Anh không chỉ là điển hình trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, mà còn là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu từ chính bàn tay khối óc của mình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chức trách của mình, anh đã vận dụng những kiến thức được đào tạo, cùng Ban CHQS xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quân sự - quốc phòng sát với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, anh chủ động nghiên cứu, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Trên cương vị chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, anh luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đảm bảo đủ về quân số, mạnh về chất lượng chuyên môn quân sự, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong công tác huấn luyện, anh đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, thông qua cấp trên phê chuẩn; trong quá trình huấn luyện luôn chú trọng chuẩn bị tốt thao trường, mô hình, học cụ; thông qua giáo án trước khi huấn luyện. Nhờ vậy, công tác huấn luyện, diễn tập của địa phương được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời gian và có chất lượng. Hằng năm 100% quân số tham gia huấn luyện, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó khá giỏi chiếm trên 75%. Cùng với đó, anh đã cùng Ban CHQS xã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Nhiều năm qua, công tác quân sự - quốc phòng của xã Thành Kim, luôn là đơn vị dẫn đầu của huyện Thạch Thành và tỉnh Thanh Hóa.

Xã Thành Kim, nơi anh sinh sống và công tác, nằm dọc đoạn trũng thấp nhất của đê sông Bưởi, mỗi năm hứng chịu từ 3 đến 4 trận lũ lụt, mà gần nhất là cơn bão số 4 năm 2018. Hơn 15 năm qua, mỗi khi lũ ập về, bất kể ngày hay đêm, anh luôn là người đầu tiên xuất hiện giúp nhân dân chống chọi với lũ dữ. Với thành tích xuất sắc trên cương vị, chức trách được giao, liên tục từ năm 2008 đến nay anh đã được các cấp các ngành trong tỉnh và huyện trao tặng 36 bằng, giấy khen các loại. Thượng tá Nguyễn Văn Ánh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thạch Thành phấn khởi nhận xét về anh: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò trách nhiệm cũng như năng lực công tác của anh Cơi, phát triển từ phó rồi lên chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, 15 năm qua, anh luôn được cấp ủy chính quyền địa phương tin tưởng. Bên cạnh đó, anh còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo không chỉ cho gia đình mình, mà anh còn là người tạo sinh kế nghề cho nhân dân”.

Một buổi huấn luyện điều lệnh đội ngũ của Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Cơi.

Không chỉ vững về chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát trong công tác được giao, anh Nguyễn Văn Cơi còn là một người năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trăn trở trước những khó khăn vất vả của bà con nhân dân vùng lũ lụt, người dân quê anh ngày đêm “một nắng, hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, nhưng chỉ qua một đêm lũ về, nhiều hộ gia đình trở nên tay trắng, tài sản, nhà cửa, hoa màu đều bị lũ cuốn trôi….

Nghiên cứu từ thực tế địa phương, ngoài khu vực trũng thấp, xen kẻ rất nhiều đồi núi, có đa dạng, phong phú các loại cây, hoa... Nhận thấy việc nuôi ong lấy mật, có rất nhiều tính ưu việt trên địa bàn, anh đã nảy ra ý định áp dụng mô hình nuôi ong lấy mật. Vốn là người có tính quyết đoán, anh Cơi sắp xếp thời gian công tác hợp lý, tự mày mò nghiên cứu, học tập: học từ sách vở, học ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến các địa phương có nghề nuôi Ong truyền thống để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển đàn Ong.

Khởi nghiệp với 3 đàn ong từ năm 2009,  đầu tiên là nuôi ong lấy mật để gia đình sử dụng, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật và nhân đàn, với bản tính cần cù, tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ, anh lặn lội đến các hộ dân có diện tích đất rừng rộng, nhiều loại cây, hoa để động viên bà con nhân dân cùng tham gia nuôi ong. Chia sẻ với tôi về nghề nuôi ong lấy mật, Nguyễn Văn Cơi tâm sự: “Nuôi ong có rất nhiều tính ưu việt như: Không tốn nhiều thời gian, rất hợp cho công chức, viên chức; con ong còn tạo ra sự đậu quả cho nhiều loại cây ăn quả, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo thu nhập cao. Quan trọng nhất là người nuôi phải tích lũy được kinh nghiệm, nhìn con ong có thể biết được đàn ong khỏe hay yếu, khu vực mình đang nuôi có đủ phấn hoa tạo mật hay không, thời tiết như thế nào ong sẽ hay bị bệnh…”.

100% dân quân cơ động xã Thành Kim huyện Thạch Thành đều tham gia nuôi ong lấy mật.

Từ việc chỉ là nuôi Ong lấy mật để sử dụng trong gia đình, đàn ong của anh ngày càng sinh sôi, nảy nở và phát triển rộng rãi đến hàng trăm hộ dân xã Thành Kim, đối tượng tham gia nuôi cũng đa dạng các thành phần, nông dân, công chức, giáo viên đều đến gia đình anh để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Đến nay, riêng gia đình anh đã có gần 1.000 đàn, cho thu nhập hơn 1 tấn mật mỗi năm, với giá trị trường dao động từ 130 đến 180 nghìn đồng/kg, cùng với việc bán mật, mỗi năm anh còn áp dụng kỹ thuật, nhân ra hàng trăm đàn ong mới, cung cấp cho nhân dân địa phương và các huyện lân cận với giá từ 500 đến 800 nghìn đồng/đàn.

Cùng với phát triển mô hình nuôi ong, với hình thức thâm canh gối vụ, hiện nay gia đình anh Cơi còn là hộ dẫn đầu của xã Thành Kim trong phát triển kinh tế đồi rừng, với 4 ha mía, 3 ha cây ăn quả, hơn 2ha sắn và cây lâm nghiệm lấy gỗ, kết hợp với hiệu quả từ việc nuôi ong bán mật, cung cấp ong giống, thu nhập các loại nông sản trên diện tích gần 10 ha, gia đình anh có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Điều kiện kinh tế có thu nhập ổn định đã giúp gia đình anh trở thành gia đình công dân mẫu mực trong cộng đồng, quá trình công tác tại UBND xã Thành Kim, anh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từ năm 2009 đến năm 2014, anh tham gia và tốt nghiệp lớp Cử nhân Học viện Hành chính Quốc gia. Noi gương bố, hai con trai anh cũng đều tốt nghiệp các trường đại học uy tín tại Hà Nội, có công ăn việc làm ổn định. Gia đình anh thực sự là tấm gương tiêu biểu được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, nhân dân địa phương tin yêu, ngưỡng mộ.

Hướng dẫn người dân địa phương ghép chân tầng cho ong làm mật 
Nhiều cá nhân, tổ chức đoàn thể ở các địa phương lân cận đã đến với gia đình anh Cơi để học hỏi kinh nghiệm mua ong giống về mở rộng nghề nuôi ong.

Từ tấm gương của anh, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã Thành Kim đều tham gia nuôi ong lấy mật, nhiều dân quân đã thoát được nghèo, kinh tế phát triển nhờ sự dẫn dắt, giúp đỡ của anh Cơi. Gia đình anh Bùi Huy Dũng, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động là một ví dụ điển hình. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2012, anh Dũng về địa phương xây dựng gia đình và tham gia lực lượng dân quân của xã, những năm đầu xây dựng gia đình, kinh tế khó khăn, vợ anh không có công ăn việc làm, lại thêm 2 con nhỏ, dù xoay sở với đủ các nghề từ chạy xe ôm, mở trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đến buôn dứa, bưởi từ quê ra Thành phố, nhưng rồi anh đều thất bại.…

Nhận thấy gia đình anh Dũng có sẵn trang trại, anh Cơi đã khuyên anh Dũng đầu tư trên diện tích trang trại hơn 500 cây nhãn, đồng thời tặng anh Dũng 6 đàn ong, sau hơn 4 năm duy trì chăm sóc diện tích nhãn và nhân đàn Ong, gia đình anh Dũng hằng năm đã thu hoạch từ 6 đến 8 tạ mật ong, tính ra gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Niềm vui như được nhân đôi, khi anh còn có thể tự mình nhân đàn và chăm sóc, không còn phải hàng ngày gọi anh Cơi nhờ tư vấn. Đây thực sự là thành quả mà chưa bao giờ anh Dũng nghĩ đến, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh Dũng phấn khởi khoe: “Nhờ bác Cơi tận tình giúp đỡ, từ việc tặng ong giống, đến kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm nuôi ong, đến việc giới thiệu tiêu thụ mật mà gia đình em thoát nghèo, gần như bà con nơi đây, nhà nào cũng đã và đang xác định nghề nuôi ong làm nghề chính xóa đói giảm nghèo…”.

Tiếng lành đồn xa, hai năm gần đây, nhận thấy tính ưu việt và lợi nhận cao của nghề nuôi Ong lấy mật, nhiều cá nhân và các tổ chức đoàn thể đã đến tận gia đình anh Cơi để học tập kinh nghiệm và mua ong giống về nuôi. Những người đến đây, đều được anh hướng dẫn, tư vấn tỉ mỉ, chu đáo và truyền lại những kinh nghiệm được anh đức kết suốt nhiều năm qua.

Không những làm giàu cho gia đình, anh Nguyễn Văn Cơi còn tạo ra một nghề mới cho nhân dân địa phương và tương lai không xa, nơi đây đã và đang được thành lập Hợp tác xã nuôi ong và chính Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Văn Cơi là người vinh dự đặt nền móng khởi nghiệp, sinh kế nghề nuôi ong lấy mật, một nghề đem lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng rốn lũ lụt huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Bài, ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH