Chủ trương BVTQ của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế là sự kế thừa truyền thống BVTQ “từ sớm”, “từ xa” của ông cha; đồng thời, dựa trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước vào thế kỷ 21, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc” (1). Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) ra Nghị quyết “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tiếp đó, tổng kết những thành tựu, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn sau gần 30 năm đổi mới đất nước, nhất là kế thừa kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), ngày 25-10-2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ra Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện BVTQ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Với Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), định hướng BVTQ được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn. Đảng xác định, BVTQ không chỉ là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc và thực tiễn BVTQ qua 30 năm đổi mới; đồng thời, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng kiên định và xác định những vấn đề cơ bản về BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới, thể hiện sâu sắc và sinh động tư duy mới về vấn đề quốc phòng, an ninh. Đại hội nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”(2).

Có thể thấy, nội hàm quan điểm của Đảng ta về kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc rất rộng, nhưng nội dung cốt lõi là xây dựng ý chí quyết tâm sắt đá cùng với kiên trì, bền bỉ đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để BVTQ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Ý chí đó còn thể hiện ở tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của toàn dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh mới, chúng ta càng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bởi độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Trong mối quan hệ biện chứng đó, độc lập dân tộc là mục tiêu, tiền đề và là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH, không có độc lập dân tộc thì không thể xây dựng CNXH; còn xây dựng CNXH là nhằm tăng cường nguồn lực vật chất-kỹ thuật, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập dân tộc.

Bên cạnh đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nói đến không gian toàn bộ lãnh thổ, bao gồm: Vùng trời, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông, Đảng ta khẳng định phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(3). Tiếp đó, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 15-10-2019, đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục nhấn mạnh: Phải đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển (4). Đó là nguyên tắc chiến lược, là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời, là lợi ích cao nhất của đất nước trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chúng ta cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC…).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến nhiệm vụ BVTQ và được cụ thể hóa trong hệ thống các chiến lược quốc gia, như: Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng (sửa đổi năm 2018)... Đặc biệt, tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Xây dựng CNXH và BVTQ XHCN là quy luật phát triển của cách mạng nước ta”(5).

Tóm lại, chủ trương BVTQ của Đảng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước là hệ thống các quan điểm của Đảng về BVTQ “từ sớm”, ‘từ xa”; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quan điểm về xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng... Những chủ trương đó góp phần quan trọng vào những “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” mà nhân dân ta đạt được trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; qua đó, tạo thế và lực mới để đất nước hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.117.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.148.

(3) Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo baochinhphu.vn.

(4) Theo quochoi.vn

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam-Ban Chấp hành Trung ương-Ban Chỉ đạo tổng kết-Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, Hà Nội, 2015, tr.179.