Chiến sĩ Đại đội Đ30 kéo ghe giúp dân tránh bão.

Từ xa khơi nhìn lại, Cù Lao Xanh giống như một dải đá mà “ông thiên, bà tạo” vô tình để rơi xuống biển trong lúc xây nhà. Chen giữa những tảng đá khổng lồ lại là đủ loại cây, dây leo lúp xúp. Những loại cây này có sức sống rất mãnh liệt, ấy thế nhưng dường như tất cả chỉ nem nép thu mình dưới chân đá. Bất giác, tôi có sự liên tưởng đến tình quân dân trên đảo, nơi những người chiến sĩ hùng dũng, hiên ngang như đá tảng nghênh diện cùng biển lớn.

Cù Lao Xanh nằm cách TP Quy Nhơn 12 hải lý, cách bờ biển gần nhất 3 hải lý, nhưng mỗi ngày chỉ có hai chuyến, loại thuyền gỗ mớm nước 20 tấn qua lại. Điều này phần nào phản ánh điều kiện kinh tế ở đảo chưa cao. Gần hai tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền, tôi được nghe người dân kể đủ thứ chuyện ở đảo, phần lớn là “khoe” cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống sung túc, ấm no. Những câu chuyện khiến tôi có phần bất ngờ. Vì rằng trước đó, tôi nghe nhiều người nói cuộc sống của bà con trên đảo còn khó khăn lắm. Thuyền ghe thì nhỏ, không vươn khơi được; lực lượng thanh niên thì đi làm ăn xa, thường là đi làm “bạn thuyền” chứ chưa được làm chủ; số khác thì đi làm ở các khu công nghiệp chỉ Tết mới về; điện lưới quốc gia không có… Bà Sáu Hiền chủ thuyền, cắt ngang suy nghĩ của tôi, nói: “Khó khăn thiếu thốn tuy chưa hết, nhưng ở trên đảo chúng tôi có bộ đội. Đó là tài sản quý hơn tất cả”.

Nói đến Đại đội Đ30 (Đại đội hỗn hợp Đ30, Bộ CHQS tỉnh Bình Định), ánh mắt ai nấy đều dường như nhuần lại, trìu mến. Ông Lê Nguyên Đại (còn gọi là Hai Đại), nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu giai đoạn 1986-2000, nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đảo, chứng kiến từ ngày địch bố ráp phá tổ chức cách mạng, lập phân chi khu cho tới ngày quân ta giải phóng. Tôi có thể khẳng định: Tình quân dân là tài sản quý nhất của người dân trên đảo. Trong gian nan, hoạn nạn, đau thương, người dân đều có bộ đội xả thân mình giúp đỡ bà con trên đảo”. Ông Hai Đại kể, ở đảo thời sau giải phóng đói lắm, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đ30 (lúc đó còn là tiểu đoàn) năm nào cũng san chia khẩu phần của mình cho người dân vài tháng. Các anh Nguyễn Quốc Sự, Nguyễn Văn Tần… nguyên đại đội trưởng, nhiều thời điểm phải xuất kho dự trữ sẵn sàng chiến đấu ra để cứu giúp nhân dân. Biết làm vậy là sai nguyên tắc, nhưng để cứu đói người dân phải tính sao? Ấy cũng là sự quyết đoán, dũng cảm của người đứng chân trên đảo tiền tiêu. Rồi có thời bộ đội hướng dẫn người dân trồng cây lương thực cứu đói, vậy là khắp những hốc đá, lùm cây mọc lên vô số cây sắn (củ mì), ngô. Cả đảo xanh rợp màu lá sắn nhưng cái đói vẫn đeo đẳng xanh xao trên gương mặt người.

Chiến sĩ đơn vị giúp dân làm sạch kênh mương, bảo vệ nguồn nước của đảo.

Giọng ông Hai Đại bùi ngùi: “Đến giờ tôi chỉ có thể nói rằng thành quả của cách mạng to lớn quá, vĩ đại quá. Người dân Việt Nam mình cũng thật anh hùng, bất khuất. Tôi cứ nghĩ không hiểu tại sao ta vượt qua được những thời điểm đói khổ đến thế để bây giờ đảo trở nên đẹp tươi, giàu có, phương tiện, vật chất có thể nói là không thiếu thứ gì. Cuộc sống no đủ, hạnh phúc”. Giọng ông rưng rưng, nghèn nghẹn, rồi nói tiếp: “Tôi nghĩ sự phát triển của Cù Lao Xanh này có được là nhờ công sức của anh em cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đ30 và Đồn Biên phòng Nhơn Châu”.

Cuộc sống ở đảo trở nên khấm khá từ cách đây chừng 5 năm, khi đó trên đảo có mấy phong trào giữ gìn môi trường sạch, đẹp. Phong trào bắt nguồn từ chính khuôn viên Đại đội Đ30. Nói chung công tác xây dựng doanh trại chính quy, môi trường xanh, sạch, đẹp diễn ra ở nhiều đơn vị trong quân đội, thế nhưng phần nhiều phong trào này chỉ bó gọn trong khuôn viên đơn vị. Còn ở Cù Lao Xanh với đặc thù là đảo tiền tiêu, quân với dân có truyền thống “đồng cam cộng khổ” nên những phong trào dễ lan tỏa. Ví như, bộ đội luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương giúp các hộ neo đơn, gia đình người có công; phong trào chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường trên đảo... Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã tổ chức các hoạt động phát quang đường, làm sạch cống rãnh, thu gom rác thải để xử lý tập trung. Nói chung về chuyên môn, kỹ thuật xử lý môi trường thì chẳng có ai hướng dẫn, anh em chỉ theo cách thông thường nhất là phân loại rác vô cơ, hữu cơ. Cái nào ủ được thì ủ làm phân bón, cái nào không ủ được thì chôn lấp. Những công việc ấy khó đong đếm được công lao. Giữ cho đảo sạch, đảo an toàn là cơ sở để những hoạt động du lịch tại địa phương hình thành và phát triển. Vì thế, những năm gần đây, Cù Lao Xanh dần trở thành một điểm đến ưa thích của du khách vào các dịp lễ, tết.

Ông Đặng Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Châu nói: “Xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 6-2018. Thành tích này có phần đóng góp quan trọng của Đại đội Đ30. Trong đó, các đồng chí đã góp phần trực tiếp ở những tiêu chí về môi trường, về an ninh trật tự xã hội. Ngoài ra, bộ đội cũng gián tiếp góp phần xây dựng kinh tế ở đảo qua những việc làm rất cụ thể, như: Xây nhà tình nghĩa, tình thương, giúp đỡ hộ nghèo, neo đơn; hỗ trợ nhân dân lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai... Tôi khẳng định, trong mọi thành tích của xã đạt được cho đến hôm nay có phần công sức rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đ30. Các anh thật sự là người thân của mỗi gia đình trên đảo”.

Hỏi ra mới hay “quy trình” của một cuộc chống bão đổ bộ là như thế này. Khi nghe tin bão tới, việc đầu tiên là đảo sẽ gọi tất cả ghe đang đánh cá ngoài biển trở về, trong thời gian đó, lực lượng bộ đội sẽ giúp dân chằng chống nhà cửa, đưa dân đi tránh, trú bão khỏi những vùng có nguy cơ gây thiệt hại cao nhất, như: Bãi biển, dưới chân núi, trong khu vực nguy cơ lũ quét... Vừa khi ghe về tới bãi cát, lập tức bộ đội tập trung ra kéo ghe lên bờ, cố định chúng lại kẻo sóng biển cuốn mất. Việc kéo ghe phải nhanh, mạnh. Dân không có đủ sức làm, vậy nên “bỏ của chạy lấy người” là cách làm khôn ngoan nhất. Nhưng thực tế thì ghe là tài sản quá lớn đối với người dân, nhiều người không chịu chấp nhận mất mà cố gắng níu giữ… dẫn đến hậu quả là người thì chết mà tài sản cũng không còn. Hình ảnh bộ đội kéo ghe giúp dân tránh bão là hình ảnh anh hùng trên biển, đảo tiền tiêu này.

Ông Khánh nhớ lại cơn bão số 12 năm 2018, ông kể đợt đó bão vào lớn và rất nhanh, ghe ở nhiều địa phương khác cũng lao vào đảo để tránh trú. Tới nơi, nhiều chủ thuyền chỉ kịp nhảy lên bờ cát là chạy sâu vào trong đảo tìm chỗ tránh trú. Lúc họ chạy vào thì bộ đội chạy ra, nhiều người chưa hiểu điều gì đang diễn ra. Lát chừng hiểu ra, họ gào lên trong gió bão: “Bỏ thôi, bỏ thôi, không cứu được đâu”, có mấy anh bộ đội rất trẻ, quay lại nhoẻn cười rồi tiếp tục lao mình trong gió bão cứu ghe cho họ. Chủ ghe có người quay lại phụ giúp, có người không. Không ai trách được họ vì trước hiểm nguy rình rập, ai chẳng sợ hãi. Nhờ có bộ đội mà tài sản của người dân được bảo vệ đáng kể. Tuy vậy, sự tàn phá của bão gió khiến nhiều công trình trên đảo bị hủy hoại nặng nề. Chúng tôi ra cầu tàu để tận mắt chứng kiến sức hủy hoại của cơn bão. Kinh khủng nhất là những trụ cầu bê tông dày đến cả mét mà bị bão vặn xoắn như vỏ đỗ.

Bình minh ló rạng, tiếng hô tác phong, tiếng tập thể dục của bộ đội xôn xao một góc đảo. Trong tiếng hô rất to, rất khỏe ấy tôi nghe thoáng như giọng của chiến sĩ Nguyễn Hoài Bão, quê An Nhơn, tôi mới gặp chiều qua trên bờ đập chứa nước ngọt. Hoài Bão nhập ngũ đã hơn một năm, cuộc sống ở đảo đã quen, nền nếp sinh hoạt cũng đã thuộc. Anh cùng đồng đội phụ trách việc làm sạch mương nước, bảo vệ hồ chứa nước ngọt. Họ làm việc rất tự giác bởi tất cả đều hiểu rằng đây là trái tim, là nguồn sống của đảo. Hoài Bão tâm sự: “Đến giờ em mới hiểu hết ý nghĩa của tình quân dân. Mình giúp dân, dân giúp mình, "đồng cam cộng khổ", chia ngọt sẻ bùi, cuộc sống thêm ý nghĩa”. Đại úy Hồ Thanh Trung, Chính trị viên Đại đội Đ30 nở nụ cười rất tươi, anh nói: “Cảm ơn em, cảm ơn các đồng chí!”. Thật xúc động, hai từ đồng chí thiêng liêng. Bài giảng nào của anh đã chạm tới tâm can người chiến sĩ, để họ ý thức rõ về niềm tự hào của người quân nhân cách mạng, về tình quân dân cá nước? Phải chăng từ thực tế cuộc sống, từ môi trường rèn luyện thường xuyên dưới nắng gió thao trường, trong truyền thống quân đội đã đem đến anh em những nhận thức đó.

Tôi kể với Thượng tá Lê Xuân Dũng, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Định những câu chuyện “nhặt” được trong cuộc sống của quân dân trên đảo. Anh Dũng bày tỏ niềm vui: “Nhiều năm qua, đại đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là một trong những lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh”.

Cù Lao Xanh tắm mình trong nắng mới, bến cảng rạng rỡ nụ cười của người dân, tinh thần phơi phới của những người lính trẻ là hình ảnh sẽ còn đọng mãi trong tôi.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG