang thiết bị huấn luyện hậu cần năm 2018”. Ý tưởng của sáng kiến xuất phát từ những trăn trở trong quá trình xử lý sự cố lốp xe (như thủng săm, nổ lốp...). Trước đây, nếu khắc phục sự cố trên cần 3 đến 4 người và mất từ 45 đến 60 phút, tính an toàn không cao và ảnh hưởng lớn đến thời gian, tốc độ cơ động SSCĐ. Từ trăn trở đó, Thanh nghiên cứu, thực nghiệm và cho ra đời “Giá hỗ trợ tháo, lắp lốp xe” với những ưu điểm: Tiết kiệm thời gian và nhân lực (chỉ cần một người và thời gian tháo lắp lốp mất khoảng 7-10 phút/lần); sử dụng được với các loại lốp (to-nhỏ, cứng-mềm); gọn nhẹ, tiện mang theo khi cơ động; tiết kiệm kinh phí (nếu trang bị máy ép thủy lực thì mất khoảng 20 triệu đồng, còn sản xuất một sản phẩm “Giá hỗ trợ tháo, lắp lốp xe” chỉ khoảng 900.000 đồng; an toàn trong quá trình tháo lắp và không ảnh hưởng đến tuổi thọ của lốp xe.
Thanh chia sẻ: “Các ý tưởng về sáng kiến đều từ cố gắng hạn chế nhược điểm quy trình sử dụng trang bị khí tài trong thực tế. Trước đây, khi tham gia huấn luyện dã ngoại, diễn tập dài ngày ở địa hình rừng núi, xa dân cư, tôi thấy máy thông tin Vô tuyến điện PRC25 (PRC25) có những hạn chế: Một là khó tìm nguồn điện để nạp pin; hai là nếu mang theo pin dự phòng thì thêm vất vả cho chiến sĩ và đơn vị cũng không đủ pin dự phòng theo đầu máy; ba là nếu nạp bằng máy nổ thì không bảo đảm bí mật...”. Cũng từ những điều mình thấy, Thanh đã cho ra đời sản phẩm “Thiết bị nạp nguồn cho máy PRC25 bằng năng lượng mặt trời”. Trong điều kiện chiến đấu ban ngày, có thể nạp nguồn pin PRC mọi lúc, mọi nơi để bảo đảm liên lạc không bị gián đoạn; hơn nữa sản phẩm gọn nhẹ, dễ vận chuyển trong quá trình cơ động; không phát ra tiếng ồn, bảo đảm yếu tố bí mật. Đặc biệt hơn, giá thành một sản phẩm rẻ hơn nhiều lần so với mua một nguồn pin dự phòng và nhờ có cơ chế tự ngắt nên sản phẩm không ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin. Sáng kiến đoạt loại A trong hội thi cấp quân khu và đạt loại 3 cấp Bộ Quốc phòng.
Trên đường từ thao trường về đơn vị, chúng tôi thêm một lần ra khu tăng gia của Tiểu đoàn 3, công sức của tập thể đơn vị đã làm nên một màu mướt mát của các loại rau xanh, ngay hàng thẳng lối. Trong chuồng, bầy lợn hơn 30 con béo núc, cùng bầy gia cầm đến gần 500 con. Nhìn vườn củ cải xanh mướt, Thanh cho biết: "Mùa này có sương muối nên chúng tôi trồng củ cải, vừa phát triển tốt, vừa dùng được chế biến nhiều món, như: Xào, luộc, muối, nấu canh xương… Thời tiết khắc nghiệt của vùng này, ảnh hưởng rất lớn đến tăng gia và chúng tôi cũng phải chịu khó tìm hiểu và học tập kinh nghiệm truyền thống của nhân dân trên địa bàn".
Nhớ đến lời Bác Hồ dạy: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ…”, chúng tôi thấy thêm ngưỡng mộ tấm gương cán bộ trẻ Nguyễn Đức Thanh tràn đầy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần tận tâm, trách nhiệm và khiêm nhường.
VIỆT HÀ - DUY VĂN