Con đường quanh co ven theo sườn núi đưa chúng tôi đến xã Nậm Giải. Xuống xe, chúng tôi được bà con dân bản đón tiếp thật chân tình với những cái bắt tay siết chặt và nụ cười trìu mến. Trở lại Nậm Giải hôm nay, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những khởi sắc ở vùng đất biên viễn này. Nậm Giải như đã thay da đổi thịt, con đường bê tông phẳng lì nối liền các bản, nội bản; trạm xá được xây mới có hàng rào bao quanh, khuôn viên khang trang; trường học được củng cố; điện kéo tới từng hộ gia đình, sóng điện thoại căng tràn, nhiều loại hình dịch vụ hai bên đường mọc lên san sát… Ông Sầm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết: “Những năm trước, Nậm Giải tiêu điều sau lũ dữ, không điện, không đường, không sóng điện thoại. Nhưng mấy năm trở lại đây, năm nào cũng có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An về giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân không bao giờ quên công sức, nghĩa tình của các anh bộ đội”.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An kéo ống dẫn nước về cánh đồng Na Hốc.

Nhìn cánh đồng Na Hốc (bản Pục, xã Nậm Giải) rộng lớn, người dân luôn biết ơn hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đã giúp đồng bào san ủi những gò đất cao thành những vùng đất bằng phẳng. Trước kia, đây là ruộng lúa nhưng trận lũ dữ năm 2007 đã biến nó thành vùng đất hoang, không nước, không trồng được hoa màu. Theo nguyện vọng của nhân dân bản Pục, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 1.000 ngày công là cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu trồng lúa nước. Từ đó, nhân dân tiếp tục cải tạo mở rộng thêm diện tích để trồng trọt, phát triển kinh tế.

Mặt trời lên đỉnh đầu nhưng sau những hàng cây xanh ven núi, bộ đội cùng nhân dân vẫn miệt mài kéo đường ống từ sâu trong khe núi dẫn nước về cánh đồng Na Hốc. “Nước về rồi, nước về rồi!...”-tiếng reo vang vọng bên sườn núi của bà con dân bản làm mọi người trên cánh đồng như vỡ òa trong niềm vui sướng. Dòng nước trong veo từ khe núi ồ ạt chảy vào ruộng cung cấp nước cho cánh đồng Na Hốc. Chị Ngân Thị Hương là người dân tộc Thái ở bản Pục chia sẻ: “Cánh đồng này trước đây bị lũ cuốn làm mất hệ thống kênh mương thủy lợi, từ đó ruộng lúa trông chờ vào nước trời, thường xuyên hạn hán, lúa không phát triển được. Nhờ cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh kéo đường ống nước, nay cánh đồng Na Hốc không lo thiếu nước nữa. Cảm ơn các anh bộ đội nhiều lắm!”.

Với phương châm "Bám dân, bám bản, cầm tay chỉ việc", cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương đã giúp đỡ xã Nậm Giải nhiều phần việc thiết thực, góp phần thay đổi bộ mặt xã vùng biên. Từ năm 2012 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 6.000 ngày công giúp đỡ nhân dân đổ hơn 5km đường bê tông liên bản, nội bản, xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế xã, tặng 40 con bò giống sinh sản, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nhân dân, tặng hàng trăm suất quà tới gia đình đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trên địa bàn.

Đại tá Vương Kim Hải, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, cho biết: “Bộ CHQS tỉnh luôn đồng hành với bà con Nậm Giải. Với mong muốn góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, bà con cần cái gì đơn vị giúp đỡ cái đó. Mỗi năm chúng tôi chọn một đến hai phần việc để làm, có năm mua bò tặng bà con, có năm xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trạm xá, trường học… Năm nay, chúng tôi chọn xây dựng cánh đồng trồng lúa nước kiểu mẫu, trên cơ sở cánh đồng này sẽ nhân rộng ra trong tất cả các bản của xã để bà con không còn du canh, du cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục chung sức đồng lòng giúp đỡ xã Nậm Giải trên các lĩnh vực, chung sức đồng lòng cùng nhân dân phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới”.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã giúp xã Nậm Giải từng bước thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Việc làm ấy đã xây dựng tình cảm gắn bó máu thịt giữa đơn vị và nhân dân, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” càng in đậm trong lòng dân Nậm Giải.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG